.
HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM (9/11)

Đưa pháp luật vào cuộc sống

Cập nhật: 17:46, 07/11/2024 (GMT+7)

Thời gian qua, công tác tuyên truyền pháp luật được triển khai đồng bộ, sâu rộng dến nhiều tầng lớp góp phần nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật trong Nhân dân.

Mô hình PBGDPL thông qua phiên tòa giả định do Công an tỉnh phối hợp tổ chức.
Mô hình PBGDPL thông qua phiên tòa giả định do Công an tỉnh phối hợp tổ chức.

Tuyên truyền sâu rộng

13 giờ 30 ngày 6/11, chúng tôi đến hội trường khối vận (04 Hoàng Hoa Thám, TP.Vũng Tàu) đã có rất nhiều người tập trung để nghe Hội Luật gia TP.Vũng Tàu tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Nội dung tuyên truyền là những vấn đề trọng tâm của 11 luật sẽ có hiệu lực trong năm 2025 như: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Nhà ở, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai...; các phương thức lừa đảo trên không gian mạng và biện pháp phòng ngừa.

Ông Nguyễn Hùng Anh (ngụ phường 4, TP.Vũng Tàu) nói: “Tôi tâm đắc nhất là nội dung tuyên truyền về các hình thức lừa đảo trên không gian mạng. Khi nhận diện được các dấu hiệu của đối tượng lừa đảo tôi cảm thấy yên tâm và cảnh giác hơn”.

Từ ngày 1/1 đến 25/10, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước đã tổ chức 25 đợt tập huấn, truyền thông phổ biến tuyên truyền pháp luật cho 1.437 lượt người; tổ chức 21 đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý cho 2.598 lượt người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý; biên soạn, in ấn 46.380 tờ rơi pháp luật phát miễn phí cho người dân…

Đối với công tác tuyên truyền pháp luật, việc tổ chức các phiên tòa giả định tại trường học được xem là một trong những hình thức tuyên truyền hiệu quả giúp HS, SV nhận rõ các hành vi vi phạm pháp luật để phòng, tránh tự bảo vệ mình tốt hơn.

Sau khi dự phiên tòa giả định do Công an tỉnh phối hợp với Trường THPT Châu Thành (TP.Bà Rịa) và Trường ĐH Văn Lang (TP.Hồ Chí Minh) tổ chức, em Nguyễn Thị Lan (HS lớp 10D3 Trường THPT Châu Thành) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em chứng kiến trọn vẹn một phiên tòa diễn ra với các trình tự thủ tục quy định như phiên tòa thật. Qua phiên tòa, em hiểu thêm về tội danh và hình phạt đối với lứa tuổi thanh, thiếu niên, từ đó tránh xa những mâu thuẫn, xích mích, nhất là trên mạng xã hội để có cuộc sống an toàn hơn”.

Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tuyên truyền PBGDPL  cho người dân.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tuyên truyền PBGDPL cho người dân.

Nội dung tuyên truyền đa dạng, phong phú

Bà Lê Thị Thúy, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước cho biết, hoạt động trợ giúp pháp lý luôn nhận được sự quan tâm, phối hợp của sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, đặc biệt là của cơ quan tiến hành tố tụng, phòng tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã.

100% yêu cầu của các đối tượng được trợ giúp pháp lý đều được trung tâm thụ lý, giải quyết. Bên cạnh đó, công tác truyền thông về phổ biến trợ giúp pháp luật được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú giúp các đối tượng được thụ hưởng dễ tiếp cận, tìm hiểu và thực hiện quyền yêu cầu khi gặp vướng mắc pháp luật.

Đại tá Bùi Văn Thảo, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, hưởng ứng “Ngày Pháp luật Việt Nam”, thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền pháp luật.

Trong đó, tập trung tuyên truyền văn bản luật liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật thuộc chức năng quản lý của lực lượng công an.

Đặc biệt, tập trung tuyên truyền, phổ biến một số nội dung cơ bản của Luật Giao thông đường bộ; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Xuất nhập cảnh; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Cảnh vệ...

Bài, ảnh: MẠNH VŨ

 
.
.
.