Nhận tiền chuyển khoản nhầm từ người khác mà người nhận cố tình không trả lại có thể bị xử phạt hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cơ quan CSĐT-Công an TX.Phú Mỹ tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với N.T.L. (SN 1973, trú tỉnh Quảng Ninh) về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản. |
Nan giải đòi tiền chuyển nhầm
Chị N.T.H.Y. (trú TP.Vũng Tàu) cho biết, tháng 9/2023, khi đóng học cho con thì chuyển nhầm gần 7 triệu đồng do số tài khoản giống nhau nhưng chỉ khác ngân hàng. Chuyển xong, chị Y. mới phát hiện chuyển nhầm nên đã trình báo công an và ngân hàng. Đồng thời, nhắn tin qua tài khoản của người nhận chuyển nhầm nhưng đến nay, chị Y. vẫn chưa nhận lại được số tiền kể trên.
Thực tế cho thấy, việc vô ý chuyển nhầm tiền cho người khác từ vài triệu đến hàng tỷ đồng đã thường xuyên xảy ra. Có người nhận sẽ rất hợp tác, chuyển trả hoặc thông báo tiền chuyển nhầm để ngân hàng xử lý, hoặc báo ngay đến cơ quan công an. Nhưng cũng có trường hợp cố tình chiếm hữu.
Đơn cử, ngày 22/7, Cơ quan CSĐT-Công an TX.Phú Mỹ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với N.T.L. (SN 1973, trú tỉnh Quảng Ninh) về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản. Theo hồ sơ vụ án, ngày 21/10/2023, ông N.V.A. (SN 1986, trú TX.Phú Mỹ) sử dụng smart banking của ngân hàng BIDV chuyển nhầm 3 lần đến tài khoản cá nhân của ông L. với tổng số tiền 484 triệu đồng.
Sau đó, ông A. liên hệ với ông L. đề nghị nhận lại số tiền chuyển nhầm nhưng không được hồi đáp. Dù biết số tiền trên do người khác chuyển nhầm nhưng ông L. không liên hệ với ngân hàng hay chính quyền địa phương trả lại tài sản mà dùng hết số tiền đó để trả nợ và tiêu xài cá nhân. Ông A. đã đến Công an TX.Phú Mỹ trình báo.
Có thể bị xử lý hình sự
Theo luật sư Nguyễn Văn Cảnh, Giám đốc Công ty TNHH Luật Nguyễn Cảnh: Điều 579 đến 583, Bộ luật Dân sự 2015 quy định, khi nhận được khoản tiền do người khác chuyển nhầm vào tài khoản thì người nhận có nghĩa vụ hoàn trả toàn bộ tài sản thu được. Nếu không xác định được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì cần phải giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, trường hợp người nhận tiền chuyển nhầm cố tình không hoàn trả lại tiền, vẫn rút ra và sử dụng, thì đó là hành vi trái pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định.
Cụ thể: Điều 15, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021, của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội nêu rõ: "Hành vi chiếm giữ tài sản của người khác sẽ bị xử phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng và buộc phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép".
Ngoài ra, tại điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định về tội "Chiếm giữ trái phép tài sản" như sau: Nếu tài sản trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc dưới 10 triệu đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia thì bị phạt tù từ 1-5 năm.
Bài, ảnh: TRÍ NHÂN