Thắp sáng niềm tin cho người lầm lỗi

Thứ Ba, 03/09/2024, 17:07 [GMT+7]
In bài này
.

Mô hình tái hòa nhập cộng đồng “thắp sáng niềm tin” trên địa bàn xã Bình Ba (huyện Châu Đức) với mục tiêu cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi làm lại cuộc đời, ổn định cuộc sống để trở thành công dân có ích cho xã hội.

Thành viên Ban chỉ đạo thực hiện mô hình “Thắp sáng niềm tin” cho người tái hòa nhập cộng đồng gặp gỡ, giải đáp thắc mắc nhằm hỗ trợ những người từng lầm lỗi tại địa phương ổn định cuộc sống.
Thành viên Ban chỉ đạo thực hiện mô hình “Thắp sáng niềm tin” cho người tái hòa nhập cộng đồng gặp gỡ, giải đáp thắc mắc nhằm hỗ trợ những người từng lầm lỗi tại địa phương ổn định cuộc sống.

Thắp sáng niềm tin

Sau thời gian dài ấp ủ và chuẩn bị, UBND xã Bình Ba vừa ra mắt mô hình tái hòa nhập cộng đồng “Thắp sáng niềm tin” trên địa bàn xã.

Theo Công an xã Bình Ba, địa phương có 2.486 hộ với 10.926 khẩu, hầu hết người dân phát triển kinh tế bằng sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, tình hình an ninh chính trị (ANCT) được giữ vững, trật tự an toàn xã hội (TTATXH), các loại tệ nạn, tội phạm cơ bản được kiểm soát, góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tuy nhiên, một số loại tội phạm về ma túy, đánh bạc, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích... vẫn còn xảy ra. Đặc biệt, tội phạm liên quan đến công nghệ cao có chiều hướng gia tăng.

Hiện trên địa bàn xã có 12 người chấp hành xong án phạt tù, chưa được xóa án tích. Trong đó có 2 người làm công nhân, 3 người kinh doanh dịch vụ tự do và 7 người lao động phổ thông. Nhiều người được hỗ trợ vay vốn, giải quyết việc làm và được các cấp, ngành quan tâm quản lý chặt nên chưa có trường hợp tái phạm tội.

Nhằm nâng cao nhận thức, vai trò của gia đình và xã hội trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng không tái phạm tội và mắc tệ nạn xã hội, địa phương thành lập mô hình “Thắp sáng niềm tin”.

Mô hình nhằm phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ, sự tham gia của tổ chức thành viên với vai trò cầu nối để nắm bắt, truyền tải tâm tư, nguyện vọng của những người có quá khứ lầm lỗi đến cơ quan chức năng. Giới thiệu việc làm, giúp đỡ những người lầm lỗi ổn định cuộc sống, xóa bỏ mặc cảm, tự ti về quá khứ, vươn lên làm lại cuộc đời. Định hướng giúp họ chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và trở thành những người công dân có ích cho xã hội.

Mục tiêu của mô hình phấn đấu hàng năm 100% người tái hòa nhập cộng đồng về cư trú trên địa bàn được tổ chức, cá nhân trực tiếp giám sát, giáo dục, giúp đỡ; 100% người tái hòa nhập cộng đồng có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ dạy nghề, cho vay vốn, tạo việc làm. Kéo giảm tỷ lệ người chấp hành xong án phạt tù tái phạm tội năm sau thấp hơn năm trước và dưới 15%.

Hành động để mô hình hiệu quả, thực chất

Thượng tá Ngô Văn Thúy, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh chia sẻ, mục tiêu cốt lõi của công tác cảm hóa, giáo dục người từng lầm lỗi là tránh kì thị của cộng đồng dân cư và tạo việc làm. Nếu không có việc làm, con đường trở lại vi phạm pháp luật của những người chấp hành xong án phạt tù rất lớn. Để thành lập mô hình “Thắp sáng niềm tin”, các cấp, ngành, địa phương đã bám sát hướng dẫn từ kế hoạch khảo sát, xin chủ trương thành lập cũng như thủ tục liên quan, trở thành mô hình điểm tại xã Bình Ba.

Thượng tá Ngô Văn Thúy đề nghị lãnh đạo các cấp của địa phương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác bảo đảm ANCT - TTATXH với phương châm “xây dựng từng khu phố, thôn ấp an toàn thì mới có xã, phường, huyện và tỉnh an toàn”. Ban chỉ đạo mô hình bám sát công việc được phân công cụ thể của từng ngành. Công an xã tiếp tục bám sát hướng dẫn của Bộ Công an, thường xuyên trao đổi với Công an huyện để nắm chủ trương, cách làm và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có chỉ đạo trong công tác bảo đảm ANCT, TTATXH. 

Thượng tá Nguyễn Văn Phiến, Phó trưởng Công an huyện Châu Đức cũng đề nghị Ban chỉ đạo mô hình “Thắp sáng niềm tin” và địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ cụ thể đã đề ra. Nắm bắt tâm tư, tình cảm, lắng nghe để có hướng giúp đỡ người lầm lỗi vươn lên làm công dân tốt góp phần xây dựng quê hương.

“Mô hình được thành lập là thành công bước đầu. Chúng ta cần phải hành động, thực hiện để mô hình đi vào hiệu quả và thực chất. Ngoài quan tâm, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù, địa phương cần quan tâm cả những người chưa được xóa án tích, tính toán số người được đặc xá sắp tới. Mỗi xã căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế của địa phương để nghiên cứu xây dựng mô hình hỗ trợ người tái hòa nhập cộng đồng của địa phương và phải thực hiện 100% trong năm nay”, Thượng tá Nguyễn Văn Phiến nói.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

 
;
.