.

Tai nạn rình rập ở các giao lộ

Cập nhật: 16:02, 13/10/2024 (GMT+7)

Nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) đã xảy ra tại các điểm giao nhau do người điều khiển phương tiện không chấp hành quy tắc giao thông. Thế nhưng, nhiều người vẫn vội vã, thiếu quan sát, vi phạm quy tắc giao thông, nhất là tại các giao lộ.

Thanh niên điều khiển xe máy từ QL56 vào hẻm số 8 (ấp Bắc 1, xã Hòa Long, TP.Bà Rịa) thiếu quan sát và sử dụng điện thoại khi lái xe.
Thanh niên điều khiển xe máy từ QL56 vào hẻm số 8 (ấp Bắc 1, xã Hòa Long, TP.Bà Rịa) thiếu quan sát và sử dụng điện thoại khi lái xe.

Hiện nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 3 tuyến quốc lộ (QL) gồm: QL51, QL55 và QL56, cùng với các tỉnh lộ, đường nội thị và đường nông thôn. Mặc dù đèn tín hiệu và biển báo đã được lắp đặt tại nhiều điểm giao nhau giữa đường nông thôn và các tuyến đường lớn nhằm đảm bảo an toàn, nhưng không ít lối đi tự phát do người dân mở ra đã làm gia tăng nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT).

Theo thống kê, dọc tuyến QL56 từ TP.Bà Rịa đến huyện Châu Đức có 62 con hẻm lớn nhỏ. Mặc dù số vụ TNGT trong khu vực này không nhiều, nhưng nguy cơ vẫn rất cao, đặc biệt ở các điểm giao cắt với QL56. Không ít người điều khiển phương tiện thiếu quan sát khi băng qua đường, thậm chí đi ngược chiều mà không nhận thức được sự nguy hiểm. 

Cuối tháng 8/2024, tại hẻm số 11 trên QL56 (đoạn qua xã Hòa Long, TP.Bà Rịa) đã xảy ra một vụ tai nạn khi một người phụ nữ bị hất văng xa, bị thương ở tay, chân và xe máy bị hư hỏng nặng do thiếu quan sát khi chạy tử hẻm ra QL56. Tại hẻm số 8 (ấp Bắc 1, xã Hòa Long), nhiều người cũng không giảm tốc độ, phớt lờ tín hiệu từ các phương tiện khác, cố tình vượt qua khi có xe ô tô đến gần. “Chỉ vì muốn nhanh vài giây, nhiều người đã phải đánh đổi cả mạng sống. Bài học này được nhiều phương tiện thông tin đại chúng nhắc đi nhắc lại nhưng nhiều người vẫn chưa thuộc”, ông Nguyễn Đức Bình (ngụ xã Hòa Long) bày tỏ. 

Trước tình trạng trên, Công an TP.Bà Rịa cũng như lực lượng chức năng các địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền tại các trường học và khu dân cư để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông. Các xã, ấp cũng kiểm tra, đề xuất lắp đặt biển báo và đèn tín hiệu tại các điểm giao của đường dân sinh với các tuyến đường lớn nhằm giảm thiểu tai nạn.

Để thực hiện tốt Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT trong tình hình mới và Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 17/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm, Ban ATGT tỉnh đã phát động chiến dịch kéo dài 45 ngày để kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm.
Trong những ngày đầu ra quân, lực lượng chức năng đã xử lý nhiều trường hợp không đội mũ bảo hiểm, vi phạm nồng độ cồn và một số lỗi khác.

Ông Dương Quang Tấn, Phó chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho hay, phần lớn các vụ TNGT xảy ra tại các điểm giao cắt giữa đường nhánh và đường lớn là do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông. Nhiều người không tuân thủ tín hiệu cảnh báo, không nhường đường cho phương tiện ưu tiên, dẫn đến những vụ tai nạn đáng tiếc.

“Để đảm bảo trật tự ATGT và giảm thiểu nguy cơ tai nạn, Ban ATGT tỉnh phối hợp với Công an tỉnh thường xuyên chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Các cơ quan chức năng cũng kiên quyết ngăn chặn việc mở lối đi tự phát không an toàn”, ông Tấn nhấn mạnh.

Bài, ảnh: VÕ ĐỨC

 
.
.
.