.

Cậu bé đóng sách trở thành nhà khoa học thiên tài

Cập nhật: 20:29, 31/01/2018 (GMT+7)

Michael Faraday được cả thế giới biết đến bởi ông là người có công lớn nhất trong việc biến “từ” thành “điện” -  nguồn năng lượng sạch và phổ biến nhất ngày nay. Phát minh này đã đưa tên tuổi của ông sống mãi trong tiến trình phát triển của nhân loại.

TỪ CẬU BÉ ĐÓNG SÁCH 

Michael Faraday sinh ngày 22-9-1791 ở Newington Butts (ngoại ô London), trong một gia đình nghèo có bố làm nghề thợ rèn. Từ nhỏ, cậu bé Faraday đã tỏ ra thông minh và hiếu học nhưng phải sớm nghỉ học để phụ giúp gia đình.

Năm 1804, do cuộc sống của gia đình khó khăn, Faraday đến xin làm việc tại “Hiệu bán sách và đóng sách Rito” ở London khi mới 13 tuổi. Faraday vừa học nghề đóng sách, vừa tự học qua việc đọc sách. Cậu bé Faraday đặc biệt quan tâm các cuốn sách về khoa học và còn tự làm thí nghiệm đơn giản để kiểm nghiệm lại những điều khẳng định trong sách. Cứ thế trong thời gian rảnh rỗi, Faraday lại say mê cùng những điều lý thú của khoa học, nhất là lĩnh vực điện năng. 

Một ngày năm 1812, anh thợ đóng sách trẻ Faraday háo hức tham dự các buổi thuyết giảng của nhà hóa học nổi tiếng người Anh Humphry Davy (thuộc Học viện Hoàng Gia và Hội Hoàng gia London). Sau đó, Faraday gửi cho giáo sư Davy cuốn sách với tựa đề “Ghi chép về buổi diễn thuyết của giáo sư Humphry Davy” và một bức thư tự tiến cử gửi tới vị giáo sư này. Nội dung ghi chép cùng những ý kiến riêng của Faraday thể hiện trong quyển sách đã khiến giáo sư Davy hết sức ấn tượng. 

Tháng 10-1812, cuộc đời Faraday đã bước sang một trang mới khi được nhận làm giúp việc tại phòng thí nghiệm của giáo sư Davy. Dù chỉ nhận được số lương ít ỏi nhưng Faraday vẫn hăng hái với công việc. Faraday không những ghi chép rất chính xác các ý tưởng khoa học của giáo sư Davy mà còn tham gia đóng góp ý kiến, phân tích các số liệu thực nghiệm, nhận xét các kết luận khái quát của nhà bác học.

Ngày 1-3-1813, Faraday đã được bổ nhiệm làm trợ lý khoa học cho giáo sư Davy. Từ đó, trong các chuyến đi đến Pháp, Ý của giáo sư Davy, Faraday đều được đi cùng và có cơ hội gặp gỡ, học hỏi từ nhiều nhà bác học nổi tiếng lúc bấy giờ.

Nhà khoa học Michael Faraday.
Nhà khoa học Michael Faraday. 

ĐẾN NHÀ KHOA HỌC THIÊN TÀI 

Năm 1816, lần đầu tiên Faraday viết một luận văn khoa học dưới sự chỉ đạo của giáo sư Davy. Chỉ trong 2 năm sau đó, ông tiếp tục có tới 17 bài luận văn phân tích hóa học. 

Năm 1821, Faraday cưới Sarah Barnard. Mặc dù đã lập gia đình, người phụ tá của giáo sư Davy vẫn cần cù ngày 2 buổi tới chuẩn bị bài giảng cho các giáo sư của Hội Khoa học Hoàng gia, và nhiều buổi trưa, buổi tối anh vẫn cặm cụi ở lại phòng thí nghiệm đọc nốt một chương sách hay làm nốt một thí nghiệm dở dang.

Năm 1824, Faraday được bầu làm hội viên Hội Khoa học Hoàng gia London và bắt đầu giảng dạy tại Học viện Hoàng gia Anh. Năm 1825, Faraday bắt tay vào việc nghiên cứu loại khí dùng để chiếu sáng cho TP. London. Loại khí này được đặt tên là khí Clo. 

Giai đoạn năm 1830-1839 là thời kỳ mà Faraday đạt được nhiều thành quả khoa học nhất. Ông bắt đầu nghiên cứu vật lý mà cơ bản là phần điện học hiện đại.

Vào năm 1831, ông phát hiện ra rằng nếu một nam châm chuyển động ngang qua một vòng dây điện khép kín thì một dòng điện sẽ chạy trong dây trong thời gian nam châm chuyển động qua. Hiệu ứng này gọi là cảm ứng điện từ. Và sự khám phá ra định luật tạo ra hiệu ứng này (định luật Faraday) được công nhận là thành tựu cá nhân vĩ đại nhất của Faraday. 

Năm 1833, Faraday được cử làm giáo sư hóa học ở Học viện Hoàng gia thay thế giáo sư Davy. Từ đó trở về sau, ngoài thời gian dành cho khoa học và có thêm nhiều phát minh, Faraday còn là người thầy được nhiều học trò yêu mến. Ông rất quan tâm đề cao phương pháp giảng dạy thực nghiệm để xây dựng hình tượng trực quan. 

Mùa hè năm 1867, Faraday ốm nặng, ông bị mất trí nhớ, nhưng nhìn ông, người ta vẫn cảm thấy ông đang suy tưởng như cả đời ông chưa bao giờ ngừng suy tưởng. Ngày 25-8-1867, nhà bác học vĩ đại Faraday từ giã cõi đời. Ông ra đi để lại cho toàn nhân loại một phát minh bất tử, một phát minh mang tính bản lề cho mọi phát minh của loài người sau này. Như lời nhà khoa học Helmholtz người Đức đã nói: “Chừng nào loài người còn sử dụng đến điện, thì chừng đó mọi người còn ghi nhớ công lao của Michael Faraday”.

HỒNG ANH
(TTXVN)

.
.
.