Giáo dục pháp luật qua phiên tòa giả định

Chủ Nhật, 29/09/2024, 16:35 [GMT+7]
In bài này
.

Phiên tòa giả định được xem là một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả giúp HS, SV nhận rõ hành vi vi phạm ảnh hưởng đến xã hội, góp phần nâng cao ý thức pháp luật.  

Ban tổ chức giải đáp thắc mắc của HS xoay quanh các quy định của pháp luật về tội “Cố ý gây thương tích”.
Ban tổ chức giải đáp thắc mắc của HS xoay quanh các quy định của pháp luật về tội “Cố ý gây thương tích”.

Phiên tòa giả định do Công an tỉnh phối hợp với Trường THPT Châu Thành (TP.Bà Rịa) và Trường ĐH Văn Lang (TP.Hồ Chí Minh) vừa tổ chức, được xây dựng dựa trên một vụ án có thật từng xảy ra tại Bà Rịa-Vũng Tàu.

Kịch bản đưa ra là do có mâu thuẫn trên mạng xã hội, nam thanh niên lôi kéo thêm 2 thanh niên khác đi giải quyết mâu thuẫn, dùng vũ lực tấn công bị hại. Trong đó, 1 thanh niên dùng dao đâm vào nách sườn phải của bị hại, làm nạn nhân tử vong. Căn cứ tính chất, mức độ, hành vi vi phạm, HĐXX tuyên phạt các bị cáo mức án từ 4-12 năm tù, tương ứng với các tội “Giết người” và “Cố ý gây thương tích”.

Kịch bản chặt chẽ, dễ hiểu, cùng sự nhập vai chân thực của SV Khoa Luật (Trường ĐH Văn Lang) đã giúp HS hiểu rõ hơn quy định của pháp luật, cũng như hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng và tính nghiêm minh của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật mà phiên tòa giả định đề cập. 

“Phiên tòa giả định hay, bổ ích giúp em nhận thấy được các trường hợp thực tế ngoài đời có thể xảy ra để phòng tránh và không gặp phải những tình huống tương tự”, em Lê Hoàng (HS Trường THPT Châu Thành) nói.

Ngoài phiên tòa giả định, Ban tổ chức còn giải đáp câu hỏi của HS, SV xoay quanh các quy định pháp luật về tội “Cố ý gây thương tích” và tội “Giết người” như: độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, hung khí nguy hiểm... cũng như đưa ra những tình huống xảy ra trong thực tiễn đời sống để các em dễ hiểu, nhớ lâu hơn.

TS.Nguyễn Tất Thành, Trưởng bộ môn Luật Hình sự (Trường ĐH Văn Lang) cho biết, dù là phiên tòa giả định, nhưng quy trình, diễn biến diễn ra đúng trình tự thủ tục của Bộ luật Tố tụng hình sự với đầy đủ thành phần tham gia, từ hội đồng xét xử, đại diện viện kiểm sát, thư ký phiên tòa đến bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan… Phiên tòa giúp các em hiểu thêm về diễn biến của một phiên tòa cũng như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hình thành văn hóa ứng xử nhằm góp phần hạn chế các vụ cố ý gây thương tích trên địa bàn, nhất là những vụ án liên quan đến HS, SV. 

Thượng tá Lê Minh Hiếu, Phó Trưởng Phòng Công tác Đảng và Chính trị, Công an tỉnh cho hay, thời gian qua, Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền pháp luật trong Nhân dân với nhiều hình thức đa dạng. Tuy nhiên, hình thức tuyên truyền pháp luật mới thông qua phiên tòa giả định là lần đầu tiên triển khai, thí điểm tại Trường THPT Châu Thành. “Sau khi hình thức này đạt kết quả, chúng tôi sẽ nhân rộng ra nhiều trường”, Thượng tá Lê Minh Hiếu chia sẻ.

Việc tổ chức phiên tòa giả định được xem là cách làm thiết thực, mang lại hiệu quả giáo dục đối với mọi người, nhất là đối tượng thanh, thiếu niên và HS. Từ đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong giới trẻ, góp phần xây dựng xã hội an toàn, lành mạnh, thượng tôn pháp luật.

Bài, ảnh: MẠNH VŨ

 
;
.