Việc nâng cấp tài khoản thu phí lên thành ví điện tử được đánh giá là một bước tiến quan trọng, giúp khắc phục những bất cập hiện nay và mang đến nhiều tiện ích vượt trội cho người dùng.
Việc nâng cấp tài khoản thu phí thành ví điện tử là giải pháp hợp lý, giúp chủ phương tiện sử dụng số tiền nạp vào không chỉ cho phí đường bộ mà còn cho nhiều dịch vụ khác. (Ảnh minh họa) |
Bất cập trong thanh toán phí đường bộ
Anh Nguyễn Anh Trí, tài xế container chuyên chở hàng tuyến TX.Phú Mỹ-TP.Hồ Chí Minh chia sẻ, mỗi tháng anh phải nạp từ 20-30 triệu đồng vào tài khoản giao thông để thanh toán phí đường bộ. Mặc dù số tiền này không cần thanh toán ngay, nhưng anh không thể rút ra sử dụng cho mục đích khác, gây nhiều bất tiện. Tình trạng này đang khá phổ biến với nhiều chủ phương tiện.
Đang quản lý hàng chục phương tiện vận tải container, ông Nguyễn Quang Trung, chủ DN vận tải Trung Hiếu tại TX.Phú Mỹ cho biết, với số lượng xe lớn, số tiền duy trì trong tài khoản thu phí của DN có thể lên tới vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền này không được hưởng lãi suất. Việc trừ tiền từ tài khoản thu phí dần dần cũng không được khuyến khích sử dụng hiệu quả.
Nhiều chủ xe và DN vận tải khác cũng đồng quan điểm rằng, việc số tiền nạp vào tài khoản thu phí chỉ để thanh toán phí đường bộ mà không thể sử dụng cho các mục đích khác đã tạo ra sự lãng phí không cần thiết.
Chuyển đổi tài khoản trong 1 năm
Những bất cập trên được giải quyết khi Nghị định số 119/2024/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán điện tử trong lĩnh vực giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10/2024. Theo Nghị định này, trước ngày 1/10/2025, chủ phương tiện bắt buộc phải chuyển đổi sang tài khoản giao thông kết nối với phương thức thanh toán điện tử. Người dân và DN sẽ sử dụng tài khoản giao thông này để thanh toán hầu hết các loại phí liên quan, từ dịch vụ sân bay, cảng biển cho đến kiểm định phương tiện…
Cụ thể, tài khoản thu phí không dừng (ETC) hiện tại sẽ được phân tách thành hai phần: tài khoản giao thông và phương tiện thanh toán như ví điện tử hoặc tài khoản ngân hàng. Tài khoản giao thông sẽ chỉ lưu trữ thông tin về đối tượng và số tiền cần thanh toán, trong khi phương thức thanh toán sẽ đảm nhiệm việc chi trả các khoản phí. Đáng chú ý, tài khoản giao thông sẽ không chứa tiền mà chỉ đóng vai trò xác định số tiền cần thanh toán. Để thực hiện giao dịch, tài khoản này bắt buộc phải kết nối với một phương thức thanh toán điện tử.
Hai đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí đường bộ chính là VETC và VDTC sẽ tiếp tục quản lý các tài khoản giao thông, đồng thời đồng bộ thông tin với trung tâm dữ liệu thanh toán điện tử của Bộ GT-VT. Khi có sự đồng thuận từ chủ phương tiện, thông tin này sẽ được chia sẻ với các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử.
Lợi ích của ví điện tử
Hiện tại, cả nước đã có khoảng 5 triệu phương tiện sử dụng dịch vụ ETC và tất cả sẽ cần phải chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông. Chủ phương tiện cần cập nhật phương thức thanh toán như ví điện tử hoặc thẻ tín dụng để kết nối với tài khoản giao thông.
Theo ý kiến từ các chủ phương tiện và DN vận tải, việc nâng cấp tài khoản thu phí thành ví điện tử là một giải pháp hợp lý, giúp họ có thể sử dụng số tiền nạp vào không chỉ cho phí đường bộ mà còn cho các dịch vụ khác như đỗ xe, mua xăng, dầu, nộp phí đăng kiểm và các dịch vụ liên quan đến giao thông. Đồng thời, khi tài khoản thu phí được nâng cấp thành ví điện tử, số dư của người dùng sẽ được đảm bảo an toàn hơn nhờ sự quản lý từ Ngân hàng Nhà nước.
Anh Nguyễn Đăng Quyến, nhân viên một ngân hàng thương mại, cho hay khi tài khoản thu phí được nâng cấp thành ví điện tử, người dùng sẽ tiết kiệm được chi phí chuyển tiền giữa tài khoản cá nhân và tài khoản giao thông, đồng thời không mất phí giao dịch khi trừ tiền từ ví.
“Ví điện tử sẽ tự động trừ tiền cho các giao dịch giao thông, giúp người dùng tuân thủ các quy định không chỉ của Bộ GT-VT mà còn cả của Ngân hàng Nhà nước, từ đó tăng cường tính minh bạch trong quản lý tài chính”, anh Quyến nói.
Bài, ảnh: CHƯƠNG NGUYỄN