Tài xế cần biết: Lái xe liên tục trên 4 giờ sẽ bị xử phạt thế nào?

Chủ Nhật, 08/12/2024, 16:42 [GMT+7]
In bài này
.

Bắt đầu từ ngày 1/1/2025, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024 sẽ chính thức có hiệu lực, quy định chặt chẽ về giới hạn thời gian làm việc của tài xế ô tô. Theo đó, tài xế không được làm việc quá 10 giờ mỗi ngày, 48 giờ mỗi tuần và không lái xe liên tục quá 4 giờ. Đây không chỉ là một bước đồng bộ với Bộ luật Lao động mà còn nhằm mục tiêu lớn hơn là nâng cao an toàn giao thông và bảo vệ sức khỏe người lao động.

Từ 01/01/2025, tài xế không được làm việc quá 10 giờ mỗi ngày, 48 giờ mỗi tuần và không lái xe liên tục quá 4 giờ.
Từ 01/01/2025, tài xế không được làm việc quá 10 giờ mỗi ngày, 48 giờ mỗi tuần và không lái xe liên tục quá 4 giờ.

Lái xe cần được nghỉ ngơi đầy đủ

Những vụ việc đáng tiếc liên quan đến tài xế ô tô tử vong khi đang lái xe, nghi do đột quỵ, đã gióng lên hồi chuông báo động về sức khỏe nghề nghiệp. Hiện nay, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã có quy định thời gian làm việc tối đa, nhưng Luật mới năm 2024 bổ sung thêm giới hạn 48 giờ/tuần, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Giới hạn thời gian làm việc của tài xế không chỉ nhằm bảo vệ sức khỏe của tài xế, giúp tài xế duy trì khả năng tập trung mà còn giúp giảm nguy cơ tai nạn giao thông. Ông Đỗ Thành Nghĩa- một người am hiểu giao thông, nhận định: "Lái xe liên tục nhiều giờ khiến tài xế mệt mỏi, giảm khả năng phản ứng. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn nghiêm trọng".

Quy định mới không chỉ giúp tài xế đảm bảo sức khỏe mà còn bảo đảm an toàn giao thông. Anh Lê Minh Quân, một tài xế xe tải tại Bà Rịa – Vũng Tàu, chia sẻ: "Quy định này tạo điều kiện để tài xế nghỉ ngơi hợp lý, giảm áp lực và nguy cơ tai nạn".

Nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, mệt mỏi là yếu tố góp phần vào 20% các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Sau 4 giờ lái xe liên tục, khả năng phản xạ của tài xế giảm tới 50%. Vì vậy, nghỉ ngơi định kỳ là biện pháp cần thiết để bảo vệ không chỉ tài xế mà cả bảo đảm đảm an toàn giao thông chung cho cả cộng đồng.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, nếu vi phạm quy định thời gian lái xe, người điều khiển ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng. Đối với chủ phương tiện giao xe hoặc để cho người làm công điều khiển xe quá thời hạn quy định, làm quá giờ quy định sẽ bị phạt tiền từ 8 - 12 triệu đồng. Các điều khoản này áp dụng cho đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị hoạt động vận tải nội bộ và người lái xe ô tô kinh doanh vận tải cũng như vận tải nội bộ.

Giải pháp công nghệ và quản lý hiện đại

Đối với các doanh nghiệp vận tải, việc giảm giờ làm buộc họ phải tổ chức lại lịch trình, bố trí thêm tài xế. Tuy nhiên, việc thực hiện không hề dễ dàng. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và doanh nghiệp vận tải để kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Hiện nay, các doanh nghiệp vận tải đã triển khai công nghệ giám sát thời gian làm việc của tài xế. Ông Trần Ngọc Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng cho biết, nhà xe Toàn Thắng có hàng trăm đầu xe, trong đó chủ yếu hoạt động tuyến Vũng Tàu - TP. Hồ Chí Minh và ngược lại cho biết, hiện nay, việc quản lý thời gian làm việc của lái xe được thực hiện thông qua thiết bị giám sát hành trình. Theo đó, khi tài xế lên xe bắt đầu ca làm việc sẽ phải quét giấy phép lái xe vào thiết bị này để hệ thống ghi nhận và tính giờ làm việc.

Khi đổi ca, tài xế mới thay cũng phải thực hiện thao tác này để ghi nhận việc đổi lái cũng như tính thời gian làm việc cho tài xế mới thay. Bên cạnh đó, nhà xe sẽ sắp xếp lịch chạy xe hợp lý cho các tài xế để không quá số giờ quy định. “Hiện nay tuyến Vũng Tàu – TP. Hồ Chí Minh và ngược lại, khi tài xế đến trạm dừng đã nghỉ ngơi 15 phút. Không những vậy, khi chạy xe hết tuyến tài xế vẫn phải chờ xếp tài mới tới lượt chạy, nên khoảng chờ là khoảng thời gian nghỉ cho tài xế. Riêng vào các dịp, lễ, tết nhà xe tăng cường thêm tài xế phụ nên bảo đảm tài xế không lái xe vượt thời gian quy định”, ông Khanh cho biết thêm.

Nếu vi phạm quy định thời gian lái xe, người điều khiển ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng. (Ảnh có tính chất minh họa).
Nếu vi phạm quy định thời gian lái xe, người điều khiển ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng. (Ảnh có tính chất minh họa).

Luật Giao thông đường bộ EU, lái xe liên tục không quá 4,5 giờ, thời gian lái xe/tuần không quá 56 giờ. Tại Nhật Bản, quy định xe buýt và xe tải lớn lái xe liên tục không quá 2 giờ. Tại Úc, thời gian lái xe liên tục không quá 5 giờ 30 phút, các tài xế chuyên nghiệp phải được nghỉ ít nhất 24 giờ sau mỗi tuần làm việc.

Vì vậy, khi Việt Nam hiện nay áp dụng những quy định tương tự các quốc gia phát triển, lái xe liên tục không quá 4 giờ, đảm bảo tương đồng với tiêu chuẩn EU. Những quy định này không chỉ bảo vệ sức khỏe tài xế mà còn giảm nguy cơ tai nạn giao thông, phù hợp với xu thế quốc tế về quản lý an toàn giao thông và vận tải.

Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phụ trách Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và Người lái (Sở GT-VT) cho biết, hiện việc giám sát thực hiện quy định về thời gian lái xe liên tục của tài xế được thực hiện qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình truyền về Cục Đường bộ Việt Nam. Dữ liệu sẽ được tổng hợp theo từng tháng, những trường hợp vi phạm quá thời gian lái xe liên tục sẽ được gửi về Sở GT-VT để làm cơ sở xử lý. Ngoài ra, doanh nghiệp vận tải cũng có trách nhiệm trực tiếp giám sát thời gian lái xe của các tài xế thông qua thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện và nhắc nhở, cảnh báo nếu tài xế vi phạm.

Theo các chuyên gia giao thông, để thực hiện hiệu quả quy định giới hạn thời gian lái xe, cần nhiều giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho tài xế, chủ phương tiện về ý thức chấp hành pháp luật; ứng dụng công nghệ trong giám sát thời gian làm việc; Xây dựng hệ thống quản lý nội bộ nghiêm ngặt để bảo đảm tài xế không bị ép buộc làm việc quá thời gian cho phép. Đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn đối với trường hợp vi phạm, cần thiết có thể xem xét trách nhiệm hình sự.

Bài, ảnh: CHƯƠNG NGUYỄN

;
.