Những năm gần đây, Tập đoàn VNPT luôn đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng, triển khai Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số, kinh tế số và đô thị thông minh.
Ngày 29/4/2021, ông Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lai Châu và ông Tô Dũng Thái - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT ký kết Biên bản ghi nhớ giai đoạn 2021 - 2025. |
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP về Chính phủ điện tử, một trong những dấu ấn đặc biệt trong xây dựng Chính phủ điện tử là khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia. Từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương tháng 12/2019 đến nay, đã có hơn 2.800 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp gần 6.800 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền, với hơn 116 triệu lượt truy cập, tiết kiệm chi phí mỗi năm hơn 8.100 tỷ đồng. Ngoài ra, việc xây dựng, vận hành trục liên thông văn bản quốc gia và xử lý văn bản trên môi trường mạng cũng tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng mỗi năm.
Đáng chú ý, tất cả các hệ thống nền tảng quan trọng trên đều ghi đậm dấu ấn của VNPT với vai trò xây dựng, vận hành. Ông Phạm Đức Long, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT cho biết, bên cạnh các hệ thống nền tảng trên, VNPT còn tham gia phát triển, cung cấp các giải pháp phục vụ cộng đồng, đồng hành cùng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ phát triển Xã hội số (hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, Mobile Money, triển khai các giải pháp Y tế số, Giáo dục số). VNPT đã triển khai giải pháp hỗ trợ chẩn đoán khám chữa bệnh từ xa, học và thi trực tuyến, họp trực tuyến, ứng dụng khai báo y tế tự nguyện NCOVI cùng Chính phủ và người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Đến nay, hệ thống học và thi trực tuyến đã triển khai tới 20 ngàn trường, 800 ngàn tài khoản giáo viên, 8 triệu tài khoản học sinh với số bài giảng lên tới trên 1 triệu học liệu. Ứng dụng NCOVI đến nay đã ghi nhận 19 triệu lượt khai báo y tế, trên 56 triệu lượt cập nhật theo dõi sức khỏe và trên 300 ngàn người khai báo có yếu tố nguy cơ.
Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, trong quý II/2021, Chính phủ sẽ phê duyệt Chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Mục tiêu đặt ra là các chỉ tiêu Chính phủ điện tử sẽ cơ bản hoàn thành trong năm 2021 và Chính phủ số sẽ được hình thành vào năm 2025. Điều quan trọng nhất của Chính phủ số là cung cấp dịch vụ số cho người dân, toàn bộ bộ máy công quyền sẽ chuyển sang hoạt động trên môi trường số.
Trong nỗ lực chung này, VNPT đang tiếp tục thể hiện vai trò tiên phong triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số và đô thị thông minh tại các tỉnh, thành phố. Đến nay, các sản phẩm chuyển đổi số của VNPT đã triển khai tại 60/63 địa phương và tham gia tư vấn đô thị thông minh trên 40 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hiện VNPT đã triển khai giải pháp Trung tâm điều hành thông minh (IOC) - “bộ não số” cho công tác điều hành đô thị thông minh tại hơn 30 tỉnh, thành phố từ Đà Lạt, Hà Nam, Cao Bằng, Tây Ninh, Phú Thọ, Lào Cai, Bắc Kạn... và nhiều tỉnh thành khác.
Cuối tháng 4, Trung tâm điều hành thông minh IOC Cần Thơ cũng chính thức khai trương. IOC Cần Thơ thí điểm giám sát 8 lĩnh vực gồm: Điều hành chỉ tiêu báo cáo, thống kê kinh tế - xã hội; Hiệu quả hoạt động của chính quyền; An ninh trật tự và an toàn giao thông; Điều hành du lịch; Tương tác phục vụ phản hồi của người dân; Thông tin trên môi trường mạng; Cảnh báo chất lượng môi trường; An toàn thông tin mạng. Xác định IOC là tiền đề quan trọng để nhanh chóng xây dựng Chính phủ điện tử, không chỉ là đặc quyền riêng của các đô thị lớn, VNPT đã đồng hành “phổ cập” IOC tới tất cả các địa phương.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương IOC TP.Cần Thơ vào ngày 28/4/2021 |
Theo Chủ tịch HĐTV VNPT Phạm Đức Long, một trong những đột phá trong giải pháp IOC của VNPT là khả năng cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành trên nền tảng thiết bị di động, giúp các lãnh đạo địa phương có thể dễ dàng quản trị điều hành mọi nơi, mọi lúc. Từ đó ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức trong quá trình giám sát, điều hành quản lý công việc. Hệ thống Trung tâm điều hành thông minh IOC của VNPT triển khai đã sẵn sàng kết nối với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ công tác giám sát, chỉ đạo điều hành xuyên suốt từ Chính phủ xuống bộ, ngành, địa phương.
Về phía người dân, có thể tham gia phản ánh các bất cập vi phạm trật tự đô thị, sự cố hạ tầng đô thị, thông tin xử lý dịch vụ công thông qua ứng dụng di động. Đây cũng là cơ sở để hình thành một ứng dụng di động duy nhất cho người dân tương tác và sử dụng các dịch vụ công của chính quyền.
Các “bộ não số” IOC được VNPT xây dựng dựa trên hệ thống phần mềm lõi vận hành, được chuẩn hóa và tích hợp dữ liệu cơ bản cho các phân hệ gồm: hệ thống điều hành chỉ tiêu, sản xuất phát triển kinh tế xã hội; hệ thống điều hành chỉ tiêu ngân sách; hệ thống điều hành y tế, giáo dục; hệ thống tương tác chính quyền người dân; giám sát camera giao thông, hành chính công, văn bản điện, đất đai - môi trường; hệ thống lắng nghe mạng xã hội. Khả năng tích hợp dữ liệu và các phần mềm điều khiển trung tâm, tạo ra cái nhìn toàn cảnh về tỉnh, thành phố trên mọi lĩnh vực của IOC được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong xây dựng Chính phủ điện tử ở cấp độ địa phương. Đồng thời là một mục tiêu quan trọng nhằm phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng và lãnh đạo các tỉnh, thành phố.
Bài, ảnh: SONG THƯ