Nhiều cây xanh đô thị bị bức tử
Cơ quan chức năng của TP.Vũng Tàu vừa “giải cứu” thành công 2 cây bàng Đài Loan loại 2 có tuổi đời hơn 10 năm tuổi có dấu hiệu bị phá hoại, tiềm ẩn nguy cơ gãy đổ rất cao. Điều đáng nói không chỉ vụ việc này, mà khoảng 3 năm trở lại đây, số lượng cây xanh trên địa bàn thành phố có dấu hiệu bị “bức tử” ngày một nhiều hơn.
Lực lượng chức năng của TP. Vũng Tàu ghi nhận hiện trạng 2 cây xanh đô thị có dấu hiệu bị "bức tử" ở tuyến đường Hoàng Lê Kha, phường 8. |
Nhiều cây xanh bị xâm hại
Ngày 11/3, UBND phường 8 và Công ty CP Phát triển công viên cây xanh và đô thị Vũng Tàu (UPC) phát hiện có 1 cây xanh đô thị, chủng loại cây bàng Đài Loan, loại 2 hơn 10 năm tuổi được trồng trên vỉa hè đường Hoàng Lê Kha (bên hông nhà số G8 Khu Phương Nam) có dấu hiệu bị tác động, đục khoét 13 lỗ ở gốc cây, rụng 1 phần lá.
Khi vụ việc chưa được xác minh làm rõ thì liên tiếp sau đó, đến ngày 4/4, cơ quan chức năng lại phát hiện 1 cây bàng Đài Loan cách cây trên chỉ vài mét có dấu hiệu bị tác động tương tự. Tại hiện trường, lực lượng chức năng ghi nhận 2 cây xanh trên có hơn 25 lỗ khoan tròn ở gốc cây; gạch vỉa hè quanh gốc có dấu hiệu bị bung lên. Điều đáng lo 2 cây xanh đều có dấu hiệu nghiêng ngả, tiềm ẩn nguy cơ ngã đổ.
Quá trình xác minh, cơ quan chức năng tìm ra người tác động đến 2 cây bàng Đài Loan là ông Đ.S.B. Trong biên bản làm việc, ông B. thừa nhận đã dùng khoan đục vào các cây xanh. Theo ông B., năm 2014, gia đình ông đã trồng 2 cây bàng Đài Loan này, đến nay, nhận thấy cây ăn rễ mạnh lan sang tường cũng như lên phần vỉa hè nên ông khoan lỗ quanh gốc nhằm mục đích để cây chết và thay thế bằng loại cây khác.
Ông Trần Minh Đức, Chủ tịch UBND phường 8 cho biết, chính quyền địa phương rất bức xúc trước tình trạng người dân tự ý hủy hoại cây xanh đô thị. Trước đó, trên địa bàn phường từng ghi nhận 1 trường hợp cây xanh có dấu hiệu bị “bức tử”, cây chết và không tìm ra người phá hoại. “Quan điểm của chính quyền địa phương là phối hợp cùng lực lượng Công an, đô thị, cơ quan, đơn vị liên quan xác minh làm rõ, lập biên bản vi phạm hành chính, xử lý theo quy định đối với các trường hợp tự ý hủy hoại cây xanh đô thị”, ông Đức nói.
Theo ông Nguyễn Hồng Dương, Trưởng Phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, Công ty UPC, cây xanh là “lá phổi” của thành phố, tạo cảnh quan, không gian xanh cho đô thị. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực trồng cây của các tổ chức, cá nhân, vẫn còn nhiều cây xanh bị “bức tử”. Trong 3 năm trở lại đây đã có hơn 20 cây xanh có dấu hiệu bị “bức tử”. Điều đáng nói là hầu hết các vụ việc đều không tìm ra được thủ phạm.
Theo thống kê của Công ty UPC, đến nay, toàn thành phố có hơn 50 ngàn cây xanh, chủ yếu là các loại cây như sao đen, dầu, lim xẹt, me tây… với độ tuổi từ 2 đến gần 100 năm. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, ở các tuyến phố sầm uất, những vụ việc cây xanh có tuổi đời từ vài năm đến hàng chục năm, tồn tại qua nhiều biến cố “bỗng dưng” trút lá rồi chết khô có dấu hiệu ngày một nhiều hơn, gây bức xúc trong dư luận. Những cây xanh có dấu hiệu bị “bức tử” được ghi nhận trong thời gian qua tập trung nhiều ở khu vực phường 8, 9, 12, khu đô thị Chí Linh.
|
Ngăn chặn vấn nạn “bức tử” cây xanh
Về mục đích và phương thức “bức tử” cây xanh, ông Dương cho biết thêm: Các cây xanh có dấu hiệu bị “bức tử” chủ yếu ở các vị trí như trước nhà người dân, công ty, cửa hàng, cây ảnh hưởng lối đi, tán cây che khuất nhà, bảng hiệu. Cây xanh bị tác động bằng nhiều cách thức như khoan lỗ ở thân cây, đổ dầu luyn làm cho cây không hút được nước hoặc đổ nước muối, dầu mỡ thải, nước axít pha loãng, khiến cho cây chết dần, chết mòn hay thậm chí là đổ thẳng bê tông quanh gốc... để cây xanh chết đi, bị nhổ bỏ hoặc thay thế bằng loại cây khác.
"Khi người dân nhận thấy cây xanh có dấu hiệu ảnh hưởng đến đô thị, giao thông không phù hợp với vị trí hoặc nghiêng đổ, bật gốc, tán cây che khuất tầm nhìn… theo quy trình, người dân cần liên lạc đến UBND xã, phường đề xuất UBND thành phố, cơ quan, đơn vị liên quan có phương án xử lý phù hợp. Người dân tuyệt đối không được tự ý tác động đến cây xanh, vì điều này tiềm ẩn nguy hiểm đến giao thông, an toàn tính mạng, tài sản của người dân xung quanh. Cùng với đó, công ty cũng bố trí các bảng thông báo, số điện thoại đường dây nóng tại các cây xanh có dấu hiệu bị tác động để người dân kịp thời phát hiện, tố giác những hành vi vi phạm", ông Dương nói.
Để ngăn chặn tình trạng trên, UBND TP. Vũng Tàu đã có các văn bản đề nghị Công an thành phố chủ trì phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan điều tra, xác minh các đối tượng phá hoại, chặt hạ cây xanh chưa được cấp phép, xử lý hành vi vi phạm theo quy định; đồng thời, yêu cầu chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền rộng rãi để ngăn chặn kịp thời những hành vi phá hoại cây xanh, bảo vệ tài sản nhà nước.
Thiết nghĩ, bên cạnh nỗ lực của các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị liên quan, để đẩy lùi vấn nạn này còn cần đến ý thức, trách nhiệm của mỗi một người dân để chung tay bảo vệ "lá phổi xanh" của thành phố.
Bài, ảnh: BẢO KHÁNH