Phối hợp bảo đảm ANTT giữa các địa phương
Thời gian qua, công an 7 tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong công tác bảo đảm ANTT, góp phần ngăn chặn các loại tội phạm, nhất là trong việc xác minh, điều tra, truy bắt tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Tang vật ma túy được lực lượng Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Công an TP.Hồ Chí Minh khám xét thu giữ trong vụ mua bán trái phép chất ma túy do Võ Trung Hồng (SN 1972, thường trú huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh) cùng đồng phạm thực hiện. |
Thường xuyên trao đổi thông tin
Theo Đại tá Bùi Văn Thảo, Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (đơn vị Cụm trưởng), thực hiện quy chế phối hợp 303/QCPH ngày 29/10/2020, về bảo đảm ANTT địa bàn giáp ranh giữa 7 tỉnh, thành phố, gồm: TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, các địa phương huy động sự tham gia tích cực của hệ thống chính trị, Nhân dân địa phương trong công tác này.
Cụ thể, công an các địa phương trong cụm đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Công an, tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố tập trung thực hiện tốt chức năng tham mưu; phối hợp chặt chẽ với cơ quan, ban ngành, địa phương, phát huy vai trò nòng cốt, triển khai quyết liệt nhiều kế hoạch, phương án đấu tranh, ngăn chặn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Đồng thời tấn công, trấn áp các loại tội phạm, giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ.
Đơn cử, Công an huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) và Công an huyện Long Thành, Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai) thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp 50 lượt tuần tra, kiểm soát tại các khu vực giáp ranh. Công an phường Mỹ Xuân (TX.Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phối hợp với xã Phước Bình, Phước Thái (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) tuyên truyền vận động Nhân dân bảo đảm ANTT, an toàn đô thị…
Lực lượng công an còn tổ chức diễn tập, thực tập phương án, kế hoạch xử lý tốt những tình huống về ANTT xảy ra trong thực tế như: diễn tập khu vực phòng thủ phương án A2 và xử lý các tình huống cấp bách phức tạp khi xảy ra vụ án nghiêm trọng xâm phạm trật tự xã hội, thực tập phương án phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ...
Tại địa bàn giáp ranh, cấp huyện, xã ký kết quy chế, kế hoạch phối hợp hình thành cơ chế, sẵn sàng hiệp đồng tác chiến khi có yêu cầu. Trong công tác phòng, chống tội phạm, Công an 7 tỉnh, thành đã tăng cường trao đổi thông tin, thông báo tình hình, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm, tình hình nổi lên tại các địa bàn giáp ranh, nhất là thông tin về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội hoạt động lưu động chủ yếu là: trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản, tệ nạn xã hội, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng…
Quá trình thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, Công an 7 tỉnh, thành đã trao đổi 1.251 lượt thông tin có giá trị về ổ nhóm tội phạm, đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy hoạt động trên địa bàn giáp ranh. Đồng thời, thường xuyên trao đổi thông tin về đối tượng từ các tỉnh, thành giáp ranh đến địa phương gây án bị bắt giữ để phối hợp đề ra giải pháp phòng ngừa, đấu tranh và điều tra mở rộng, giải quyết triệt để vụ án.
Năm 2023, tại 7 tỉnh, thành phố xảy ra 14.520 vụ phạm tội về trật tự xã hội. Cơ quan công an đã điều tra làm rõ 10.105 vụ, với 12.467 đối tượng. Phối hợp xác minh điều tra 1.267 vụ án, chủ yếu ở tội phạm trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cướp tài sản, cướp giật tài sản, giết người. Phát hiện, xử lý 1.372 vụ vi phạm pháp luật về kinh tế, chức vụ, tham nhũng… So với năm 2022, các địa phương đã kéo giảm tội phạm về trật tự xã hội. Trong đó, các địa phương đạt và vượt chỉ tiêu điều tra khám phá gồm Bà Rịa-Vũng Tàu (81,16%), Bình Dương (87,12%), Tây Ninh (87,66%), Long An (87,31%)… |
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ
Trong thời gian tới, dự báo tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức, kéo theo đó là hoạt động của các loại tội phạm sẽ gia tăng và phức tạp hơn, nhất là tội phạm liên quan "tín dụng đen", lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm đường phố như: cướp, cướp giật, đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng và hiện nay các đối tượng phạm tội đang có xu hướng chuyển từ tội phạm "truyền thống" sang "phi truyền thống" với các thủ đoạn tinh vi, phức tạp...
Do đó, năm 2024, Công an 7 tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác bảo đảm ANTT nhằm kịp thời phát hiện, triệt phá các loại tội phạm lợi dụng địa bàn giáp ranh ẩn náu, hoạt động, phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng, băng, ổ, nhóm hoạt động tại các tụ điểm phức tạp về tệ nạn xã hội.
Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công nêu rõ, trong công tác bảo đảm ANTT tại 7 tỉnh, thành nói chung, việc thực hiện Quy chế 303 nói riêng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đơn cử như, các đơn vị chưa thường xuyên giao ban, sơ kết định kỳ trong năm hoặc gặp gỡ trao đổi nghiệp vụ liên quan đến việc triển khai quy chế; tình hình tội phạm còn nhiều diễn biến phức tạp…
“Công an 7 tỉnh, thành phải sớm nhận diện các nguy cơ, thách thức, khó khăn đang đặt ra để từ đó chủ động, kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai phương án, kế hoạch ứng phó, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống phức tạp về ANTT có thể xảy ra từ sớm, từ xa và ngay từ cơ sở”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.
Bài, ảnh: TRÍ NHÂN