.

Nước tinh khiết giá rẻ: Sản xuất ngay trong tiệm rửa xe!

Cập nhật: 17:29, 25/11/2024 (GMT+7)

Từ phản ánh của người dân, phóng viên báo Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát hiện quy trình sản xuất nước uống tinh khiết hoạt động trong điều kiện thiếu an toàn tại trung tâm TP. Vũng Tàu.

Điều kiện sản xuất không bảo đảm

Cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết có tên Malada được đặt tại địa chỉ số 332 Trương Công Định, Phường 8, TP. Vũng Tàu đã hoạt động từ nhiều năm qua. Theo tìm hiểu, cơ sở này do công ty TNHH Hạnh Trang sở hữu, có đăng ký kinh doanh với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh vào năm 2010 và có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được cấp mới lại vào tháng 8/2024.

Một bên là khu vực rửa xe ô tô, bên kia là khu vực sản xuất nước tinh khiết
Một bên là khu vực rửa xe ô tô, bên kia là khu vực sản xuất nước tinh khiết

Tuy nhiên, những hình ảnh mà phóng viên ghi nhận được là hàng loạt bình nước loại 20 lít đặt la liệt nằm trên nền đất ẩm ướt, toàn bộ công đoạn từ việc xử lý súc rửa vỏ bình đến khâu đóng chiết nước chỉ gói gọn trong 2 căn phòng nhỏ rộng khoảng 20m2.

Điều đáng nói, khu vực này vừa là nơi sản xuất nước uống tinh khiết nhưng đồng thời cũng là một tiệm rửa xe với các loại hoá chất tẩy rửa được nhân viên thực hiện hàng ngày.

Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra thực tế tại khu vực đóng bình.
Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra thực tế tại khu vực đóng bình.

Tại thời điểm ghi nhận, dù nhân viên đang xịt rửa xe nhưng những bình nước vẫn được đặt ngay bên cạnh, nhân viên ở đây vẫn thản nhiên rửa xe và coi đó là việc bình thường mỗi ngày.

Quy trình sản xuất tại đây được thực hiện một cách sơ sài, bình nước được rửa qua bằng vòi nước, sau đó đưa qua hệ thống lọc rồi đóng chai. Không có quy trình kiểm định chất lượng nào được áp dụng. Mặc dù đăng ký nhãn hiệu là nước uống tinh khiết Malada, nhưng tại thời điểm ghi nhận, phóng viên phát hiện hàng loạt bình nước có mang một nhãn hiệu Pacific đã thành phẩm chờ mang đi tiêu thụ.

Theo tìm hiểu, mỗi ngày cơ sở này sản xuất và phân phối ra thị trường hàng trăm bình nước 20 lít. Đối tượng tiêu thụ chủ yếu là công nhân và người lao động tại các khu nhà trọ quanh thành phố, với giá thành rẻ hơn 70-80% so với các thương hiệu uy tín trên thị trường với giá thực tế giao tại nhà chỉ khoảng 10 ngàn đồng một bình 20 lít nước.

Từng bị xử phạt

Ngay sau khi nhận được phản ánh, ngay trong chiều 25/11, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) phối hợp cùng Cục Quản lý thị trường, Phòng Y tế TP.Vũng Tàu, Công an tỉnh đã tiến hành kiểm tra hoạt động của cơ sở này.

Khu vực xúc bình chỉ có một chậu nhựa to đã cũ cùng vô số bình nước nằm dưới đất
Khu vực xúc bình chỉ có một chậu nhựa to đã cũ cùng vô số bình nước nằm dưới đất

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận một xe tải nhỏ đang chở 28 bình nước loại 20 lít thành phẩm nhãn hiệu Pacific, trên dây chuyền sản xuất đang có 12 bình cùng nhãn hiệu trên đã được dán thương hiệu Pacific. Ngoài ra, đoàn còn ghi nhận khu vực nhà kho bị hư hỏng, khu vực chiết rót không kín. Đoàn đã tiến hành lập biên bản và lấy mẫu.

Làm việc với đoàn liên ngành, chủ cơ sở không xuất trình được giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm với nhãn hiệu Pacific mà chỉ xuất trình được giấy tờ liên quan đến nhãn hiệu Malada. Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu tại bình nước loại 20 lít được sản xuất trong ngày 25/11, có hạn sử dụng 12 tháng, để tiến hành kiểm tra.

Trước đó vào năm 2023, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt đối với người đại diện cơ sở này là ông Nguyễn Văn H. với số tiền 12 triệu đồng về hành vi “Khu vực chiết rót nước uống đóng chai không được trang bị hệ thống diệt khuẩn không khí”.

Bác sĩ Nguyễn Tấn Phát, Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Bà Rịa cho biết: "Nước uống không đảm bảo vệ sinh có thể chứa nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như E.coli, Salmonella, và các virus gây bệnh đường ruột. Việc sử dụng nước nhiễm bẩn có thể dẫn đến các bệnh tiêu chảy cấp, viêm dạ dày ruột, thậm chí là viêm gan A."

"Đặc biệt nguy hiểm hơn, nếu nước nhiễm các kim loại nặng từ môi trường xung quanh, về lâu dài có thể gây ra các bệnh về gan, thận và các bệnh ung thư. Người dân cần hết sức cảnh giác với các cơ sở sản xuất nước uống không đảm bảo vệ sinh", Bác sĩ Nguyễn Tấn Phát nhấn mạnh.

Hiện các nhóm sản phẩm nước uống đóng chai đều phải tuân thủ các quy định hiện hành, trong đó có QCVN 6-1:2010/BYT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai, được ban hành kèm theo Thông tư 34/2010/TT-BYT ngày 2-6-2010 của Bộ Y tế.

Hơn nữa, quy định hiện hành đối với quá trình sản xuất nước uống đóng chai là khá chặt chẽ và nghiêm ngặt. Cụ thể, Điều 13, Nghị định 67 về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế, nêu rõ, cơ sở sản xuất nước uống đóng chai có khu vực chiết rót sản phẩm phải kín, tách biệt với các khu vực khác và được trang bị hệ thống diệt khuẩn không khí.

Phải bố trí khu vực rửa và tiệt trùng chai, bình đựng sản phẩm, trong đó, các chai, bình sử dụng lần đầu hay sử dụng lại đều phải được làm sạch, diệt khuẩn, xúc rửa kỹ trước công đoạn rót chai (trừ trường hợp chai, bình sử dụng lần đầu được sản xuất theo công nghệ khép kín có diệt khuẩn).

Bên cạnh đó, việc tiệt trùng, khử trùng sản phẩm, khử trùng bao bì bằng thiết bị chuyên dụng sử dụng công nghệ tạo tia cực tím, công nghệ khí ozone và/hoặc các công nghệ khác nhưng không làm ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn sản phẩm.

Ngoài ra, cơ sở sản xuất nước uống đóng chai phải có bộ phận kiểm soát vệ sinh chai bình, chất lượng nước; có đủ hồ sơ lưu trữ kết quả xét nghiệm từ khai thác nước nguồn cho đến thành phẩm theo quy định với từng lô sản phẩm...

Bài, ảnh: NGUYỄN NAM

 

.
.
.