1. Xuất phát điểm tiếng anh của em như thế nào?
Xuất phát điểm tiếng anh của em nhìn chung là khá chật vật so với các bạn cùng lứa. Em vốn không có năng khiếu ngôn ngữ bởi khả năng ghi nhớ kém và ngữ âm bị ảnh hưởng tiếng miền Trung do bố mẹ là dân xứ Quảng. Nói đến môn học sở trường thì chưa bao giờ là tiếng Anh bởi em từng học lệch môn Toán trong thời gian dài, tham gia đội tuyển Toán rất nhiều năm nên bản thân có phần hơi khô khan và máy móc trong khi tiếng Anh nói chung đặc biệt là IELTS nói riêng lại yêu cầu kiến thức xã hội cao, khả năng diễn đạt trôi chảy và kiến thức hơi có thiên hướng về “cảm nhận” hơn là “logic”
IELTS và cảm hứng học tiếng Anh đến với em năm em học lớp 11 - giai đoạn dịch Covid học sinh phải học online. Đó là giai đoạn em tiếp xúc nhiều với các hình thức giải trí có liên quan đến tiếng Anh như hài độc thoại Mỹ, phim Hollywood, nhạc UsUk. Dần dần văn hóa phương Tây có ảnh hưởng đến tư duy của em và em quyết định học tiếng Anh để tìm hiểu sâu hơn về văn hóa cũng như lối sống phương Tây. Đây có lẽ là điểm làm nên khác biệt của em sau này bởi động lực học ban đầu đến rất tự nhiên, là do khao khát muốn tìm tòi lối sống mới, văn hóa mới chứ hoàn toàn không phải do áp lực bằng cấp hay việc làm.
Đối với Khánh, IELTS hay tiếng Anh là cách để tìm hiểu một lối sống mới |
2. Những khó khăn nào em đã gặp phải khi chọn học IELTS? Và em đã có hướng giải quyết ra sao?
Em đã gặp rất nhiều khó khăn khi bắt đầu học IELTS và dường như mỗi kĩ năng đều ập đến em những khó khăn riêng. Về phần speaking thì em gặp khó khăn rất nhiều về phát âm do ảnh hưởng tiếng mẹ đẻ cũng như gặp khó khăn trả lời các câu hỏi xã hội phức tạp do bản thân có ít trải nghiệm. Listening và Reading em bị ngộp format bài thi bởi bài đọc siêu dài và cực kì học thuật, audio nghe thì đọc liên tiếp và thông tin có xu hướng bắt chéo nhau. Writing có lẽ là khó khăn nhất bởi em hoàn toàn không đủ từ vựng và ngữ pháp để diễn đạt câu hoàn chỉnh.
Khó khăn khi nói em giải quyết bằng cách học lại hoàn toàn phát âm tiếng Anh từ những âm đơn nhỏ nhất. Về phần diễn đạt thì em cố gắng nghe phỏng vấn người nổi tiếng trên các show truyền hình của Mỹ như The Tonight Show để bắt chước cách người bản xứ truyền đạt câu nói, ngắt nghỉ thế nào, lên giọng hay nhấn âm ra sao. Có một giai đoạn em chỉ ngồi nhại lại giọng của họ!
Với kĩ năng Nghe và Đọc thì em quyết định thay đổi cách tiếp cận, không ồ ạt làm test theo đúng đề của IELTS mà tập trung nghe những đoạn hội thoại nhỏ trên Youtube, đọc những đoạn văn nhỏ trên báo quốc tế như CNN hay The New York Times.
Môn Viết thì em cố gắng khắc phục điểm yếu ngữ pháp và từ vựng của mình bằng cách chia nhỏ khối lượng kiến thức ra học từng ngày, coi như mưa dầm thấm lâu. Ví dụ 1 ngày 20 từ vựng trong 1 chủ đề cụ thể và 1 chủ điểm ngữ pháp bất kì.
CNN và The New York Times là một trong những nguồn thông tin giúp bạn học tiếng Anh tự nhiên |
3. Theo em, những điều cần lưu ý khi chuẩn bị cho một bài thi IELTS bao gồm những gì?
Để chuẩn bị tốt cho 1 bài thi IELTS kiên quyết mọi người phải xác định mục tiêu đầu ra cụ thể để có kế hoạch ôn tập hợp lý, không quá nặng cũng không quá rỗi.
Về phần speaking, bất cứ ngôn ngữ nào cũng vậy, kể cả tiếng việt, khi nói phải tìm được một môi trường sử dụng ngôn ngữ đó và luyện tập thường xuyên. Mọi người có thể đến trung tâm hoặc lập riêng cho mình một nhóm bạn để luyện nói, miễn sao là có môi trường nói tiếng anh, có người sửa lỗi và trao đổi ý tưởng với mình. Tại sao những đứa trẻ tự kỉ dù là người Việt vẫn chỉ biết bập bẹ một hai câu tiếng Việt? Đó là do các em tự cô lập bản thân mình, không cho mình cơ hội và môi trường giao tiếp. Vậy nên môi trường giao tiếp là vô cùng quan trọng.
Về phần writing, mọi người cần tìm cho mình 1 cuốn sách bài mẫu hoặc 1 blog có nhiều bài viết của chỉ một tác giả. Nhiều người quan niệm rằng đọc sách của càng nhiều tác giả thì sẽ có càng nhiều kiến thức, từ vựng để viết bài phong phú và linh hoạt hơn. Điều này đúng không sai, nhưng vô hình chung cũng làm chúng ta bị rối và vô định hướng. Khi ta học cách viết của duy nhất một người, ta sẽ học được phong cách của người đó, dễ dàng nhớ được cách đi bài và những cấu trúc câu hay từ vựng người đó thường dùng vì tác giả chắc chắn sẽ lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong các bài viết của mình. Nắm được văn phong của người khác giúp ta học hỏi và ghi nhớ nhanh hơn.
Listening và Reading là 2 kĩ năng học bị động, có thể tích lũy kiến thức vì vậy mọi người chỉ cần chuẩn bị cho mình một thói quen nghe đọc hằng ngày để phát triển phản xạ. Chẳng hạn dành 30 phút mỗi ngày để nghe podcast trên Youtube hoặc dành 30 phút mỗi ngày để đọc 1 bài báo. Những cố gắng nhỏ nhặt ấy khi tích lũy lại sẽ tạo ra kết quả không ngờ!
4. Việc phải cân bằng các môn văn hóa ở năm cuối cấp, lịch học trên trường, học thêm các môn khác..., điều này có khó khăn như thế nào đến việc sắp xếp lịch học thêm tiếng Anh của em?
Nếu có điều kiện em vẫn chân thành khuyên các bạn, các em nhỏ đi học tiếng Anh càng sớm càng tốt, bởi lợi ích của tiếng Anh thì ai cũng biết rồi. Nếu lớp 8 chưa học thì lớp 9 học, lớp 9 chưa học thì lớp 10 học, còn mà để tới mấy năm cuối cấp 11-12 mới học như em thì thật sự là ác mộng. Có những đêm thức rất khuya, có những sáng dậy rất sớm mới có thời gian học tiếng Anh. Các bạn nên duy trì tập trung vào các môn thi khối đại học của mình và dành 1 thời gian nhất định bắt buộc trong ngày học tiếng Anh thật nghiệm khắc.
5. Em biết và quyết định tham gia học với THE FORUM như thế nào, khó khăn trong thời gian đầu ra sao và kết quả đạt được là gì?
THE FORUM vẫn là trung tâm uy tín và chất lượng nhất trong “làng IELTS” tại Bà Rịa-Vũng Tàu hay thậm chí có thể nói là hoàn toàn cạnh tranh được với những ông lớn IELTS khác trên cả nước. Các bạn có thể nhìn vào bảng thành tích đầu ra của The Forum hàng tháng, hàng năm là thấy được ngay. Tháng nào cũng có rất nhiều kết quả 7.0, 7.5 IELTS, thậm chí cả 8.0, 8.5.
Quyết định học tại THE FORUM có lẽ là một quyết định rất sáng suốt đối với em. Em học và gắn bó ở đây từ khi 0.0 tròn trĩnh đến khi đạt được 8.0. Đó là hành trình hiệu quả và tuyệt vời. Thật sự trước khi vào học, em cảm thấy khá khó hiểu vì sau chỉ trong 2 năm vừa qua mà tại đây có đến 3 học sinh đạt được mức điểm có thể nói là choáng váng, 8.5 IELTS! Nhưng khi đã theo học thì mới thấy các bạn ở đây cố gắng đến thế nào, chính vì vậy khó khăn đầu có lẽ là hơi bị peer pressure (áp lực đồng trang lứa) bởi mọi người đều học quá giỏi và rất tự tin nhưng dần thì em cũng hòa nhập được nhờ môi trường học tập ở đây siêu cởi mở và thân thiện. Một trung tâm lớn với nhiều cơ sở nhưng các anh chị giáo viên cực nhiệt huyết, tậm tâm. Thế nhưng sau này, khi đã học tại The Forum, em càng chắc chắn hơn đây là môi trường đào tạo IELTS đa dạng và phù hợp với nhiều trình độ khác nhau từ mất gốc đến nâng cao. Minh chứng đó là nhiều bạn bè của em cũng đã chinh phục IELTS ưng ý với xuất phát điểm thấp hơn.
Peer pressure là một trong những yếu tố mà Khánh cảm thấy hơi khó khăn khi theo học tại Forum |
6. Với em, việc luyện thi IELTS và học môn tiếng Anh trên trường có gì khác nhau?
Đều là tiếng Anh nhưng nói về giống nhau thì em nghĩ là chỉ được tầm 30-40%. Tiếng Anh phổ thông đặt rất nặng lý thuyết, đặc biệt là ngữ pháp cao cấp. Còn IELTS là chứng chỉ kiểm tra tiếng anh giao tiếp, tiếng anh ứng dụng. Không cần biết là học được bao nhiêu điểm ngữ pháp phổ thông rồi, được bao nhiêu thì hiện tại, tương lai, quá khứ gì rồi nhưng cứ không ứng dụng thực tiễn được là “tạch” IELTS. Bởi vậy độ khó của IELTS nói chính xác ra thì khó gấp 2 gấp 3 kiến thức phổ thông. Học phổ thông thì chưa chắc giỏi IELTS nhưng mà chiều ngược lại thì vẫn có thể. Bằng chứng là sau khi em ôn thi IELTS xong quay lại thi THPT Quốc gia em đã đạt được 9.8 môn tiếng Anh.
7. Em hãy chia sẻ một vài bí quyết, các yếu tố nào giúp cho việc ôn tập IELTS hiệu quả và đặc biệt là đạt điểm tuyệt đối 2 lần ở kĩ năng Reading?
Về Reading, bí quyết để cả hai lần thi em đều được điểm tuyệt đối đó chính là làm chủ thời gian. Ai cũng biết là trong 60 phút phải làm tới tận 3 bài văn học thuật rất dài là quá sức và rất dễ làm thí sinh tâm lý phút cuối. Vì vậy trong quá trình ôn tập em làm bài theo kiểu đọc hiểu, thường xuyên cố gắng tóm tắt ngắn gọn ý của 1 đoạn văn nhỏ trong đầu để khi đọc câu hỏi chỉ cần nhớ lại và chọn đáp án. Với em, làm reading nên hạn chế dò keyword mà nên đọc hiểu, nắm được ý chính, ý trọng tâm để hạn chế đọc đi đọc lại một chỗ 2-3 lần tìm đáp án rất mất thời gian.
Ngoài ra một mẹo nữa là khi các bạn học từ vựng nên hạn chế học các từ quá học thuật và có tính ứng dụng thấp, chỉ xuất hiện trong 1 số ngữ cảnh nhất định mà thay vào đó hãy học những từ vựng có vai trò dẫn dắt mạch bài và những từ thường xuyên xuất hiện trong các bài khác nhau bởi đó là các từ có tính ứng dụng cao, dễ nắm bắt để khai thông thế bí.
8. Trong 4 kĩ năng IELTS, em cảm thấy kĩ năng nào khó nhất và em đã vượt qua nó như thế nào?
Kĩ năng khó nhất đối với em và chắc cũng không riêng mỗi em đó là speaking. Bản thân giới trẻ Việt Nam rất ít khi giao tiếp những vấn đề xã hội vĩ mô nhưng đây lại là điều mà IELTS yêu cầu. Tâm lý sợ nói tiếng anh, sợ giao tiếp tiếng Anh cũng chính là yếu tố chủ chốt kiến cho speaking luôn là ác mộng với nhiều người. Bản thân em chỉ có một bí quyết duy nhất đó là hãy cứ nói tiếng anh khi có cơ hội, nói bất chấp, nói không sợ sai, đừng sợ người khác cười. Cứ phải nói sai, cứ phải mắc lỗi và được người khác góp ý thì mới hoàn thiện được.
9. Em hãy chia sẻ 1 vài bí quyết ôn tập trước ngày thi IELTS của em nhé?
Văn hóa cày dealines và học dồn trước ngày thi chắc có lẽ là đã quá quen thuộc với học sinh, sinh viên Việt Nam. Nhưng đối với việc học 1 ngôn ngữ, não chúng ta cần thời gian để hấp thụ và ghi nhớ vậy nên trước khi thi các bạn không nên học quá dồn ép, hãy cứ học cầm cự và giữ tinh thần thoải mái để đi thi nhé!