4 hình thức lừa đảo dễ gặp khi tìm việc và cách tự bảo vệ mình

Thứ Sáu, 18/04/2025, 09:22 [GMT+7]
In bài này
.

Khi tìm việc trực tuyến trở nên phổ biến hơn thì các hình thức tuyển dụng lừa đảo cũng ngày càng tinh vi hơn. Mỗi ngày, có hàng ngàn người tìm việc trở thành nạn nhân của những tin tuyển dụng giả mạo, khiến họ mất tiền và thông tin cá nhân. 

Nếu bạn đang kiếm việc lương cao hoặc vị trí yêu thích, hãy cập nhật thông tin về các loại lừa đảo việc làm phổ biến nhất và cách bạn có thể tự bảo vệ mình. 

Những trò lừa đảo việc làm phổ biến cần cảnh giác

Công việc làm tại nhà giả mạo

Những trò lừa đảo này hứa hẹn mức lương cao cho công việc nhẹ lương cao với hình thức từ xa như nhập liệu hoặc thử nghiệm sản phẩm. Khi bạn quan tâm, kẻ lừa đảo có thể yêu cầu bạn trả tiền để được nộp hồ sơ hoặc đào tạo. 

Dấu hiệu cảnh báo: Nhà tuyển dụng thực sự không yêu cầu bạn phải trả tiền để được tuyển dụng.

Lừa đảo trá hình dưới dạng lời mời làm việc

Bạn có thể nhận được email hoặc tin nhắn nói rằng bạn đã được chọn cho một công việc. Thông tin này có vẻ chính thống, có đầy đủ logo công ty và ngôn ngữ nghe có vẻ chuyên nghiệp. Nhưng chẳng mấy chốc họ sẽ yêu cầu bạn “xác minh danh tính” bằng thông tin nhạy cảm như tài khoản ngân hàng hoặc hình chụp giấy tờ tùy thân.

Dấu hiệu cảnh báo: Bạn thường sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân trước khi có cuộc phỏng vấn chính thức hoặc ký hợp đồng.

Mạo danh công ty thực sự

Những kẻ lừa đảo thường mạo danh các công ty nổi tiếng và đăng tin tuyển dụng giả trên các bảng việc làm hoặc phương tiện truyền thông xã hội. Công việc nghe rất giống tin tuyển dụng bình thường vì nó được sao chép từ các tin có thật nhưng thông tin liên lạc dẫn thẳng đến kẻ lừa đảo.

 

Dấu hiệu cảnh báo: Thông tin liên lạc đến từ email cá nhân thay vì tên miền công ty.

Công việc “kiếm tiền dễ dàng”

Những trò lừa đảo này cung cấp dịch vụ thanh toán cho các công việc đơn giản như chuyển lại hàng hóa hoặc viết bài đánh giá. Trong nhiều trường hợp, bạn vô tình giúp kẻ lừa đảo rửa tiền hoặc buôn bán hàng hóa không hợp pháp. 

Dấu hiệu cảnh báo: Công việc quá dễ, quá mơ hồ hoặc quá tốt đến mức khó tin nó có thể tồn tại.

Làm gì để bảo vệ bản thân trước các trò lừa đảo?

Nghiên cứu về công ty

Trước khi nộp hồ sơ ứng tuyển, bạn nên tìm kiếm tên công ty cùng với các từ khóa như “lừa đảo” hoặc “đánh giá”. Nếu có trang web chính thức thì hãy truy cập vào đó để kiểm tra tên miền và thông tin liên hệ có đáng tin hay không (chẳng hạn như email@tencongty.com). 

Cảnh giác với những lời đề nghị tốt đến bất ngờ

Nếu tin tuyển dụng nói rằng bạn chỉ cần ngồi chơi, gõ vài cái máy tính, không yêu cầu kinh nghiệm, làm việc tại nhà, lương 20 triệu/tháng, hãy tỉnh táo bởi đó có thể là mồi nhử. Cuộc sống không dễ dàng đến vậy. Sẽ không ai trả lương cao cho một công việc mà ai cũng có thể làm, không cần kỹ năng cả. 

Không bao giờ trả tiền để có được công việc

“Muốn nhận việc phải đóng phí bảo hiểm/cọc tiền mua đồng phục/mua tài khoản…” - nếu nhận thấy những điều này, gần như chắc chắn bạn đang bước vào một màn lừa đảo tinh vi. Một công ty chân chính không bao giờ bắt nhân viên đóng tiền để được làm việc, dù là để được sử dụng phần mềm hay mua đồng phục. 

Bảo vệ thông tin cá nhân của bạn

Rất nhiều kẻ lừa đảo đã trục lợi từ việc đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số điện thoại cho các hành vi bất hợp pháp. Hãy nhớ, tuyệt đối không gửi giấy tờ tùy thân, mã OTP hoặc thông tin cá nhân cho người lạ qua mạng. Chỉ chia sẻ thông tin nhạy cảm như số Bảo hiểm xã hội, số tài khoản ngân hàng hoặc số căn cước công dân sau khi xác nhận tính hợp pháp của công việc và xác nhận thư mời làm việc hợp lệ.

Tin vào trực giác của bạn

Nếu có điều gì đó không ổn – như bị hối thúc liên tục, chi tiết công việc mơ hồ - hãy cẩn trọng. Kẻ lừa đảo lợi dụng sự cấp bách để khiến bạn ra quyết định theo cảm tính.

Đừng để sự chán nản và mong muốn sớm có việc làm che mờ phán đoán của bạn. Những kẻ lừa đảo đang trông chờ bạn bỏ qua những dấu hiệu đáng ngờ để đổi lấy hy vọng. Dừng lại một chút để suy nghĩ kỹ hơn sẽ giúp ích rất nhiều và khi có thắc mắc, hãy xin lời khuyên. Đôi khi chỉ cần một lời khuyên từ người đi trước là đủ để bạn thoát khỏi bẫy. Đừng ngại chia sẻ vì sợ mất mặt – mất tiền, mất thời gian, thậm chí chí mất cả an toàn mới là điều đáng sợ. 

;
.