.

Nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Cập nhật: 17:52, 23/12/2024 (GMT+7)

Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo lập hệ thống quy tắc xử sự, duy trì, bảo đảm trật tự, kỷ cương của đời sống xã hội và quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác xây dựng, kiểm tra và xử lý VBQPPL trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế. 

Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri nhằm lắng nghe ý kiến, kiến nghị đề xuất của cử tri đối với những nội dung  bất cập liên quan đến các dự án luật.
Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri nhằm lắng nghe ý kiến, kiến nghị đề xuất của cử tri đối với những nội dung bất cập liên quan đến các dự án luật.

Lấy ý kiến còn mang tính hình thức

Mới đây, tham luận tại buổi tọa đàm về kỹ năng xây dựng, kiểm tra và xử lý VBQPPL, đại diện Sở Tư pháp cho biết, từ đầu năm đến nay, Sở này đã thẩm định 103 lượt dự thảo VBQPPL do sở, ban, ngành được giao chủ trì soạn thảo gửi đến. HĐND và UBND tỉnh ban hành 56 VBQPPL. Qua thẩm định, kiểm tra VBQPPL giúp phát hiện nội dung còn mâu thuẫn, chồng chéo, chưa thống nhất với hệ thống pháp luật.

Theo Sở Tư pháp, công tác xây dựng, kiểm tra và xử lý VBQPPL còn một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể, cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến, thông thường vì áp lực của thời hạn góp ý, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành nên việc tổ chức lấy ý kiến trong cơ quan chưa thực hiện rộng rãi. Đồng thời, chưa chú trọng lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp dẫn đến văn bản khi ban hành không đảm bảo được tính khả thi, nhận được nhiều luồng kiến nghị, phản ánh của đối tượng liên quan. Việc lấy ý kiến của người dân đối với dự thảo VBQPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành bằng hình thức đăng tải trên trang/cổng thông tin điện tử, trong khi đó chỉ một bộ phận người dân quan tâm, tiếp cận qua kênh này. 

Một số đơn vị được lấy ý kiến, các ý kiến góp ý hầu hết là nhất trí với dự thảo hoặc chỉ góp ý về kỹ thuật trình bày, chưa thực sự quan tâm đến quy định của dự thảo có phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và đáp ứng yêu cầu quản lý thực tiễn. Một số cơ quan nếu dự thảo không giao trách nhiệm thực hiện cụ thể liên quan đến đơn vị mình thì không nghiên cứu kỹ mà chỉ gửi văn bản nhất trí như dự thảo.

Ngoài ra, các lĩnh vực thẩm định thuộc nhiều ngành quản lý, không có công chức thẩm định theo chuyên ngành nên quá trình thẩm định văn bản có hạn chế nhất định. Công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL là công việc khó, có nội dung phức tạp, phạm vi tác động rộng, đòi hỏi cao về trình độ, bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm chuyên sâu. Trong khi đó, nguồn nhân lực bố trí cho các công tác này tại nhiều cơ quan chưa thực sự tương xứng, phù hợp với đặc trưng công việc, yêu cầu nhiệm vụ dẫn đến kết quả công tác hạn chế.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hồng Tâm, Phó Chánh văn phòng Sở TN-MT tham luận về thực trạng xây dựng VBQPPL ở Sở TN-MT cho biết, hiệu lực của Luật Đất đai 2024 điều chỉnh từ ngày 1/1/2025 thành 1/8/2024, các Nghị định ban hành cuối tháng 7, đầu tháng 8. Mặc dù cơ quan chức năng đã chủ động nghiên cứu xây dựng nhưng chưa thể kịp ban hành theo yêu cầu của các cơ quan trung ương. Số lượng các nội dung Luật Đất đai, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai giao cho địa phương quy định nhiều, một số nội dung mới được quy định, trong khi nguồn nhân lực, thời gian, kinh nghiệm hạn chế, dẫn đến chưa ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản triển khai thi hành Luật Đất đai và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai thuộc thẩm quyền. Ngoài ra, việc truyền thông trong quy trình tham mưu xây dựng VBQPPL thời gian qua có lúc, có nơi, có việc chưa được triển khai thực sự đồng bộ, hiệu quả. Còn ít ý kiến tham gia đóng góp thông qua hệ thống cổng/trang thông tin điện tử.

Cần sự phối hợp của các sở, ngành

Tham luận về giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng VBQPPL là quyết định của UBND tỉnh, bà Nguyễn Thị Hồng Uyên, cán bộ Văn phòng Sở Tài chính cho rằng, cần tổ chức đào tạo nâng cao kỹ năng soạn thảo VBQPPL cho đội ngũ công chức. Khuyến khích việc tổ chức hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến chuyên gia, tổ chức, cá nhân có liên quan, nhằm bảo đảm các quyết định quy phạm pháp luật phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao. Xây dựng quy trình giải quyết công việc nội bộ theo tiêu chuẩn quốc gia TTCVN ISO 9001:2015 đối với quy trình soạn thảo VBQPPL nhằm đảm bảo tính khả thi. Tuyên truyền, khuyến khích người dân, tổ chức tham gia đóng góp ý kiến đối với các dự thảo VBQPPL.

Đại diện Sở Tư pháp cho rằng, cần nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong góp ý dự thảo VBQPPL. Khi tham mưu xây dựng dự thảo VBQPPL, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản cần có kế hoạch cụ thể, quy định rõ thời gian, đối tượng thực hiện nhằm bảo đảm đúng trình tự, thủ tục của Luật Ban hành VBQPPL. Tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, dự thảo văn bản, tổ chức, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học, người làm thực tiễn bằng hình thức phù hợp. Nghiên cứu tiếp thu ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp, ý kiến của thành viên UBND đối với các đề nghị xây dựng văn bản, dự thảo văn bản. Tăng cường phản biện xã hội, truyền thông đối với các VBQPPL có tác động lớn đến người dân và DN. Công chức khi thực hiện thẩm định văn bản, ngoài nội dung quy định cần lồng ghép đánh giá tính khả thi của văn bản qua các yếu tố, như: nội dung các quy định của văn bản phải bảo đảm tính cụ thể, chi tiết, rõ ràng, áp dụng được trong thực tiễn. 

Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, đơn vị có liên quan trong thẩm định văn bản. Thường xuyên rà soát VBQPPL theo thẩm quyền để phát hiện, tự xử lý hoặc kiến nghị xử lý văn bản có quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hạn chế, bất cập, không phù hợp. Cập nhật chính xác, đầy đủ, kịp thời các VBQPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo quy định. Bảo đảm kinh phí, nâng cao chất lượng nhân lực... cho công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL, gắn với củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

 
.
.
.