.

Nhìn lại cuộc đụng độ trên không giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên - Bài cuối: Bên bờ vực chiến tranh

Cập nhật: 10:05, 19/01/2018 (GMT+7)

14 giờ 20 phút ngày 15-4-1969, gần 1 tiếng sau khi chiếc EC-121M bị Bắc Triều Tiên bắn hạ, một bản tin đóng dấu tuyệt mật đã được đặt lên bàn làm việc của Tổng thống Mỹ Richard Nixon và của cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger. 

Cùng lúc đó, một phi công Mỹ là thiếu tá Bruce Charles đã đứng cạnh chiếc máy bay ném bom B57 trên một đường băng ở căn cứ không quân Osan, Hàn Quốc. Dưới bụng chiếc B57, một quả bom nguyên tử đã được lắp sẵn ngòi nổ với sức tàn phá gấp 20 lần quả bom đã ném xuống Hiroshima trong chiến tranh thế giới lần thứ 2…

NHỮNG PHẢN ỨNG TỨC THÌ

Vài phút sau khi đọc bản báo cáo, Tổng thống Nixon và cố vấn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger lập tức triệu tập cuộc họp khẩn cấp với sự có mặt của các quan chức Bộ Quốc phòng, cơ quan tình báo CIA, tình báo không quân, hải quân, lục quân. Trong cuộc họp ấy, Nixon tỏ vẻ ngạc nhiên trước việc chiếc EC-121M bị Bắc Triều Tiên bắn hạ dù nó không hề xâm phạm không phận 12 hải lý của Bắc Triều Tiên, theo Công ước quốc tế. Ngay cả các thành viên trong Hội đồng an ninh quốc gia cũng không thể hiểu được động cơ của cuộc tấn công này. Cuối cùng, đa số đều thống nhất rằng việc bắn hạ chiếc EC-121M có thể được quân đội Bắc Triều Tiên xem như một hành động nhằm tôn vinh lãnh tụ Kim Il-sung nhân kỷ niệm ngày sinh của ông. Một số quan chức cho rằng vụ tấn công chỉ là sự tình cờ do phi công Bắc Triều Tiên lầm tưởng rằng chiếc EC-121 đã cố tình đi vào lãnh thổ nước họ. 

Chiếc Mig-21 được cho là đã bắn rơi “Ngôi sao” EC-121M.
Chiếc Mig-21 được cho là đã bắn rơi “Ngôi sao” EC-121M.

Nhưng dù gì chăng nữa, Nixon và những người chủ chiến trong Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn quyết định trả đũa. Vài tiếng sau đó, Chiến đoàn Không quân tiêm kích 71 nhận lệnh sẵn sàng bảo vệ cho các máy bay ném bom, bay vào vùng trời Bắc Triều Tiên, đồng thời một nhóm công tác đặc biệt bao gồm các tàu sân bay Enterprise, Ticonderoga, Ranger, Hornet cùng thiết giáp hạm New Jersey và một biên đội tàu khu trục được thành lập để chuẩn bị lên đường. Một phi công B-52 thuộc Không đoàn ném bom chiến lược 67, đóng tại đảo Guam cho biết 18 chiếc B-52, mỗi chiếc mang theo 20 tấn bom, chia thành 6 phi đội luôn trong tư thế sẵn sàng cất cánh để hủy diệt Bắc Triều Tiên ngay lập tức. 

Ngày 16-4-1969, Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ vạch ra một kế hoạch trả đũa, bao gồm tấn công các sân bay của Bắc Triều Tiên và phá hủy tất cả máy bay ở đó, ném bom các mục tiêu quân sự, tấn công các mục tiêu quân sự gần khu vực phi quân sự bằng pháo binh hoặc tên lửa, ném bom hoặc dùng ngư lôi đánh chìm các chiến hạm của Bắc Triều Tiên, phong tỏa lãnh thổ Bắc Triều Tiên, đóng băng các tài sản của Bắc Triều Tiên ở nước ngoài. Kế hoạch trả đũa bao gồm cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân với mật danh “Freedom Drop”. Các khẩu pháo tầm xa đặt ở Hàn Quốc sẽ bắn đầu đạn hạt nhân với sức nổ tương đương 200 tấn TNT vào 12 mục tiêu quân sự của Bắc Triều Tiên, đồng thời máy bay B-52 sẽ ném những quả bom hạt nhân 10 kiloton (10.000 tấn TNT) vào những điểm tập trung quân đội, khí tài nhằm triệt hạ sức mạnh của Bắc Triều Tiên nếu họ có ý định đánh trả. 

Về phía Liên Xô, mặc dù giữa họ và Mỹ đang diễn ra cuộc “chiến tranh lạnh” nhưng họ vẫn cử một tàu y tế đến vùng biển nơi chiếc EC-121M bị bắn hạ để tìm kiếm những người sống sót. Cũng như phía Mỹ, Liên Xô không hiểu vì sao Bắc Triều Tiên lại đơn phương tấn công. Trong cuộc nói chuyện với Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên Pak Seong-Cheol, Đại sứ Liên Xô Sudarikov nhận được câu trả lời: “Bắc Triều Tiên sẵn sàng trả đũa nếu người Mỹ gây chiến. Sau vụ chúng tôi bắt giữ con tàu gián điệp USS Pueblo năm trước, họ đã không rút ra được bài học”. Khi Đại sứ Sudarikov nhấn mạnh về những nguy cơ có thể xảy ra nếu Bắc Triều Tiên quyết định sử dụng vũ lực, ông Pak Seong-Cheol cho biết, họ đã từng bắn rơi máy bay Mỹ trong cuộc chiến Triều Tiên, và những chiến thắng tương tự cũng có thể xảy ra trong tương lai. “Thật tốt để cho họ biết rằng chúng tôi sẽ không ngồi khoanh tay chịu trận. Nếu chúng tôi khoanh tay vì một chiếc máy bay xâm phạm không phận của chúng tôi hôm nay thì ngày mai sẽ là hai chiếc, ngày kia sẽ là ba, bốn, năm chiếc. Khi người Mỹ hiểu rằng có một kẻ thù yếu hơn so với họ, họ sẽ bắt đầu cuộc chiến nhưng nếu họ thấy kẻ thù mạnh mẽ, họ phải chần chừ. …”, ông Pak Seong-Cheol nói.

THÁO NGÒI NỔ

Trong suốt gần 1 tháng sau đó, nhiều cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ đã diễn ra nhưng không một quyết định nào về việc trả đũa Bắc Triều Tiên đạt được sự đồng ý của đa số, bởi lẽ nếu đánh mà không phá hủy được phần lớn tiềm lực quân sự của của Bắc Triều Tiên thì Nhật Bản và Hàn Quốc - là 2 nước có sự hiện diện của các căn cứ quân sự Mỹ - sẽ hứng chịu hậu quả đầu tiên. Nhưng để hủy diệt sức mạnh của Bắc Triều Tiên thì Mỹ phải dùng đến vũ khí hạt nhân và điều này đồng nghĩa với việc lôi cuốn cả Liên Xô lẫn Trung Quốc vào cuộc. Còn nếu Liên Xô, Trung Quốc đứng ngoài thì việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ khiến uy tín chính trị của Mỹ trên trường quốc tế thiệt hại rất lớn.

Ngày 21-5, Không quân Mỹ đưa ra một giải pháp trung dung, vừa để răn đe Bắc Triều Tiên và cũng để giữ thể diện của nước Mỹ với các quốc gia đồng minh. Đó là sử dụng 3 chiếc B-52 trang bị những loại bom thông thường, tiến hành phá hủy 1 hoặc 2 sân bay quân sự của Bắc Triều Tiên. Tướng Earle Wheeler, Chủ tịch Hội đồng liên quân Mỹ cho rằng nếu cuộc tấn công được thực hiện nhanh chóng với tuyên bố “đáp lại một hành động thù địch” thì nước Mỹ sẽ không kích động Bắc Triều Tiên có hành động phản ứng. Tướng Earle Wheeler nói: “Một cơ hội hợp lý nhưng không gây ra xung đột lớn, và đó là hành động tốt nhất của chúng ta”.

Tuy nhiên, nỗi lo sợ về một cuộc chiến tranh tổng lực vẫn còn đó vì chẳng ai biết phản ứng của Bắc Triều Tiên sẽ như thế nào nếu B-52 oanh tạc nước họ. Cuối cùng, trong cuộc họp Hội đồng an ninh quốc gia ngày 2-7-1969, cố vấn Kissinger đã cho biết: “Tổng thống có lẽ sẽ không làm gì hết hoặc nếu có, thì việc ấy sẽ nằm trong một phạm vi giới hạn vì chúng ta đang sa lầy ở Việt Nam. Việc mở ra thêm một cuộc chiến tranh nữa sẽ khiến nước Mỹ không đủ sức để theo đuổi cho dù có chiến thắng…”.

7 ngày sau - ngày 9-7-1969 - một máy bay trinh sát điện tử EC-121M lại tiếp tục bay vào vùng biển Nhật Bản với hành trình giống như “Ngôi sao” đã bị bắn rơi nhưng lần này thì nó được 4 chiếc cường kích phản lực F4 hộ tống. Song song với động thái ấy, Nixon cảnh báo Bắc Triều Tiên “không nên gây rối với nước Mỹ thêm một lần nữa” đồng thời “nước Mỹ cam kết bảo vệ các đồng minh của mình trong khu vực”. Những tuyên bố này nghe qua thì rất mạnh mẽ nhưng theo các nhà phân tích, nó chính là việc tháo ngòi nổ chiến tranh hạt nhân, dù thể diện của nước Mỹ ít nhiều cũng sứt mẻ… 

Thi hài những người chết trên chiếc “Ngôi sao” được đưa về Mỹ để an táng.
Thi hài những người chết trên chiếc “Ngôi sao” được đưa về Mỹ để an táng.

VŨ CAO
(Theo History - EC-121M Shootdown)

.
.
.