60 năm ngày chú chó đầu tiên bay vào vũ trụ
Ngày 3-11-1957, sau những thành công trong việc phóng lên không gian vệ tinh Sputnik-1, và cũng là vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới bay vào vũ trụ, các nhà khoa học Liên Xô đã phóng tiếp tàu Sputnik-2. Lần này, nó mang theo một sinh vật sống là chó Laika. Trong cuộc du hành ấy, Laika đã hy sinh, nhưng nó đã mở đường cho những chuyến bay đưa con người vào không gian sau này…
HUẤN LUYỆN
Laika là một con chó cái thuộc giống Kudryavka, vốn là loài chó hoang Eskimo ở Siberia, chào đời năm 1954. Nhà sinh vật học Kotovskaya, làm việc tại Viện Y - Sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, người đã từng huấn luyện Laika và các con chó vũ trụ khác lý giải: “Chúng tôi chọn chó cái bởi lẽ nó không cần phải nhấc chân lên khi phóng uế nên không gian sống của nó nhỏ hơn so với một con chó đực. Bên cạnh đó, chó hoang có khả năng tồn tại gần giống con người. Nó dễ tính, nhanh nhẹn và dễ tiếp thu các bài học so với chó thuần chủng”.
Tuy nhiên, thời điểm ấy ngoài Laika được huấn luyện để thực hiện chuyến du hành vào không gian, còn có 2 con chó khác là Albina và Mushka. Việc đầu tiên, người ta tập cho chúng quen dần với điều kiện sống chật hẹp trên tàu Sputnik-2 bằng cách mô phỏng khoang chứa với hình dạng, kích thước, không khí, môi trường ánh sáng y như thật. Cả 3 con chó Laika, Albina và Mushka, mỗi con đều phải ở trong khoang này nhiều đợt, mỗi đợt từ 15 đến 20 ngày với những bộ “quần áo” đặc biệt. Bên cạnh đó, chúng còn được huấn luyện để biết cách ăn thức ăn dạng lỏng, uống nước đóng hộp và đi vệ sinh đúng chỗ.
Nhằm giúp những con chó không hoảng sợ bởi tiếng rú ầm ĩ của động cơ tên lửa đẩy, các nhà khoa học Liên Xô đã thiết kế một “phòng thính lực”, trong đó 3 con chó được làm quen dần với âm thanh tên lửa từ lúc rời bệ phóng đến lúc đi vào tầng bình lưu. Tiếp theo, từng con được đưa vào máy quay ly tâm, mô phỏng quá trình tăng tốc của tên lửa cũng như tình trạng không trọng lực. Tất cả những thay đổi về nhịp tim, hô hấp, phản xạ cơ bắp, phản xạ thần kinh đều được các bộ cảm biến ghi nhận để phân tích.
Chó Laika đang được huấn luyện trong buồng mô phỏng khoang tàu Sputnik-2. |
Kết thúc khóa huấn luyện, chó Albina được chuyển sang bộ phận thử nghiệm sức chịu đựng của cơ thể sống trong điều kiện gia tốc cực lớn khi tên lửa đẩy đạt đến vận tốc tối đa, chó Mushka chuyển sang bộ phận thử nghiệm khoang đổ bộ trên tàu Sputnik và các thiết bị cứu hộ. Riêng chó Laika, nó được dùng để nghiên cứu sức chịu đựng của cơ thể sống trong điều kiện không trọng lực kéo dài, và chính nhiệm vụ ấy đã giúp Laika trở thành sinh vật đầu tiên bay vào không gian.
Lúc này, theo quyết định của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô bấy giờ là Nikita Sergeyevich Khrushchev, tàu Spunik-2 phải được phóng lên trong khoảng thời gian từ ngày 3-11 đến ngày 7-11 để kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười Nga… Theo Viện sĩ Sergei Korolev, người sáng lập Chương trình nghiên cứu không gian Xô Viết, họ chỉ có 4 tuần để hoàn thiện con tàu, lắp đặt các thiết bị đo bức xạ mặt trời và bức xạ vũ trụ. Ông nói: “Tàu Sputnik-2 được trang bị hệ thống hỗ trợ sự sống bao gồm các bình cung cấp oxy cùng các thiết bị hấp thụ khí carbonic thải ra từ hơi thở của chó, tránh cho nó bị ngộ độc. Một bộ phận điều hòa không khí được thiết kế để hoạt động bất cứ khi nào nhiệt độ trong khoang tàu vượt quá 15 độ C. Tàu cũng có thực phẩm ở dạng nhão và nước uống, đủ cho một chuyến bay kéo dài 7 ngày, một túi chuyên dụng để đựng các chất thải của chó”.
VÀ LÊN ĐƯỜNG
Khi được chọn để bay vào vũ trụ, chó Laika đã 3 tuổi. Việc nó trở thành “phi hành gia” cũng thật ngẫu nhiên: trong một đợt thu gom chó hoang, nó lọt vào tầm ngắm của các nhà khoa học Xô Viết vì trước đó, họ đã tiến hành nhiều nghiên cứu trên một số động vật sống như khỉ, vượn. Các kết quả thu được sau cùng cho thấy chỉ có chó là loài thích hợp nhất. Trong điều kiện gia tốc cực lớn khi tên lửa đẩy đạt đến vận tốc tối đa, nhịp tim của nó chỉ tăng 1,5 lần so với bình thường còn nhịp hô hấp tăng gần 2 lần, giống như sau khi chạy hết sức trên một quãng đường dài. Bên cạnh đó, chỉ cần huấn luyện vài lần là nó biết dùng chân ấn vào một cái nút để thức ăn nhão hoặc nước uống chảy ra, hoặc dùng chân ấn vào một cái nút khác để mở nắp đậy túi chứa chất thải.
Ngày 3-11-1957, tại sân bay vũ trụ Baikonur, tên lửa đẩy R-7 đã sẵn sàng đưa tàu Sputnik-2 và chó Laika lên không gian. Ngay trước thời điểm Sputnik-2 rời bệ phóng, Laika được tắm rửa sạch sẽ bằng dung dịch sát khuẩn, các vị trí gắn các thiết bị theo dõi cơ thể nó đều được cố định chắc chắn. Viện sĩ Sergei Korolev nói: “Sau khi tên lửa rời bệ phóng, chúng tôi mới biết một số điều kiện huấn luyện mô phỏng đều khác với thực tế. Nhịp tim của Laika tăng gấp 3 lần bình thường nhưng khi tàu Sputnik-2 đạt đến trạng thái không trọng lượng thì nhịp tim của nó lại giảm hẳn”.
Tàu Sputnik-2. |
Sáu ngày sau khi vào vũ trụ, phòng điều khiển ở Baikonur mất liên lạc với tàu Sputnik-2. Các thông tin do Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Liên Xô cung cấp vào thời điểm đó cho thấy Laika đã sống đến ngày thứ 4 của chuyến du hành trong lúc lượng thức ăn và ôxy đủ cho Laika dùng 10 ngày, còn sứ mệnh của Sputnik-2 thì kéo dài tới tháng 4-1958.
Thế rồi, sau 163 ngày bay liên tục 2.570 vòng quanh quỹ đạo Trái Đất, ngày 14-4-1958, Sputnik-2 mang theo xác Laika đã bốc cháy khi đi vào bầu khí quyển của Trái Đất. Chó Laika tuy vĩnh viễn không bao giờ trở lại nhưng đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng tiên phong của mình.
Mãi đến cuối tháng 10-2002, nghĩa là 45 năm sau ngày Laika được phóng vào vũ trụ, tại Hội nghị Không gian thế giới được tổ chức ở Mỹ, sự thật về cái chết của Laika mới được tiết lộ qua bản báo cáo của tiến sĩ Dimitri Malashenkov thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề sinh học ở Moscow. Theo báo cáo này, những cảm biến gắn trên người Laika ghi nhận rằng ngay sau khi tàu Sputnik-2 đạt vận tốc gần 28.968 km/giờ, nhịp tim của Laika đã tăng gấp 3 lần bình thường do nóng, sợ hãi và căng thẳng. Đến khi tàu Sputnik-2 bay được 4 vòng quanh Trái Đất, trạm kiểm soát mặt đất không nhận được thêm bất cứ một tín hiệu sống nào của Laika. Theo tiến sĩ Dimitri Malashenkov và các nhà sinh học thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề sinh học ở Moscow, Laika chết do hoảng sợ khi Sputnik-2 rơi vào tình trạng không trọng lực và trục trặc của hệ thống điều hòa đã khiến nhiệt độ khoang lái tăng cao quá ngưỡng chịu đựng của nó.
Và mặc dù không có cơ hội sống sót, nhưng sự hy sinh của Laika không hề uổng phí bởi nó đã chứng tỏ rằng sinh vật sống có thể tồn tại trong tình trạng không trọng lực ngoài không gian. Đến ngày 12-4-1961, phi hành gia Liên Xô Yuri Gagarin đã là người đầu tiên trên thế giới bay vào vũ trụ trên tàu Vostok-1 và trở về an toàn…
VŨ CAO
(Theo Spunik)