Giám đốc lãnh 12 năm tù vì lừa bán tàu triệu USD

Thứ Sáu, 15/09/2023, 19:36 [GMT+7]
In bài này
.

Mua tàu FSO Ba Vì và sau đó bán cho một công ty ở Hong Kong với giá 5,8 triệu USD nhưng Thịnh vẫn lừa ông Việt góp vốn để lo chi phí lai dắt, phá dỡ tàu rồi chiếm đoạt 10 tỷ đồng.

Bị cáo Phạm Đức Thịnh bị tuyên phạt 12 năm tù vì lừa bán tàu triệu USD.
Bị cáo Phạm Đức Thịnh bị tuyên phạt 12 năm tù vì lừa bán tàu triệu USD.

Lừa bán tàu triệu USD

Ngày 15/9, TAND tỉnh mở phiên xét xử Phạm Đức Thịnh (SN 1973, ngụ TX.Phú Mỹ) về các tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” và “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, Thịnh thành lập và làm Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thiết bị và vật tư Miền Nam (Công ty Miền Nam). Tháng 6/2015, Thịnh mua tàu FSO Ba Vì của một công ty tại TP.Vũng Tàu với giá hơn 6,8 triệu USD. Để có tiền thanh toán, Công ty Miền Nam thế chấp tài sản bảo đảm với ngân hàng là tàu FSO Ba Vì để vay 120 tỷ đồng. Phương án thanh toán là sau khi mua tàu sẽ lai dắt về cảng Cái Mép để phá dỡ, bán sản phẩm. Tuy nhiên, sau đó Thịnh bán tàu FSO Ba Vì cho một công ty ở Hong Kong với giá 5,8 triệu USD. Việc nhận tiền và giao tàu giữa hai bên  hoàn thành vào cuối tháng 10/2015.

Mặc dù ký hợp đồng bán tàu cho đối tác nước ngoài, nhưng trong thời gian này, Thịnh gặp gỡ và trao đổi với ông Phạm Văn Việt (SN 1967, ngụ quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) việc đã mua được tàu FSO Ba Vì và cần vốn lo chi phí lai dắt, thủ tục phá dỡ tàu. Thịnh đưa ông Việt đi xem tàu cũng như các giấy tờ pháp lý và rủ ông này góp 10 tỷ đồng để phá dỡ tàu. Khi tháo dỡ tàu, ông Việt sẽ nhận khoảng 14 tỷ đồng và được quyền giới thiệu khách mua sắt cũng như được ưu tiên mua lại nồi hơi của tàu.

Tháng 10/2015, ông Việt ký hợp đồng góp vốn với Thịnh với nội dung như trên và ngay trong tháng ông chuyển đủ 10 tỷ đồng cho Thịnh. Số tiền này Thịnh sử dụng để trả nợ và chi phí khác. Thịnh còn thực hiện niêm phong HĐ, yêu cầu các bên phải giữ bí mật thông tin giao dịch không được tiết lộ ra ngoài. Bên nào tiết lộ thông tin thì HĐ bị huỷ. Thịnh khai mục đích để ông Việt không làm lộ thông tin và không biết tàu FSO Bà Vì đã bị bán đi trước đó.

Sau đó khi không thấy tàu FSO Ba Vì được lai dắt từ Vũng Tàu về Cái Mép (TX. Phú Mỹ), ông Việt đi dò hỏi thông tin mới biết tàu đã bán ra nước ngoài. Ông Việt đòi lại tiền góp vốn thì được Thịnh trả lại 4,8 tỷ đồng vào năm 2016. 

Suốt từ năm 2018 đến 2020, ông Việt liên tục tố cáo Thịnh đến cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết. Tháng 7/2020, ông Việt làm đơn tố cáo khẩn cấp Thịnh đến Cơ quan an ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an. Tháng 1/2021, cơ quan này khởi tố, bắt giam Thịnh. 

Quá trình điều tra vụ lừa đảo, công an phát hiện Thịnh có hành vi tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Cụ thể, năm 2013, Thịnh nhờ người làm giả CMND mang tên P.V.H (quê Hải Dương) và dán ảnh của mình. Thịnh dùng giấy tờ giả này làm hộ chiếu và nhiều lần xuất cảnh cũng như mở tài khoản ngân hàng, đăng ký nộp thuế, đăng ký hoạt động cho một doanh nghiệp khác. 

Tháng 1/2021, Cơ quan ANĐT Bộ Công an khám xét chỗ ở của Thịnh (TX.Phú Mỹ) thu giữ được 1 khẩu súng rulo, 1 khẩu súng bắn đạn bi và 10 viên đạn. Thịnh khai từng bị người khác bắn nên năm 2017, lo sợ có người ám hại nên lúc đi chợ Đồng Đăng (Lạng Sơn) tìm mua 2 khẩu súng với giá 20 triệu đồng để phòng thân. Số súng đạn này Thịnh cất giữ tại nhà và chưa sử dụng lần nào.

Bị cáo cúi đầu xin tha thứ

Tại phiên toà, Thịnh cho biết mặc dù suy nghĩ của bị cáo về thời điểm nhận tiền của bị hại không có ý thức chiếm đoạt. Nhưng vì chi phí neo đậu, xử lý con tàu quá lớn nên bị cáo đưa ra hành vi gian dối nhằm nhanh chóng có tiền khắc phục và xử lý vấn đề. Bị cáo nghĩ sau này có tiền sẽ trả lại ngay cho bị hại khi có điều kiện. “Qua phân tích của HĐXX, bị cáo nhận thức rõ hành vi phạm tội của mình. Mong bị hại tha thứ và HĐXX xem xét hoàn cảnh để quyết định cho bị cáo bản án hợp tình hợp lý. Tạo cơ hội cho bị cáo làm lại cuộc đời, sớm về chăm lo cho gia đình và con nhỏ”, bị cáo Thịnh nói.

Bị hại trong vụ án, ông Việt cho biết ông mất rất nhiều tiền bạc, công sức, thời gian từ Hà Nội vào Bà Rịa - Vũng Tàu để theo đuổi vụ án nhiều năm qua. “Không chỉ thiệt hại về tiền bạc, tôi còn bị tổn hại về uy tín, danh dự. Bởi tiền tôi góp vốn với Thịnh đều là tiền của nhiều anh em, bạn bè tin tưởng giao cho tôi đầu tư”, ông Việt nói. Tuy nhiên, khi thấy bị cáo Thịnh cúi đầu xin lỗi, mong được tha thứ và hứa sẽ cố gắng bù đắp các khoản tổn thất do việc bị cáo chiếm đoạt tiền gây ra, Ông Việt xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Thịnh.

Về tội “sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức”, HĐXX nhận định bị cáo thực hiện trong giai đoạn 2013 với mục đích che giấu hoạt động của cá nhân nhằm không để kẻ thù hay đối thủ cạnh tranh đe doạ về sức khoẻ, tính mạng. Tương tự, nguyên nhân tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng cũng bắt nguồn từ việc bị cáo từng bị ám sát. Bị cáo mua súng với mục đích phòng thân. Hai hành vi nêu trên mặc dù vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật nhưng không nhằm mục đích xấu hoặc thực hiện hành vi phạm tội khác nên được cân nhắc mức hình phạt.

Đối với tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quá trình điều tra, truy tố bị cáo kêu oan cho rằng quan hệ giữa ông Việt và bị cáo là quan hệ dân sự, bị cáo không có ý thức chiếm đoạt tiền của ông Việt. Tuy nhiên quá trình xét xử tại phiên toà, bị cáo nhận thức hành vi phạm tội của mình và ăn năn hối cải. Số tiền chiếm đoạt lớn nhưng đã được bị cáo và gia đình bồi thường toàn bộ cho bị hại nên tính chất nghiêm trọng cũng như trách nhiệm hình sự được xem xét giảm nhẹ một phần.

Từ những nhận định trên, HĐXX tuyên phạt Phạm Đức Thịnh 9 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 1 năm tù tội “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” và 2 năm tù tội “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

;
.