Gần Tết, nhu cầu đổi tiền mới, tiền có số seri đẹp tăng cao. Tuy nhiên, tiền không phải là hàng hóa nên nếu tổ chức, cá nhân thu, đổi nhằm hưởng chênh lệch thì được xác định là hành vi vi phạm pháp luật.
Các bài viết chào mời đổi tiền mới trên trang mạng xã hội Facebook. |
Nhộn nhịp "chợ" đổi tiền mới trên mạng
Qua tìm hiểu được biết, để đáp ứng nhu cầu của người dân, nhiều hội, nhóm chuyên cung cấp dịch vụ đổi tiền mới, tiền có số seri đẹp xuất hiện khá nhiều trên mạng xã hội Facebook, với mức phí công khai 5-8% giá trị số tiền được đổi. Trong vai người có nhu cầu đổi tiền lì xì Tết, phóng viên liên hệ một đại lý đổi tiền mới trên mạng có tên "Đổi tiền mới lì xì Tết 2025". Ngay lập tức, một người tên Y. cho biết, khách hàng đổi tiền mới mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng, phí đổi là 8%. Mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng, phí đổi là 5%. “Tiền bên mình là tiền thật, mới hoàn toàn, nguyên seri. Đổi càng nhiều thì phí càng rẻ. Ví dụ, mệnh giá 500.000 đồng thì phí là 5%, còn nếu đổi 100 tờ thì mình “ra lộc” cho còn 4%”, Y. nói.
Tương tự, tại một trang khác, phóng viên được anh tên V. thông tin, loại tiền 2 USD rắn mạ vàng giá 120.000 đồng/tờ đang bán chạy nhất. Nếu mua 11-20 tờ thì giá 110.000 đồng/tờ. Mua 21-50 tờ, giá còn 100.000 đồng/tờ. Đối với tiền 2 USD thần tài mạ vàng giá 100.000-120.000 đồng/tờ, tiền 2 USD mạ vàng cung hoàng đạo giá 120.000 đồng/tờ…
Theo quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 30 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch, đổi tiền thu lời là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt 20 - 40 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm. Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức thực hiện việc đổi tiền để hưởng chênh lệch thì có thể bị phạt gấp 2 lần mức phạt này, với mức phạt tối đa có thể lên đến 80 triệu đồng. |
Đổi tiền mới lấy phí là vi phạm pháp luật
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thị Ưng, Trưởng Văn phòng luật sư Châu Giang, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, theo quy định tại Điều 12, Thông tư 25/2013/TT-NHNN quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông thì các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho các tổ chức, cá nhân. Việc thu, đổi này phải được tiến hành theo quy định và tiền phải thuộc diện không đủ tiêu chuẩn lưu thông mới thu đổi. Như vậy, pháp luật chỉ quy định về việc các tổ chức có thẩm quyền sẽ thực hiện việc thu, đổi tiền khi tiền đó không đủ tiêu chuẩn lưu thông.
Ngoài ra, pháp luật không có quy định về việc cấm cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi đổi tiền cho nhau. Tuy nhiên, có một lưu ý rất quan trọng là tiền không phải hàng hóa nên sẽ không được mua bán, thu, đổi để hưởng chênh lệch. Nếu cá nhân, tổ chức thu, đổi nhằm hưởng chênh lệch thì được xác định là hành vi vi phạm quy định về thu, đổi tiền.
"Vì vậy, hành vi thu đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch là hành vi trái pháp luật", Luật sư Nguyễn Thị Ưng thông tin.
Theo Luật sư Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, hiện nay pháp luật chưa có quy định cấm người dân đổi tiền Việt ngang giá trong các giao dịch dân sự thông thường. Tuy nhiên, người dân vẫn cần chú ý tuân thủ các quy định để đảm bảo tính minh bạch và không lợi dụng để kinh doanh trái phép.
Người dân có thể đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông theo quy định của pháp luật ở các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước và đơn vị thu đổi (theo quy định tại Điều 6, Thông tư 25/2013/TT-NHNN).
"Người dân không nên thực hiện việc đổi tiền qua các trang mạng xã hội hoặc các dịch vụ không chính thức. Hành vi thu đổi tiền mới, tiền lẻ của cá nhân, tổ chức nhằm hưởng phần trăm chênh lệch là hành vi trái pháp luật. Đồng thời, cần kiểm tra thông tin về các đơn vị được phép đổi tiền trên trang web chính thức của Ngân hàng Nhà nước hoặc liên hệ trực tiếp với ngân hàng để được hướng dẫn cụ thể", Luật sư Trương Xuân Tám khuyến nghị.
Bài, ảnh: MẠNH VŨ