Mắc kẹt vì quy chuẩn mới về thiết bị giám sát hành trình

Chủ Nhật, 20/04/2025, 16:43 [GMT+7]
In bài này
.

Trong bối cảnh chưa có đơn vị nào được chỉ định kiểm chuẩn thiết bị giám sát hành trình (GSHT) theo quy định mới, hàng trăm ngàn phương tiện vận tải đang rơi vào tình thế khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp vận tải lo lắng với quy định mới về gắn camera phải có khả năng nhận diện bằng công nghệ AI.
Nhiều doanh nghiệp vận tải lo lắng với quy định mới về gắn camera phải có khả năng nhận diện bằng công nghệ AI.

Nhà xe "đứng ngồi không yên"

Đã gần bốn tháng trôi qua, chủ nhà xe Văn Vinh chuyên chạy tuyến miền Trung - Vũng Tàu đứng ngồi không yên vì tìm kiếm thiết bị GSHT đã được chứng nhận hợp quy để trang bị cho gần 10 xe khách của mình. Dù đã liên hệ nhiều nhà cung cấp, nhưng đến nay, chủ doanh nghiệp này vẫn chưa tìm được sản phẩm ưng ý.

"Chúng tôi không biết phải mua thiết bị hợp quy ở đâu để lắp đặt. Xe không lắp thì không đủ điều kiện hoạt động, mà lắp thiết bị hiện có trên thị trường lại không đúng chuẩn theo quy định mới", ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ nhà xe Văn Vinh lo lắng.

Chung nỗi lòng, ông Trần Ngọc Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng cho biết, nhà xe của ông có khoảng 400 đầu xe, chủ yếu hoạt động trên tuyến Vũng Tàu - TP. Hồ Chí Minh và ngược lại. DN đã liên hệ với đơn vị lắp đặt GSHT cho nhà xe trước đây để tìm hiểu về tính hợp quy của thiệt bị GSHT  đã lắp đặt từ 5 năm trước, nhưng đơn vị cung cấp cũng không thể khẳng định các thiết bị này có hợp quy chuẩn hiện nay hay không.

"Chúng tôi chưa biết mua thiết bị ở đâu để lắp, mà chi phí để thay thế thiết bị một lần là rất lớn. Với các đơn vị có hàng trăm xe, vốn đầu tư sẽ rất nhiều. Hàng ngàn phương tiện vận tải trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng như vậy. Cơ quan quản lý cần khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho DN", ông Khanh kiến nghị.

Nguy cơ "đóng băng" hàng loạt phương tiện

Thông tư 62/2024 của Bộ Công an (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) quy định việc sử dụng thiết bị GSHT và camera giám sát người lái phải tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2024/BCA. Điều này đồng nghĩa với việc phần lớn các thiết bị đang được sử dụng sẽ phải thay thế bằng các thiết bị đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật mới. Nghị định 151/2024 của Chính phủ cũng quy định cụ thể 4 loại phương tiện bắt buộc phải lắp đặt thiết bị GSHT và camera ghi hình người lái, bao gồm: xe ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương và xe cứu hộ giao thông đường bộ.

Dữ liệu thu thập từ các thiết bị GSHT sẽ đóng vai trò quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực vận tải. Các thông tin này sẽ được chia sẻ với Cục Đường bộ Việt Nam, sở xây dựng các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan theo quy định của pháp luật.

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho biết, theo quy trình, sau khi quy chuẩn mới được ban hành, cơ quan quản lý nhà nước sẽ chỉ định một đơn vị nhà nước độc lập có chức năng đo kiểm thiết bị và cấp giấy chứng nhận hợp quy. Dựa trên đó, DN sản xuất thiết bị GSHT mới có cơ sở để cung cấp sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, đã nhiều tháng trôi qua kể từ khi Thông tư có hiệu lực, vẫn chưa có đơn vị nào được chỉ định.

"Dự kiến đến hết quý II/2025, sẽ có hàng trăm ngàn phương tiện phải lắp đặt camera giám sát theo quy chuẩn mới. Nếu không lắp đặt, phương tiện sẽ không được phép hoạt động. Việc chưa có đơn vị đánh giá sản phẩm hợp quy khiến các nhà sản xuất không thể nhập linh kiện để sản xuất. Mỗi ngày ngừng hoạt động, một phương tiện có thể thất thu 2-3 triệu đồng. Với khoảng 250.000 phương tiện, tổng thiệt hại có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi ngày", đại diện VATA nhấn mạnh.

Camera nhận diện AI là camera tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm tự động phân tích, nhận diện và phản hồi lại các hình ảnh, đối tượng hoặc hành vi trong khung hình theo thời gian thực mà không cần con người theo dõi liên tục. Ví dụ tính năng AI: có khả năng phát hiện hành vi lái xe nguy hiểm như sử dụng điện thoại, buồn ngủ, không thắt dây an toàn, giúp nâng cao an toàn giao thông.​ ​ 

Giải pháp nào gỡ "nút thắt”?

VATA cho rằng việc một thiết bị đạt chứng nhận hợp quy theo QCVN 06:2024/BCA đòi hỏi DN trải qua nhiều bước đo kiểm phức tạp, với tổng thời gian có thể kéo dài từ 3-5 tháng kể từ khi có đơn vị chức năng đo kiểm và chứng nhận. Nếu việc chỉ định đơn vị đo kiểm tiếp tục chậm trễ, thị trường khó có đủ thiết bị đáp ứng nhu cầu vào giai đoạn cao điểm.

Do đó, VATA kiến nghị cần có sự vào cuộc khẩn trương của Bộ Khoa học và Công nghệ để sớm chỉ định đơn vị đo kiểm, giúp doanh nghiệp ổn định hoạt động, tránh lãng phí và đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Về mặt kỹ thuật, quy chuẩn mới QCVN 06:2024/BCA không có nhiều khác biệt so với quy chuẩn cũ QCVN 31:2021/BGTVT. Điểm mới đáng chú ý là yêu cầu camera phải có khả năng nhận diện bằng công nghệ AI và thiết bị phải có cổng truyền tốc độ cao. Bên cạnh đó, trung tâm dữ liệu thiết bị sẽ được Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) xây dựng để phân luồng, kiểm soát phương tiện kinh doanh vận tải, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Cục CSGT chỉ chịu trách nhiệm xây dựng, ban hành và giám sát việc thực hiện quy chuẩn mới. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm thẩm định để ban hành quy chuẩn. Đơn vị đo kiểm, thẩm định thiết bị phải là đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Cả nước có khoảng 250.000 phương tiện đã lắp đặt camera giám sát theo TCVN 13396:2021, trong đó hơn 90% thiết bị đã được cấp chứng nhận phù hợp. Ngoài ra, còn hàng chục ngàn thiết bị có giấy chứng nhận hợp chuẩn nhưng chưa được lắp đặt. Vì vậy, việc Bộ Khoa học và Công nghệ sớm chỉ định một đơn vị đo kiểm chuẩn là cấp thiết để các đơn vị sản xuất có căn cứ nhập thiết bị, sản xuất sản phẩm kịp tiến độ.

Bài, ảnh: CHƯƠNG NGUYỄN

;
.