Việc cấp đổi Giấy phép lái xe (GPLX) theo quy định mới đang nhận được sự quan tâm lớn của người dân, đặc biệt là các tài xế. Nhiều người còn băn khoăn về những thay đổi này, liệu có gây khó khăn hay ảnh hưởng đến quyền lợi của họ không?
![]() |
Nếu đổi từ bằng B2 sang bằng B sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tài xế xe tải, vì lượng hàng hóa chuyên chở sẽ giảm đi rất nhiều. |
Cục Đường bộ "bật mí" về những lợi ích khi đổi GPLX hạng B1, B2
Thời gian qua, nhiều tài xế lái xe tải phản ánh về việc gặp vấn đề khi thực hiện đổi GPLX trực tuyến. Theo đó, các tài xế có GPLX hạng B1, B2 khi làm thủ tục cấp đổi trực tuyến chỉ có thể đổi sang bằng B, không thể đổi sang bằng C1.
Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định 15 hạng GPLX, trong đó gộp bằng lái ô tô B1 và B2 thành B. Tài xế đang sở hữu bằng B1, B2 (cũ) có thể đổi sang bằng B hoặc C1 (mới). Trong đó, GPLX hạng B2 (cũ) cho phép tài xế lái ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi hoặc ô tô tải có trọng tải dưới 3,5 tấn. Còn GPLX lái hạng B (mới) vẫn được lái ô tô chở người đến 9 chỗ (gồm cả chỗ của tài xế), nhưng chỉ được lái xe tải mà khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3,5 tấn.
“Theo quy định cũ, bằng B2 được lái xe tải có khối lượng hàng chở tới 3,5 tấn, nhưng theo quy định mới, bằng B chỉ được lái xe có khối lượng toàn bộ (tổng khối lượng xe và hàng hóa) đến 3,5 tấn nên lượng hàng được chở giảm đi rất nhiều. Không chỉ chở ít hàng giảm hiệu quả kinh tế mà còn phải đổi xe tải nhỏ hơn để phù hợp với giới hạn về khối lượng toàn bộ theo thiết kế của bằng B”, ý kiến của một tài xế xe tải.
Để tránh điểm hạn chế này, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã cho phép tài xế cấp đổi GPLX hạng B1, B2 sang hạng B hoặc C1. Theo đó, GPLX hạng C1 được lái tất cả xe thuộc hạng B, đồng thời được lái xe tải có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 3,5 tấn đến 7,5 tấn.
Nếu là tài xế lái xe tải, người dùng nên đổi từ bằng B1, B2 (cũ) sang bằng C1 (mới), thay vì đổi sang bằng B để tối đa quyền hạn và lái được nhiều loại xe hơn.
Theo đại diện Cục Đường bộ, việc đổi giấy phép lái xe B1, B2 sang bằng C1 chưa được thực hiện trực tuyến, tài xế có nhu cầu cần đến làm thủ tục trực tiếp tại nơi cấp đổi. Hiện tại cổng dịch vụ công Quốc gia chưa hỗ trợ đổi từ GPLX B1, B2 sang C1. Phần mềm đổi GPLX trực tuyến chỉ cài đặt chế độ mặc định một lựa chọn, chưa đáp ứng được nhiều lựa chọn cùng một lúc, có nghĩa là chỉ đổi được GPLX hạng B2 sang hạng B. Do vậy, với những ai có nhu cầu đổi từ GPLX cũ sang bằng C1 mới phải đến nộp hồ sơ và làm thủ tục trực tiếp tại các cơ sở cấp đổi. Thủ tục đổi sang GPLX hạng C1 bao gồm đơn đề nghị đổi GPLX, giấy khám sức khỏe.
GPLX tích hợp bị tước quyền sử dụng, có được đổi giấy phép còn lại?
Cũng là đổi GPLX, nhiều người dân thắc mắc rằng, người có bằng lái xe tích hợp bằng lái mô tô và ô tô bị tước bằng lái xe máy có đổi được bằng lái ô tô khi đến hạn, hay phải chờ đến khi được trả bằng lái như trước đây.
Về vấn đề này, theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe tích hợp giấy phép lái xe không thời hạn (mô tô, xe tương tự mô tô) và giấy phép lái xe có thời hạn (ô tô, xe tương tự ô tô…), thì người có giấy phép lái xe tích hợp vẫn được cấp, đổi giấy phép lái xe với hạng giấy phép lái xe không bị tước quyền sử dụng.
Căn cứ nghị định, Thông tư số 35/2024/TT-BGTVT do bộ trưởng Bộ GT-VT ban hành về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế; đào tạo, kiểm tra, cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, có hiệu lực từ 1/1/2025 cũng cho phép đổi bằng với hạng giấy phép lái xe không bị tước quyền sử dụng trong giấy phép lái xe tích hợp. Theo Thông tư, quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với trường hợp tước quyền sử dụng giấy phép lái xe tích hợp là căn cứ để xem xét đổi giấy phép lái xe với hạng không bị tước.
Như vậy, người có bằng lái xe tích hợp bằng lái hạng A1 (cấp cho người điều khiển mô tô) và các hạng bằng lái ô tô (B, C, D, E…) bị tước quyền sử dụng bằng lái hạng A1 thì vẫn được đổi các hạng bằng lái ô tô (hoặc ngược lại) trong thời gian bằng lái tích hợp bị tạm giữ. Với trường hợp này, trong hồ sơ đổi giấy phép lái xe, thay vì xuất trình bằng lái xe thì sẽ xuất trình quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với trường hợp tước quyền sử dụng giấy phép lái xe tích hợp. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính là căn cứ để xem xét đổi GPLX với hạng không bị tước.
Tuy nhiên, theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định chưa cấp lại giấy phép lái xe đối với người vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Do vậy đổi hay tách bằng lái xe với bằng lái tích hợp chỉ thực hiện khi người sở hữu bằng đã thực hiện xong quyết định xử phạt.
Bải, ảnh: CHƯƠNG NGUYỄN