Không để phát sinh vụ việc bồi thường nhà nước

Thứ Sáu, 15/09/2023, 19:40 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai hiệu quả Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước (TNBTCNN) năm 2017, góp phần tác động tích cực tới đời sống kinh tế - xã hội và nhận thức, ý thức trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

Đẩy mạnh tuyên truyền Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước giúp cán bộ, công chức nâng cao trách nhiệm của mình. Trong ảnh: cán bộ, công chức Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Châu Đức trong giờ làm việc
Đẩy mạnh tuyên truyền Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước giúp cán bộ, công chức nâng cao trách nhiệm của mình. Trong ảnh: cán bộ, công chức Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Châu Đức trong giờ làm việc

Chú trọng tuyên truyền 

Từ khi Luật TNBTCNN có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh tổ chức 9 hội nghị triển khai thi hành Luật và 2 đợt tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu nghiệp vụ về tham mưu, giải quyết bồi thường của Nhà nước cho cán bộ lãnh đạo và người làm công tác tham mưu về công tác này từ cấp tỉnh đến xã.

Đặc biệt, tỉnh triển khai thực hiện nghiêm nội dung Thông tư số 08/2019/TT-BTP và Thông tư số 09/2019/TT-BTP ngày 10/12/2019 của Bộ Tư pháp quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý về công tác bồi thường nhà nước.

Theo ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, hàng năm, UBND tỉnh đều chỉ đạo Sở Tư pháp chủ động ban hành kế hoạch và tổ chức kiểm tra công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn.

Qua công tác kiểm tra, 5 năm qua, tỉnh chưa phát hiện có vụ việc bồi thường nhà nước mà không xử lý theo quy định. Trên địa bàn tỉnh cũng không có trường hợp tổ chức, cá nhân yêu cầu bồi thường nhà nước nên không có kiến nghị trong việc giải quyết bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả theo quy định của pháp luật. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn tỉnh không tiếp nhận đơn đề nghị hướng dẫn xác định về thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước, căn cứ để yêu cầu giải quyết bồi thường nhà nước. 

Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp 

Theo UBND tỉnh, để có được kết quả trên, những năm qua, cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường quản lý nhà nước về công tác bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN và triển khai thực hiện công tác bồi thường của nhà nước theo nội dung kế hoạch đề ra.

Nhờ đó, Luật TNBTCNN tác động tích cực tới đời sống kinh tế - xã hội và nhận thức, ý thức trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Qua đó, bảo đảm tính răn đe, tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức và lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong thực thi công vụ. Chưa để xảy ra những sai phạm trong thi hành công vụ làm phát sinh TNBTCNN, không phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, địa phương thực hiện công tác phối hợp trong tham mưu, giải quyết bồi thường nhà nước đúng thời gian, bảo đảm nội dung theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu bồi thường nhà nước của cá nhân, tổ chức. Đối với những trường hợp phải xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, được các cơ quan chuyên môn quan tâm, bám sát nhiệm vụ và nhận được sự chỉ đạo, hướng dẫn của kịp thời từ bộ, ngành liên quan. Lãnh đạo tỉnh cũng quyết tâm không để phát sinh các vụ việc bồi thường Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Sở Tư pháp, công tác triển khai thi hành Luật cũng có khó khăn, vướng mắc nhất định. Cụ thể, cán bộ, công chức làm công tác bồi thường nhà nước ở các cơ quan, đơn vị, địa phương hiện đều kiêm nhiệm và chưa có kinh nghiệm trong giải quyết bồi thường nhà nước nên gặp hạn chế trong quá trình thực hiện cũng như công tác tham mưu. Quy định của pháp luật trong các lĩnh vực chuyên ngành liên quan như hành chính, hình sự, đất đai, tài nguyên môi trường, xây dựng… quá trình thực hiện có nhiều sửa đổi, bổ sung nên khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình theo dõi, cập nhật, tham mưu. Chưa có cơ chế, chính sách thu hút, bảo vệ đội ngũ công chức làm công tác bồi thường nhà nước trong những lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm.

Ngoài ra, công tác lưu trữ hồ sơ của các cấp, ngành thời điểm trước năm 2010 chưa bảo đảm theo quy định. Thời gian tiếp nhận, thụ lý, giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước theo Luật TNBTCNN năm 2017 quá ngắn… tạo áp lực cho công chức tham mưu đề xuất hướng giải quyết. Nhiều trường hợp còn lúng túng, vượt quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Hoạt động giải quyết bồi thường, hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường đòi hỏi phải có sự phối hợp thống nhất ý kiến với các cơ quan, đơn vị có liên quan để bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn nên mất nhiều thời gian và công sức.

Do đó, để thúc đẩy việc đưa Luật TNBTCNN đi vào cuộc sống, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong thực hiện quản lý về công tác bồi thường nhà nước phải chú trọng giải quyết những vụ việc tồn đọng, kéo dài và vụ việc mới đúng quy định của pháp luật. Thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ công chức của Sở Tư pháp và các sở, ngành chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, phòng Tư pháp. Tăng cường công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong hợp thực hiện công tác bồi thường của Nhà nước ở địa phương nhanh chóng, đúng luật.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục quán triệt, triển khai, thực hiện luật và các văn bản liên quan nhằm giúp đội ngũ cán bộ, công chức, người dân hiểu, nắm rõ hơn về Luật TNBTCNN để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

;
.