Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đóng vai trò quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương.
![]() |
Các đại biểu tham luận tại buổi tọa đàm về kỹ năng xây dựng, kiểm tra và xử lý VBQPPL diễn ra vào ngày 20/2. |
Còn nhiều tồn tại, hạn chế
Hàng năm, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tập trung thời gian, nguồn lực, áp dụng nhiều giải pháp để xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, trước yêu cầu tình hình mới, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn bộc lộ một số bất cập như: một số cơ quan, đơn vị chưa xác định rõ các văn bản phải thực hiện quy trình xây dựng chính sách; chưa chủ động đề xuất xây dựng, soạn thảo văn bản; chất lượng văn bản chưa cao; việc tiếp thu, giải trình ý kiến của cơ quan thẩm định, thẩm tra còn nhiều hạn chế; tiến độ ban hành văn bản còn chậm so với yêu cầu…
Tại buổi tọa đàm về kỹ năng xây dựng, kiểm tra và xử lý VBQPPL mới đây, đại diện Sở Tư pháp cho biết, từ đầu năm đến nay, Sở này đã thẩm định 32 lượt dự thảo VBQPPL (trong đó Nghị quyết 2, Quyết định 30). Qua thẩm định, kiểm tra VBQPPL, phát hiện nội dung còn mâu thuẫn, chồng chéo, chưa thống nhất với hệ thống pháp luật.
Theo Sở Tư pháp, các lĩnh vực thẩm định thuộc nhiều ngành quản lý, không có công chức thẩm định theo chuyên ngành nên quá trình thẩm định văn bản có hạn chế nhất định. Công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL là công việc khó, có nội dung phức tạp, phạm vi tác động rộng, đòi hỏi cao về trình độ, bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm chuyên sâu. Trong khi đó, nguồn nhân lực bố trí cho việc này tại nhiều cơ quan chưa thực sự tương xứng, phù hợp với đặc trưng công việc, yêu cầu, nhiệm vụ dẫn đến kết quả công tác hạn chế.
Một số cơ quan, tổ chức chưa chú trọng lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp dẫn đến văn bản khi ban hành không đảm bảo được tính khả thi, nhận nhiều luồng kiến nghị, phản ánh của đối tượng liên quan.
Đơn cử năm 2024, Sở LĐTBXH được giao tham mưu chính sách hỗ trợ thẻ BHYT cho người cao tuổi. Tuy nhiên, việc đóng góp ý kiến của một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm so với thời gian yêu cầu, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng VBQPPL. “Các dự thảo văn bản đăng tải trên Cổng thông tin điện tử tỉnh hầu như không nhận được bất cứ ý kiến đóng góp nào từ người dân”, đại diện Sở LĐTBXH cho biết.
![]() |
Người dân tìm hiểu các VBQPPL được niêm yết tại UBND phường 10 (TP.Vũng Tàu). |
Cần đa dạng hình thức chuyển tải
Tham luận về giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng tại buổi tọa đàm trên, bà Phạm Thị Mai, đại diện Sở NN-PTNT cho rằng, cần tổ chức đào tạo nâng cao kỹ năng soạn thảo VBQPPL cho đội ngũ công chức. Khuyến khích việc tổ chức hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến chuyên gia, tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm bảo đảm các quyết định quy phạm pháp luật phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao. Tuyên truyền, khuyến khích người dân, tổ chức tham gia đóng góp ý kiến đối với các dự thảo VBQPPL. Nâng cao trách nhiệm tham mưu trong công tác lập đề nghị xây dựng VBQPPL, đảm bảo nội dung đề nghị thể hiện rõ cơ sở chính trị, pháp lý và sự cần thiết trong thực tiễn khi xây dựng văn bản.
“Cần đa dạng hóa hình thức, cách thức chuyển tải các dự thảo văn bản pháp luật đến với mọi tầng lớp Nhân dân thông qua báo chí, mạng xã hội... thay vì chỉ đăng tải trên Cổng thông tin điện tử tỉnh như hiện nay. Từ đó, tạo thói quen cho người dân trong việc tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, nhất là các nội dung pháp luật liên quan, tác động đến cuộc sống, sản xuất, kinh doanh của người dân”, bà Mai nói.
Theo Sở Tư pháp, khi tham mưu xây dựng dự thảo VBQPPL, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản cần có kế hoạch cụ thể, quy định rõ thời gian, đối tượng thực hiện nhằm bảo đảm đúng trình tự, thủ tục của Luật Ban hành VBQPPL. Tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, dự thảo văn bản, tổ chức, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học, người làm thực tiễn bằng hình thức phù hợp. Nghiên cứu tiếp thu ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp, ý kiến của thành viên UBND đối với các đề nghị xây dựng văn bản, dự thảo văn bản. Tăng cường phản biện xã hội, truyền thông đối với các VBQPPL có tác động lớn đến người dân và DN. Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong góp ý dự thảo VBQPPL.
Bài, ảnh: MẠNH VŨ