Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy từ vỏ lãi
Theo Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh)-một trong những thực trạng đáng báo động về ATGT đường thủy hiện nay đó là tình trạng người dân sử dụng vỏ lãi ngày càng nhiều. Từ 5-10 chiếc lúc đầu đến nay số lượng đã tăng lên khoảng 600 chiếc. Vỏ lãi có thể chạy tốc độ như ca nô từ 30 km/h, thậm chí có thể lên đến 60 km/h, tùy theo động cơ người điều khiển sử dụng. Tuy nhiên, đa số vỏ lãi hoạt động trong tình trạng “4 không”: không đăng ký, không đăng kiểm, không trang bị các thiết bị an toàn cho người và phương tiện, người lái không giấy phép điều khiển, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi giao thông đường thủy.
Người điều khiển phương tiện vỏ lãi không trang bị áo phao. Trong ảnh: Hoạt động của các vỏ lãi trên bè hàu Long Sơn (TP.Vũng Tàu). |
Theo quy định, vỏ lãi là loại phương tiện thuộc trường hợp phải đăng kiểm theo Thông tư 48 ngày 22/9/2015 của Bộ GT-VT về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa. Tuy nhiên, đa số người dân thường mua vỏ lãi tại các cơ sở, DN ở miền Tây, sau đó mua động cơ trôi nổi trên thị trường để lắp trên phương tiện nên không có đầy đủ giấy tờ để đăng ký, đăng kiểm theo quy định. Đội Cảnh sát đường thủy thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, qua công tác tuần tra kiểm soát Phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy phát hiện, đa số các phương tiện này đều không được cơ quan đăng kiểm cấp phép, không đủ điều kiện để hoạt động. Tuy nhiên, do chưa có đăng ký đăng kiểm nên lực lượng CSGT đường thủy khó có căn cứ để xử phạt (khi xử phạt phải căn cứ vào trọng tải, công suất máy), nên chỉ mới dừng lại ở hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người điều khiển phương tiện vỏ lãi trong việc chấp hành pháp luật về giao thông đường thủy nội địa.
Vướng mắc trong công tác quản lý loại phương tiện vỏ lãi đã tồn tại từ nhiều năm nay, nhưng hiện vẫn chưa thể tháo gỡ. Do đó, Sở GT-VT cần thực hiện việc phân cấp quản lý phương tiện nhỏ gắn máy công suất lớn về cho các địa phương, để địa phương thực hiện xác nhận đặc điểm hình dáng, số hiệu máy gắn với tên của người sở hữu. Về phía đăng kiểm thì xem xét việc đăng kiểm thiết kế định hình sản phẩm công nghiệp có phù hợp với động cơ được sử dụng hay không, làm cơ sở để Phòng CSGT đường thủy thực hiện việc kiểm tra. Cùng đó, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp tổ chức các lớp đào tạo cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.
TRÀ NGÂN