Lên Facebook thấy có người nhờ chủ kênh youtube P.B.TV. giải cứu nạn nhân bị lừa sang nước ngoài, Nguyễn Quốc Cương mạo danh chủ kênh rồi đưa thông tin gian dối, lừa đảo chiếm đoạt 160 triệu đồng của gia đình nạn nhân.
Nguyễn Quốc Cương và phương tiện dùng để thực hiện vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền. (Ảnh: Công an cung cấp) |
Nảy ý định lừa đảo khi nhìn thấy tin nhắn nhờ giải cứu
Khoảng tháng 9/2023, P.N.H. (SN 2006, ngụ xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) bị đối tượng trên mạng xã hội lừa sang nước ngoài làm việc trong một công ty lừa đảo. Sau đó, các đối tượng tại nước này yêu cầu gia đình bà N.T.L. (SN 1979, mẹ của H.) chuyển 360 triệu đồng để chuộc con về.
Vài tháng sau, H. nhắn tin qua zalo về cho gia đình nhờ liên hệ với số điện thoại 0921766xxx của P.B. (người thường đăng các video giải cứu người Việt Nam bị lừa sang Campuchia lên kênh youtube và Facebook) để nhờ người này giải cứu đưa H. về nước.
Nóng lòng cứu con, bà L. gọi điện vào số 0921766xxx thì gặp người tự xưng là P.B., chủ kênh youtube P.B.TV., có đội hỗ trợ giúp giải cứu người về Việt Nam. Người này yêu cầu bà L. kết bạn zalo để trao đổi các thông tin và cách thức để giải cứu H. Khi bà L. cho biết mới lo được 160 triệu đồng thì người này hứa sẽ cho gia đình bà ứng trước số tiền còn thiếu để chuộc con về Việt Nam. Tiếp đó, người này gửi cho bà L. số tài khoản ngân hàng và yêu cầu chuyển tiền.
Thấy tên tài khoản ngân hàng trùng với tên của chủ kênh youtube P.B.TV. nên bà L. đã nhờ người chuyển 160 triệu đồng theo yêu cầu của đối tượng. Thậm chí, đối tượng còn nhắn tin xác nhận đã nhận được tiền và gửi cho bà L. hình ảnh hóa đơn thể hiện việc đã chuyển 250 triệu đồng vào số tài khoản người của đội hỗ trợ giải cứu tại nước ngoài.
Sau vài ngày không thấy con trở về, bà L. truy hỏi thì đối tượng viện cớ ngân hàng bị lỗi mạng; tài khoản ngân hàng hết hạn mức nên chưa chuyển số tiền còn lại cho đội hỗ trợ... Những ngày tiếp theo, bà L. tiếp tục nhắn tin, gọi điện thúc giục việc giải cứu H. thì đối tượng tìm cớ trốn tránh và chặn mọi liên lạc.
Nghi ngờ, bà L. liên hệ với chủ kênh youtube P.B.TV. thì được xác nhận kênh này không sử dụng số điện thoại và tài khoản ngân hàng nói trên. Biết bị lừa, ngày 30/3, bà L. trình báo sự việc tới công an.
Đối tượng lừa đảo lộ diện
Tiếp nhận tin báo, Cơ quan CSĐT Công an huyện Châu Đức phối hợp với Công an xã Nghĩa Thành, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05-Công an tỉnh) tiến hành rà soát đối tượng gây án. Qua điều tra xác minh, Cơ quan CSĐT phát hiện đối tượng nghi vấn thực hiện vụ lừa đảo là Nguyễn Quốc Cương (SN 1994, ngụ TT.Nhà Bè, huyện Nhà Bè, TP.Hồ Chí Minh).
Bị công an kiểm tra và triệu tập làm việc, Cương thừa nhận hành vi lừa đảo tiền của bà L. Theo đó, Cương là đối tượng không có nghề nghiệp ổn định và nơi cư trú rõ ràng. Ngày 25/11/2023, Cương vào trang facebook P.B.TV. đọc bình luận của những người có người nhà bị lừa sang nước ngoài làm việc. Thấy tài khoản facebook P.H. bình luận nhờ giải cứu người tại nước ngoài về nên Cương nhắn tin cho P.H. và sau đó trao đổi số điện thoại, zalo với gia đình bà L. để bàn cách thức giải cứu nạn nhân. Để bà L. “dính bẫy”, Cương còn hối thúc bà L. gửi thông tin cá nhân của H. để gửi sang cho đội hỗ trợ tại nước ngoài để giải cứu nạn nhân về ngay trong ngày. Sau khi chiếm đoạt được tiền của bà L. Cương rút ra tiêu xài.
Quá trình bị công an tạm giữ để điều tra, Cương phối hợp với gia đình đã nộp 100 triệu đồng để khắc phục hậu quả số tiền lừa đảo chiếm đoạt đối với bà L. Hiện Công an huyện Châu Đức ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Quyết định khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với Nguyễn Quốc Cương 3 tháng để tiếp tục điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Khoản 2, Điều 174, Bộ luật Hình sự.
Qua vụ việc trên, Công an huyện Châu Đức khuyến cáo, nếu gia đình có người thân bị lừa sang nước ngoài thì cần trình báo ngay cho cơ quan công an. Tuyệt đối không nên tin, nghe theo các đối tượng không quen biết trên mạng xã hội hứa hẹn chuyển tiền “giải cứu” để tránh bị lừa đảo.
Bài, ảnh: MẠNH QUÂN