Nhật Bản hạn chế cấp phép làm việc với người xin tị nạn từ năm 2018
Nhà máy Kashiwazaki-Kariwa của công ty TEPCO tại tỉnh Niigata, Nhật Bản. |
* 2 lò phản ứng hạt nhân của TEPCO đáp ứng tiêu chuẩn an toàn.
Ngày 27-12, nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản đã cho biết, bắt đầu từ năm 2018 nước này sẽ hạn chế cấp phép làm việc cho những người xin tị nạn, trong bối cảnh ngày càng nhiều người được cho là nộp đơn xin tị nạn tại đất nước Mặt Trời mọc với mục đích tìm việc làm. Với quyết định trên, Bộ Tư pháp Nhật Bản sẽ chỉ cấp phép làm việc cho những người được xác định là người tị nạn thật sự. Trong khi đó, những người trong diện bị từ chối cấp quy chế tị nạn, như các đối tượng trốn nợ, sẽ không được phép làm việc tại Nhật Bản và sẽ bị trục xuất về nước sau khi hết thời gian được lưu trú.
Cùng ngày, cơ quan Quản lý hạt nhân (NRA) đã thông báo chứng nhận các biện pháp an toàn được TEPCO, đơn vị chủ quản nhà máy điện hạt nhân Fukushima, thực thi tại lò phản ứng số 6 và số 7 tại nhà máy điện Kashiwazaki-Kariwa ở tỉnh Niigata, theo đó mở đường cho việc tái khởi động hai lò phản ứng này.
Hai lò phản ứng hạt nhân do Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) điều hành tại tỉnh Niigata trên bờ biển Nhật Bản đã trở thành những đơn vị đầu tiên chính thức được xác nhận đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của chính phủ về an toàn hạt nhân, vốn được ban hành sau sự cố hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 liên quan tới thảm họa động đất-sóng thần hồi năm 2011.
NRA đưa ra quyết định trên sau khi tiến hành đánh giá các tiêu chuẩn kỹ thuật để xác định liệu TEPCO có đủ điều kiện để vận hành một nhà máy điện hạt nhân hay không trong bối cảnh đang phải chật vật tháo dỡ nhà máy Fukushima số 1 - tiến trình dự kiến kéo dài tới năm 2051 - đồng thời phải xử lý nước nhiễm xạ xung quanh nhà máy này.
Hai lò phản ứng trên là những lò mới nhất trong số bảy lò phản ứng tại nhà máy Kashiwazaki-Kariwa, một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới với sản lượng 8,2 triệu kilowatts điện.
Theo Kyodo