Hành trình nhận con nuôi Việt
Thời gian qua, Sở Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Vụ Con nuôi (Bộ Tư pháp) để giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài theo đúng quy định pháp luật.
Sở Tư pháp tỉnh tổ chức lễ giao, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài cho hai cặp vợ chồng người Tây Ban Nha. |
Hạnh phúc khi nhận con nuôi Việt Nam
Vào giữa tháng 9, hai cặp vợ chồng người Tây Ban Nha đã vui mừng đến Sở Tư pháp tỉnh để nhận quyết định giao con nuôi. Anh Mira Ferrer Adolfo José và vợ là chị López Roig María Mercedes (quốc tịch Tây Ban Nha) dù đã kết hôn từ lâu nhưng không có con. Khi tìm hiểu, họ thấy thủ tục xin con nuôi tại Việt Nam minh bạch, thuận lợi và được các cơ quan hỗ trợ chu đáo, nên họ quyết định đến Việt Nam để xin con nuôi.
Sau hành trình kéo dài hơn 4 năm, họ vỡ òa trong hạnh phúc khi được nhận cháu Nguyễn Tuấn Khang (sinh năm 2016, trẻ bị bỏ rơi được Trung tâm Công tác Xã hội và Bảo trợ Trẻ em tỉnh nuôi dưỡng) làm con nuôi. Chị María Mercedes chia sẻ rằng, chị buôn bán trái cây, còn chồng làm việc tại một công ty mắt kính lớn và có cửa hàng riêng, thu nhập của họ khá tốt để nuôi dạy con. Ngoài ra, khu vực nơi họ sống cũng có nhiều trẻ em người Việt Nam và các thành viên trong gia đình có con cùng độ tuổi với Khang, giúp Khang dễ hòa nhập.
Tương tự, anh Grifol Costa Enrique và chị Faus Tur Tatiana (quốc tịch Tây Ban Nha) do không có con nên đã quyết định tìm con nuôi. Sau 3 năm làm thủ tục, họ rất hạnh phúc khi được nhận cháu Nguyễn Thúy Vy (sinh năm 2020) làm con nuôi. Chị Tatiana là giáo viên mầm non, nên việc chăm sóc và dạy dỗ cháu Vy càng thuận lợi hơn. Anh Enrique chia sẻ rằng, gia đình cho con học tiếng Việt và khi có điều kiện sẽ đưa cháu về thăm quê hương Việt Nam.
Tại lễ giao nhận con nuôi, Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan đã trao quyết định nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài của UBND tỉnh; ký tên trong sổ đăng ký nuôi con nuôi và biên bản giao nhận con nuôi theo quy định. Sở cũng mong muốn các gia đình nhận con nuôi yêu thương, chăm sóc trẻ như con đẻ và tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện. Đồng thời, đề nghị các gia đình chấp hành đúng quy định pháp luật về nuôi con nuôi của Việt Nam, định kỳ 6 tháng 1 lần trong 3 năm đầu tiên phải thông báo tình trạng của con nuôi cho cơ quan chức năng.
Anh Mira Ferrer Adolfo José và vợ López Roig María Mercedes hạnh phúc tới nhận quyết định nuôi con nuôi người Việt Nam. |
Khó tìm gia đình thay thế cho trẻ khuyết tật
Ông Phạm Hồng Phúc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã tiếp nhận 5 hồ sơ tìm gia đình thay thế cho trẻ từ Sở LĐ-TB-XH tỉnh và 3 hồ sơ nhận con nuôi đích danh. Từ đầu năm đến 12/9, sở đã bàn giao 8 trẻ em cho làm con nuôi nước ngoài và giải quyết các hồ sơ trẻ bị bỏ rơi để làm con nuôi trong nước. Một số hồ sơ còn lại đang được xác minh về nguồn gốc và người thân của trẻ.
Theo báo cáo từ Sở LĐ-TB-XH và các địa phương, hiện tại có 14 cơ sở bảo trợ xã hội đang nuôi dưỡng 586 trẻ em, trong đó có nhiều trẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ côi và trẻ khuyết tật. Tuy nhiên, việc tìm gia đình thay thế cho các trẻ em này, đặc biệt là trẻ khuyết tật, gặp rất nhiều khó khăn.
Năm 2023 và 8 tháng đầu năm 2024, có 16 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được Sở LĐ-TB-XH lập danh sách và gửi hồ sơ đến Sở Tư pháp để tìm gia đình thay thế. Sở đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để xác minh và thẩm định hồ sơ theo đúng quy định trước khi chuyển đến Vụ Con nuôi giải quyết.
Sở Tư pháp cho biết, việc tìm gia đình thay thế cho trẻ khuyết tật ở cả trong và ngoài nước rất khó khăn, dù đã thực hiện đầy đủ các thủ tục. Những quy định hiện tại về việc lấy ý kiến của cha mẹ đẻ đối với trẻ bị bỏ rơi cũng là một rào cản lớn trong quá trình này.
Vì vậy, Sở Tư pháp đã kiến nghị đến Bộ Tư pháp sớm tham mưu cho Quốc hội và Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành để phù hợp hơn. Đồng thời, cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc nuôi con nuôi và làm rõ trách nhiệm trong việc giải quyết nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.
Bài, ảnh: MẠNH QUÂN