Pháp luật sống động từ phiên tòa lưu động
Để phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, TAND tỉnh đã chú trọng và đẩy mạnh các hoạt động xét xử lưu động. Đây được xem là hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực quan, sinh động và hiệu quả.
Phiên tòa xét xử lưu động do TAND tỉnh tổ chức ngày 13/12. |
Từ thực tiễn đời sống
Mới đây, TAND tỉnh đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Nguyễn Bé (SN 1967, trú thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), là chủ tàu, đồng thời là thuyền trưởng tàu BĐ-30933-TS, đã điều khiển tàu cá chở theo 5 thuyền viên đi đánh bắt hải sản nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Phiên tòa thu hút hơn 200 người dân địa phương theo dõi. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Nguyễn Bé 6 năm tù giam về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép theo Điều 119, Điều 348 Bộ luật Hình sự.
Tham dự phiên tòa với vai trò là người quan sát, ông Trần Ngọc Quân, Phó ban công tác mặt trận dân cư khu phố 4, phường 5 (TP.Vũng Tàu) cho biết, thời gian qua, thành phố đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân. Việc mở phiên tòa xét xử lưu động giúp người dân được tiếp cận các quy định của pháp luật một cách chủ động, nhanh chóng.
Pháp luật đến gần dân hơn
Bà Nguyễn Thị Bảo Châu (ngụ khu phố 5, phường 5) cho hay, dù bận việc nhà nhưng được biết có vụ xét xử lưu động, bà sắp xếp thời gian đến xem. “Tham gia phiên tòa lưu động xét xử vụ án tội vi phạm chống khai thác IUU, tôi thấy pháp luật thật nghiêm minh. Tôi sẽ tuyên truyền, vận động người thân, bà con xóm giềng chấp hành nghiêm quy định pháp luật của Nhà nước. Đồng thời mong muốn Tòa án tổ chức nhiều phiên xét xử lưu động tương tự để người dân theo dõi, nắm vững các quy định pháp luật”, bà Châu nói.
Theo ông Đoàn Ngọc Thiện, Phó Chánh văn phòng TAND tỉnh, để phiên tòa xét xử lưu động đạt hiệu quả, trước đó, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cơ quan: Công an, Viện KSND nghiên cứu đưa ra xét xử các vụ án thu hút sự quan tâm của dư luận. Mặt khác, đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương chuẩn bị các điều kiện cần thiết như: hội trường xét xử; thông báo, vận động người dân đến theo dõi phiên tòa nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
“Tòa án xét xử lưu động là theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương nhằm đấu tranh phòng chống tội phạm, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Qua đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tổ chức các phiên tòa lưu động, trong đó, chú trọng lựa chọn những vụ án điểm; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương về điều kiện cần thiết để phiên tòa diễn ra bảo đảm an toàn, hiệu quả”, ông Đoàn Ngọc Thiện thông tin thêm.
Bài, ảnh: MẠNH VŨ