.

Bộc lộ nhiều bất cập khi kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông qua VNEID

Cập nhật: 16:48, 14/07/2024 (GMT+7)

Sau hơn một tuần triển khai thực hiện quy định mới về kiểm tra giấy tờ của người tham gia giao thông qua ứng dụng VneID, nhiều người vi phạm vẫn lúng túng vì chưa biết, thậm chí quên mật khẩu.

Lực lượng CSGT Công an TP.Vũng Tàu giải thích với người dân về quy định cài đặt, kiểm tra giấy tờ của người tham gia giao thông qua ứng dụng VNeID.
Lực lượng CSGT Công an TP.Vũng Tàu giải thích với người dân về quy định cài đặt, kiểm tra giấy tờ của người tham gia giao thông qua ứng dụng VNeID.

Chưa cài đặt VneID, quên mật khẩu

Trung tá Kiều Minh Tuyên, Đội CSGT-Trật tự Công an TP.Vũng Tàu cho biết, việc tích hợp các loại giấy tờ lên VNeID mang lại nhiều tiện ích so với bản giấy. Theo đó, khi làm thủ tục xử lý, người vi phạm chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, không phải đi lại như trước. Việc nộp phạt cũng diễn ra trên môi trường điện tử, sau đó ứng dụng sẽ gỡ bỏ thông báo về việc tạm giữ giấy tờ, rất thuận lợi cho người dân.

Dù vậy, theo ghi nhận của phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu trong những ngày đầu triển khai, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm qua hình thức này còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều người vi phạm quên mật khẩu đăng nhập tài khoản định danh, hoặc vẫn quen sử dụng giấy tờ vật lý (bản cứng).

Tối 12/7, tại chốt kiểm tra nồng độ cồn Hoàng Hoa Thám-Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông Rạng (phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu) vi phạm điều khiển xe máy khi có nồng độ cồn. Khi được yêu cầu xuất trình giấy tờ qua VNeID, ông Rạng không biết đó là gì. Sau khi được giải thích, ông mới thừa nhận: “Tôi có nghe thông tin này trên báo, đài, nhưng vì lớn tuổi, không rành công nghệ nên cũng chẳng biết cài như thế nào. Tôi sẽ nhờ con cài giúp”.

Ông Ngọc Anh (phường 3, TP.Vũng Tàu) cũng vi phạm nồng độ cồn. Ông đã sử dụng ứng dụng VNeID để tích hợp 2 loại giấy tờ, nhưng lúc kiểm tra lại quên mật khẩu nên không thể xuất trình. Do đó, ngoài vi phạm nồng độ cồn, ông còn bị phạt thêm lỗi không có GPLX và giấy đăng ký xe.

Khuyến khích dùng ứng dụng VNeID
Theo đại diện Cục CSGT, từ ngày 1/7, với các trường hợp tài xế xuất trình giấy tờ vật lý, lực lượng chức năng vẫn tiến hành kiểm tra thông tin về giấy tờ đó trên trang web tra cứu. Việc này nhằm phát hiện giấy tờ đó đã bị xử lý, có đang bị tạm giữ hay tước ở địa điểm khác hay không. Khi đó, tài xế nếu bị tạm giữ giấy tờ trên môi trường điện tử nhưng vẫn trình giấy tờ vật lý thì sẽ không có giá trị.
Việc kiểm tra và xử lý giấy tờ trên môi trường điện tử còn giúp phát hiện, ngăn chặn tình trạng người vi phạm sử dụng bằng lái xe, giấy đăng ký xe giả. Do đó, cơ quan chức năng đề nghị tài xế nên sử dụng ứng dụng VNeID đã tích hợp đầy đủ các loại giấy tờ trên môi trường điện tử.
Việc kiểm tra thực hiện theo quy định tại Thông tư 28/2024/TT-BCA. Các loại giấy tờ liên quan đến người và phương tiện giao thông như giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định, giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, nếu đã được tích hợp trong căn cước điện tử hoặc tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID, sẽ được kiểm tra thông qua hệ thống này. Trong thời gian này vẫn chưa bắt buộc chỉ kiểm tra giấy tờ trên VneID mà vẫn còn kiểm tra cả giấy tờ vật lý.

 

Nhận diện những khó khăn

Quá trình triển khai, lực lượng chức năng đã ghi nhận nhiều trường hợp chưa đồng bộ giấy tờ xe và thông tin cá nhân lên hệ thống điện tử. Nhiều người dân chưa có thói quen xuất trình giấy tờ trên VNeID mà vẫn sử dụng giấy tờ vật lý.

Ông Nguyễn Văn Năm (phường 3, TP.Vũng Tàu) cho biết: “Tôi có nghe thông tin về việc kiểm tra  giấy tờ qua VNeID, nhưng không rành về công nghệ nên chưa cài đặt. Thời gian mở ứng dụng và đăng nhập còn lâu hơn là móc bóp đưa giấy tờ cho CSGT kiểm tra”.

Một cán bộ Đội CSGT Công an TP.Bà Rịa làm nhiệm vụ tại TP.Vũng Tàu trong đêm 12/7 cho biết, quá trình làm nhiệm vụ, anh em rất cố gắng, sẵn sàng hỗ trợ người dân, hướng dẫn đăng nhập. Tuy nhiên, nhiều người quên mật khẩu, còn lại đa phần chưa nâng cấp tài khoản định danh điện tử lên mức độ 2. 

Bên cạnh đó, những bất cập khác cần sớm xử lý, chẳng hạn như tại địa điểm đóng chốt, sóng 4G không ổn định, khiến việc truy cập, cập nhật dữ liệu bị gián đoạn. Khi lực lượng chức năng lập biên bản và tạm giữ bằng lái trên không gian mạng, do mạng 4G yếu không thể tra cứu người điều khiển phương tiện có bị giữ bằng lái trước đó hay không. Để khắc phục, tổ công tác trên đường phải chụp hình lại và ghi nội dung trong biên bản. Do đó, hệ thống máy chủ cần phải được thiết kế đủ mạnh để xử lý lượng lớn yêu cầu từ người dùng và CSGT mà không bị quá tải.

Mặt khác, dù đã cài VNeID, nhưng nếu điều khiển xe không chính chủ, người lái xe vẫn phải xuất trình giấy tờ bản giấy. Anh Minh Tài (phường 4, TP.Vũng Tàu), một tài xế lái xe dịch vụ cho biết đã tích hợp GPLX lên VNeID nhưng giấy tờ xe lại thuộc chủ sở hữu phương tiện. Vì vậy, khi CSGT kiểm tra, anh vẫn phải xuất trình giấy tờ bản giấy.

Trục trặc khi tích hợp, phải làm gì?
Đối với việc một số người dân gặp trục trặc khi tích hợp bằng lái xe lên VNeID, đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) giải thích, những người có GPLX bản giấy (được cấp từ tháng 7/2012 trở về trước) chưa thể đồng bộ với dữ liệu quốc gia về dân cư.
Lý do là, giấy tờ đó chưa có đầy đủ thông tin về căn cước công dân với mã định danh 12 số, mà chỉ chứa thông tin về số chứng minh nhân dân 9 số. Để thuận lợi trong việc tích hợp thông tin, Cục C06 khuyến cáo người dân nên đến Sở GT-VT nơi cư trú để làm thủ tục đổi từ GPLX bản giấy sang loại mới (vật liệu PET). Đồng thời, người dân cần cập nhật thêm số căn cước công dân (12 số) vào GPLX để dễ dàng xác thực thông tin với VNeID. 

Còn nhiều khó khăn phát sinh khác như trẻ từ 16-18 tuổi đi xe điện, xe máy dưới 50cc nhưng chủ xe là ba mẹ, hoặc điện thoại không được mang đến trường, không đăng ký 4G... Hơn nữa, việc xử phạt, tạm giữ giấy tờ online khá thuận tiện ở khu vực thành thị, đồng bằng, nhưng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì khó khăn hơn do sóng điện thoại và đường truyền không ổn định.

Việc nhận diện và xử lý các khó khăn này một cách hiệu quả là cần thiết để đảm bảo thành công của việc triển khai Thông tư số 28/2024 và tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra giấy tờ giao thông thông qua VNeID.

Bài, ảnh: SA HUỲNH

 
.
.
.