.

Vụ mất tích bí ẩn của Thủ tướng Australia Harold Holt

Cập nhật: 08:46, 26/01/2018 (GMT+7)

11 giờ ngày 17-12-1967, ông Harold Holt - Thủ tướng Australia cùng 4 người bạn dừng xe ở bãi biển Cheviot trên đường từ Point Nepean trở về Portsea để “bơi một vòng trước lúc ăn trưa”. Và rồi, ông đã mất tích một cách bí ẩn.

Những người bạn của ông Harold khuyên can không nên tắm ở đây vì bãi biển này rất nguy hiểm, với những con sóng lớn cùng những dải đá ngầm nhưng ông không nghe. Vì vậy, một trong 4 người vẫn xuống nước với Thủ tướng Harold là Alan Stewart nhưng ông này bơi gần bờ. Harold tiến ra xa rồi sau một đợt sóng lớn, không ai nhìn thấy ông nữa…

LẦN BƠI CUỐI CÙNG

Những gì còn lại của ông Harold trên bãi biển chỉ là bộ quần áo và đôi giày.
Những gì còn lại của ông Harold trên bãi biển chỉ là bộ quần áo và đôi giày.

Sáng 17-12-1967, khi đang nghỉ cuối tuần ở Portsea, Thủ tướng Harold cùng 4 người bạn quyết định lái xe đến Point Nepean để xem vận động viên nổi tiếng Alec Rose bơi qua một dòng nước nguy hiểm, được mệnh danh là “The Rip - Nơi an nghỉ” bởi lẽ dòng nước ấy chảy rất siết qua một con kênh hẹp nối cảng Phillip và eo biển Bass. Nhiều người đã từng tử nạn ở nơi này khi họ đem sức mình ra khuất phục thiên nhiên. Duy nhất chỉ một người có thể chiến thắng được The Rip là Alec Rose.

Xem Alec Rose biểu diễn xong, Thủ tướng Harold cùng 4 người bạn quay về Portsea. Lúc đến bãi biển Cheviot, ông thuyết phục 4 người bạn dừng lại “bơi một vòng trước lúc ăn trưa”. Biết rằng điều kiện tự nhiên ở nơi này rất khắc nghiệt, cả 4 người bạn ông đều ngăn cản nhưng Harold nói: “Tôi biết rõ nó như mặt sau của cánh tay tôi”.

Rồi ông thay quần áo. Thấy vậy, một trong 4 người bạn ông là Alan Stewart cũng làm theo. Stewart kể: “Ông ấy xuống trước và nhanh chóng bơi ra xa. Tôi đứng ngay mép nước nhìn theo. Một con sóng lớn ập đến, ông ấy chìm trong những đám bọt trắng xóa. Sóng tan, không ai thấy ông ấy đâu nữa”. Marjorie Gillespie, cũng là bạn Thủ tướng Harold kể tiếp: “Giống như một chiếc lá, ông ấy bị nó nhấn chìm. Quá nhanh và quá bất ngờ vì Harold là người bơi giỏi mặc dù trước đó, ông ấy đã trải qua một cuộc phẫu thuật khớp vai”.

Đợi gần 5 phút vẫn không thấy Thủ tướng Harold xuất hiện, Alan Stewart dùng máy bộ đàm tần số ngắn của Harold thông báo cho cảnh sát. 3 người còn lại cố gắng tìm kiếm. Chỉ khoảng 20 phút, 1 trực thăng của Hải quân Australia đã thả xuống một nhóm người nhái. Thêm 10 phút nữa, các tàu của Lực lượng Phòng vệ bờ biển Australia, tàu y tế, ca nô cảnh sát và cả tàu cứu hỏa cũng có mặt.

NHỮNG GIẢ THUYẾT

Bãi biển Cheviot, nơi ông Harold mất tích.
Bãi biển Cheviot, nơi ông Harold mất tích.

Tin Thủ tướng Harold mất tích đã khiến cả Australia chấn động. Từ nước Anh, Thủ tướng Wilson đề nghị gửi đội đặc nhiệm SAS đến tham gia tìm kiếm. Phía Mỹ cũng vậy, Tổng thống Lyndon Johnson cho biết một nhóm biệt kích hải quân SEAL đã sẵn sàng lên đường. Và mặc dù nhóm người nhái của Hải quân Australia đã quần thảo quanh một vùng biển có diện tích lên đến 5km2 tính từ vị trí ông Harold mất tích nhưng họ vẫn không hề tìm thấy bất kỳ một dấu hiệu nào liên quan đến ông.

Sự mất tích của Thủ tướng Harold làm dấy lên nhiều giả thuyết. Có ý kiến cho rằng ông đã bị cá mập ăn thịt (mặc dù vùng biển này hiếm khi thấy cá mập xuất hiện). Trung sĩ Geogre Osborn, một trong những người nhái tham gia tìm kiếm ông Harold nói với tờ Sydney Morning Herald: “Cá mập không bao giờ nuốt trọn con mồi nếu đó là con mồi lớn, mà chúng thường xé ra thành từng mảnh nhỏ. Nếu Thủ tướng Harold chết vì cá mập thì một phần nào đó trong thi thể của ông chắc chắn vẫn còn vương vãi dưới đáy biển vì từ lúc ông mất tích đến lúc người nhái chúng tôi tiến hành tìm kiếm, chưa đến 30 phút đồng hồ, một khoảng thời gian quá ngắn để các sinh vật nhỏ khác như tôm, cua và các loại cá tầng đáy ăn hết những phần đó”. Một giả thuyết khác cho rằng ông Harold đã gặp phải một con sóng ngầm rất lớn. Sóng cuốn ông ra xa rồi xác ông có thể đã mắc kẹt dưới một dải đá nhưng giả thuyết này cũng nhanh chóng bị bác bỏ bởi lẽ theo tường trình của sĩ quan chỉ huy nhóm người nhái: “Có thể nói, chúng tôi đã tìm từng mét vuông đáy biển và không hề bỏ qua bất kỳ một ngóc ngách nào”.

Bên cạnh những nghi vấn về sự mất tích của Thủ tướng Harol xem ra khá hiền lành và vô hại thì cũng có những giả thuyết ghê gớm hơn. Một trong những giả thuyết ấy là Thủ tướng Harold tự tử vì trầm cảm sau khi hôn nhân đổ vỡ. Gây chấn động nhất là có thông tin cho rằng trải qua nhiều năm làm gián điệp cho quốc gia nào đó…, ngày 17-12, ngụy trang bằng một vụ tắm biển rồi mất tích, Thủ tướng Harold đã được tàu ngầm của quốc gia ấy đến đón đi vì đã… hoàn thành nhiệm vụ (?!).

MÃI MÃI LÀ BÍ ẨN

 Ngày 9-1-1968, cuộc tìm kiếm Thủ tướng Harold chính thức kết thúc với kết luận của cảnh sát Australia rằng ông đã chết đuối. Tiếp theo, một buổi lễ tưởng niệm ông đã được tổ chức với sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới cùng hàng chục ngàn người dân Australia. Giáo sư John Warhurst, giảng viên Khoa Chính trị thuộc Đại học Quốc gia Australia nhận xét: “Thủ tướng Harold đã đem lại làn gió mới cho chính trường Australia. Ông ấy trẻ, nổi tiếng là một người tiến bộ”. Luật sư William Cosnery, thuộc Công ty Luật Cosnery & Brothers nói thêm: “Một trong những thành tựu của Thủ tướng Harold trong thời gian lãnh đạo Australia là cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc, mở đường cho một bộ phận người Australia bản địa cuối cùng được cộng vào dân số quốc gia. Thủ tướng Holt cũng là một trong các chính trị gia cùng nhau chấm dứt chính sách “người Australia da trắng - là chính sách ngăn cấm người nhập cư từ các quốc gia không thuộc châu Âu, đồng thời ông còn mở rộng mối quan hệ đối ngoại với các nước châu Á”.

Như thường lệ, 50 năm sau ngày Thủ tướng Harold mất tích, ngày 17 - 12 - 2017, hàng chục ngàn người Australia lại tụ tập ở bãi biển Cheviot để tưởng niệm ông. Câu trả lời vì sao ông biến mất có lẽ mãi mãi vẫn chìm trong bí mật…

VŨ CAO
(Theo Sydney Morning Herald)

Sinh ra tại Sydney ngày 5-8-1908 trong một gia đình có cha là giáo viên thể dục, Harold Holt học tiểu học tại trường Randwick Public rồi vào trường trung học Abbottsholme. Năm 1932, ông tốt nghiệp ngành Luật, Đại học Wesley, Melbourne. Ông khởi nghiệp như một thư ký tại các Công ty luật Fink, Best và Miller.

Năm 1933, Harold gia nhập Australia Party - Đảng nước Úc. Sau đó, ông được bầu vào quốc hội và là dân biểu trẻ nhất vì lúc đó ông mới 27 tuổi. Khi chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra, Harold trở thành lính pháo binh. Tuy nhiên, sau thảm họa hàng không Canberra ngày 13-8-1940 khiến 3 bộ trưởng trong Chính phủ Australia thiệt mạng, Harold được Đảng nước Úc đưa ra khỏi quân đội để vận động tranh cử. Kết quả ông trở thành Bộ trưởng Lao động và dịch vụ quốc gia.

Năm 1966, Harold Holt được bầu làm thủ tướng. Những người thân cận với ông cho biết ông rất thích câu cá, bơi lội. Những ngày nghỉ, ông thường về Portsea, Victoria và Bingil Bay, Queensland, nơi ông có nhà riêng để thỏa mãn niềm đam mê của mình.

 

.
.
.