.

Những vụ lầm tưởng bị tấn công tên lửa

Cập nhật: 20:44, 17/01/2018 (GMT+7)

Vụ báo động tấn công giả hồi cuối tuần qua tại Hawaii gợi liên tưởng đến những lần trước kia khi người Mỹ, người Nga hoảng hồn vì lầm tưởng sắp bị tấn công bằng tên lửa.

Ngày 13-1, người dân ở Hawaii (Mỹ) có một phen hoảng hồn khi sau khi một quan chức của bang ấn nhầm vào nút báo động, gửi tin nhắn cảnh báo tới toàn bộ mọi người về một vụ tấn công tên lửa đạn đạo thực tế không tồn tại.

Garrett M. Graff, tác giả của cuốn sách viết về những bí mật của Chính phủ Mỹ, cho biết, việc báo động nhầm về một vụ tấn công tên lửa như cuối tuần qua khá hy hữu mặc dù trước kia tình huống tương tự từng xảy ra.

6 PHÚT HOẢNG LOẠN VÌ MỘT ĐOẠN VIDEO

Ngày 9-11-1979, hệ thống máy tính của NORAD cho thấy, các tên lửa phóng đi từ một tàu ngầm Liên Xô đang nhắm vào Mỹ. Ngay lập tức, quân đội Mỹ đã cho triển khai 10 hệ thống đánh chặn tại 3 căn cứ ở Mỹ và Canada. Tuy nhiên, sau 6 phút, các dữ liệu vệ tinh cho thấy thực tế không có tên lửa nào nhằm vào Mỹ. Lúc này, giới chức Mỹ mới quyết định không cần hành động.

Các cuộc điều tra sau đó chỉ ra, chính đoạn video tập trận tải vào hệ thống máy tính của NORAD đã gây ra tình huống “dở khóc, dở cười” này. Một nhân viên kỹ thuật của NORAD đã vô tình tải đoạn video đó vào máy tính.

“Đoạn video mô phỏng một cuộc tấn công tên lửa vào Bắc Mỹ, do lỗi máy móc, thông tin đó đã được truyền tới hệ thống cảnh báo sớm và lập tức được giải mã là một vụ tấn công có thật”, tờ New York Times cho biết.

2.200 TÊN LỬA NHẮM VÀO MỸ

Ngày 3-6-1980, hệ thống máy tính của Mỹ một lần nữa đưa ra báo động giả về một vụ tấn công hạt nhân. Khi đó, phi công điều khiển các máy bay ném bom và máy bay tiếp liệu đã được điều động khẩn cấp, trong khi Sở chỉ huy hàng không khẩn cấp quốc gia Mỹ vào vị trí, Cơ quan quản lý hàng không dân dụng Mỹ sẵn sàng lệnh cho tất cả các máy bay thương mại hạ cánh.

Ông Zbigniew Brzezinski, cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Mỹ Jimmy Carter lúc bấy giờ, đã nhận được một cuộc gọi khẩn cấp về việc 2.200 tên lửa đang nhằm về phía Mỹ. Không lâu sau, ông Brzezinski nhận được cú điện thoại khác xác nhận đó chỉ là cảnh báo giả. Cuộc điều tra sau đó cho biết, một con chip máy tính bị lỗi, có giá chỉ 46 cent, chính là nguyên nhân gây ra báo động giả.

Máy bay của Không quân Mỹ (dưới) chặn một máy bay Liên Xô năm 1982.
Máy bay của Không quân Mỹ (dưới) chặn một máy bay Liên Xô năm 1982. 

NGA CŨNG TỪNG BỊ BÁO ĐỘNG GIẢ ĐÁNH LỪA

Mỹ không phải là quốc gia duy nhất gặp phải những sự cố “dở khóc, dở cười” này. Stanislav Petrov, một trung tá thuộc lực lượng phòng không Liên Xô kể lại, vào tháng 9-1983, ông đã vô cùng sốc khi hệ thống máy tính cảnh báo về một cuộc tấn công của 5 tên lửa phóng đi từ một căn cứ của Mỹ.

Cấp trên của Petrov đã cấp báo thông tin lên Tham mưu trưởng Quân đội Yuri V. Andropov để tham vấn liệu có tấn công đáp trả hay không. Tuy nhiên, sau 5 phút, thông tin trên được xác nhận chỉ là báo động giả.

Tiếp đó, vào ngày 11-8-1984, hôm đó, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan chuẩn bị có bài phát biểu vào thứ Bảy hàng tuần được phát trực tiếp trên đài phát thanh. Trong khi thử micro để nhân viên kỹ thuật điều chỉnh, ông Reagan nói diễn cảm, giọng nghiêm trọng: “Các công dân Mỹ thân mến, tôi hân hạnh được thông báo đến quý vị rằng tôi đã ký luật đặt Liên Xô ra ngoài vòng pháp luật mãi mãi. Chúng ta sẽ bắt đầu ném bom trong 5 phút nữa”.

Vì câu nói đùa này, giới chức Liên Xô đã quyết định đặt lực lượng ở Viễn Đông trong tình trạng báo động cao. Báo động chỉ được hủy 30 phút sau đó khi Liên Xô nhận ra đó chỉ là câu nói đùa.

BAOTINTUC.VN

.
.
.