Chuyên nghiệp hóa đội ngũ đăng kiểm viên

Chủ Nhật, 15/09/2024, 16:09 [GMT+7]
In bài này
.

Bộ GT-VT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định về cấp mới, cấp lại, tạm đình chỉ, thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên phương tiện giao thông đường bộ.

Bộ GT-VT đề xuất quy định đăng kiểm viên phải tốt nghiệp đại học nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực trong kiểm định xe cơ giới.
Bộ GT-VT đề xuất quy định đăng kiểm viên phải tốt nghiệp đại học nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực trong kiểm định xe cơ giới.

Có 2 loại đăng kiểm viên

Theo dự thảo Thông tư, đăng kiểm viên phương tiện giao thông đường bộ sẽ chia làm 2 loại: Đăng kiểm viên chứng nhận và Đăng kiểm viên kiểm định. Mỗi loại có 2 hạng là đăng kiểm viên thường và đăng kiểm viên bậc cao. Đây là đề xuất mới so với quy định hiện hành, hiện mới chỉ có quy định về đăng kiểm viên kiểm định.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc phân loại 2 đăng kiểm viên chứng nhận và đăng kiểm viên kiểm định để phân biệt giữa đăng kiểm viên phương tiện, phụ tùng mới và đăng kiểm viên phương tiện đang lưu hành.

Chiếu theo nhiệm vụ, khi Thông tư được ban hành, các đăng kiểm viên chứng nhận chủ yếu làm việc tại phòng chất lượng xe cơ giới và các trung tâm như: Trung tâm Thử nghiệm xe cơ giới, Trung tâm Thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (Cục Đăng kiểm Việt Nam). Còn đăng kiểm viên kiểm định sẽ làm nhiệm vụ đăng kiểm xe cơ giới đang lưu hành tại các cơ sở đăng kiểm trên toàn quốc.

Các tiêu chuẩn đăng kiểm viên cần đáp ứng

Theo dự thảo Thông tư, đăng kiểm viên chứng nhận phải đáp ứng yêu cầu: tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật liên quan đến công tác chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới và hoàn thành lớp tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên chứng nhận theo quy định.

Để trở thành đăng kiểm viên chứng nhận bậc cao, cần đủ 3 tiêu chí: Có chứng chỉ đăng kiểm viên chứng nhận tối thiểu 36 tháng còn hiệu lực. Đồng thời, phải tham gia, xây dựng một trong các nội dung công việc: tài liệu tập huấn, giảng dạy, hướng dẫn, đánh giá đăng kiểm viên; văn bản quy phạm pháp luật; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đề tài nghiên cứu khoa học, quy trình, hướng dẫn, nghiệp vụ liên quan đến công tác chứng nhận xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới. Hoàn thành lớp tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên chứng nhận bậc cao theo quy định.

Đối với đăng kiểm viên kiểm định, Bộ GT-VT đề xuất phải tốt nghiệp đại học ngành kỹ thuật cơ khí liên quan đến công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; hoàn thành lớp tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên kiểm định theo quy định; có giấy phép lái xe ô tô còn hiệu lực. Đồng thời phải có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ kiểm định. Trường hợp học viên đã có kinh nghiệm thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa ô tô tại các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận, có tổng thời gian làm việc cộng dồn từ 12-24 tháng thì thời gian thực tập là 6 tháng, trên 24 tháng thì thời gian thực tập là 3 tháng.

Để trở thành đăng kiểm viên kiểm định bậc cao, phải đáp ứng 2 tiêu chí: Có chứng chỉ đăng kiểm viên kiểm định tối thiểu 36 tháng còn hiệu lực và hoàn thành lớp tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên kiểm định bậc cao theo quy định. Một chuyên gia giao thông cũng cho rằng, khi phương tiện cơ giới ngày càng hiện đại, đăng kiểm viên phải đọc hiểu được tài liệu và vận hành được các trang thiết bị, dây chuyền kiểm định ngày càng hiện đại theo hướng tự động hóa thời gian tới. Do đó, cần thiết phải quy định điều kiện chuyên môn trình độ đại học đối với các đăng kiểm viên để đảm bảo chất lượng đội ngũ cao, đồng đều.

Ngoài ra, bổ sung quy định đăng kiểm viên phải có giấy phép lái xe còn hiệu lực để phù hợp với quy định tại dự thảo Thông tư quy định trình tự, thủ tục kiểm định, miễn kiểm định lần đầu, cải tạo xe cơ giới, xe máy chuyên dùng về việc đăng kiểm viên là người điều khiển phương tiện vào dây chuyền thực hiện kiểm định.

CHƯƠNG NGUYỄN (Tổng hợp)

;
.