Báo động tình trạng ly hôn gia tăng

Thứ Sáu, 04/08/2023, 18:45 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, TAND hai cấp của tỉnh thụ lý hơn 4.000 vụ, việc hôn nhân gia đình, trong đó phần lớn là các vụ ly hôn. Điều đáng buồn, hầu hết những cặp vợ chồng nộp đơn ly hôn đều có độ tuổi dưới 30 và có từ 1 - 2 con.

Con cái là đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất khi vợ chồng ly hôn - ảnh minh hoạ.
Con cái là đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất khi vợ chồng ly hôn - ảnh minh hoạ.

Ly hôn sau đám cưới 4 tháng

Đầu năm 2023, chị L. (ngụ TP.Bà Rịa) thông báo tin vui và rộn ràng phát thiệp mời đám cưới tới người thân, bạn bè. Đám cưới của L. diễn ra trong những lời chúc mừng hạnh phúc của mọi người dành cho đôi bạn trẻ. Dư âm đám cưới của L. đi qua chưa lâu thì mọi người bất ngờ nhận tin L. đang làm thủ tục ly hôn với lý do vợ chồng không hợp nhau. Thậm chí, L. còn nhờ người quen thúc đẩy nhanh vụ ly hôn cho mình. Tính ra, cuộc hôn nhân của L. diễn ra chóng vánh trong vòng khoảng 4 tháng.

Tương tự, chị H. (ngụ huyện Châu Đức) kết hôn với anh V. và có với nhau 2 đứa con. Những tưởng cuộc sống hạnh phúc êm đềm bền mãi trăm năm, nhưng chỉ sau sau 3 năm chung sống, vợ chồng chị đưa nhau ra tòa làm thủ tục ly hôn. Hai con nhỏ được tòa án giải quyết theo mẹ. Nguyên nhân là do anh V. không có việc làm ổn định, lại thường xuyên rượu chè say xỉn. Sau những trận cãi vã kịch liệt vì một mình chị H. phải gồng gánh kinh tế, cả hai chấm dứt quan hệ vợ chồng.

Theo báo cáo của TAND tỉnh, năm 2022, số vụ án hôn nhân gia đình mà TAND hai cấp của tỉnh thụ lý 4.149 vụ, đã giải quyết 3.950 vụ. 6 tháng đầu năm 2023, thụ lý 2.141 vụ, đã giải quyết 1.364 vụ.

Thẩm phán Nguyễn Thị Ngọc Anh, Phó Chánh án TAND TP.Bà Rịa cho biết, nguyên nhân dẫn đến ly hôn thì muôn hình vạn trạng. Qua phân tích các vụ việc cho thấy, các cặp vợ chồng trẻ trước khi kết hôn ít có sự chuẩn bị để bảo đảm tiến tới đời sống hôn nhân bền chặt. Nhiều cặp vợ chồng chưa đủ thời gian tìm hiểu nhau, nên vừa kết hôn đã bất đồng quan điểm sống và phát sinh mâu thuẫn.

Một số vụ, việc ly hôn do người chồng mắc tệ nạn ma túy, cờ bạc, rượu chè, có hành vi bạo lực gia đình, ngoại tình… Khi phát sinh mâu thuẫn, nhiều cặp vợ chồng không níu kéo, hàn gắn mà chọn phương án ly hôn.

“Giới trẻ thích sống độc lập, không muốn lệ thuộc và sức chịu đựng cũng hạn chế. Khi không hài lòng với nhau, họ sẵn sàng nộp đơn ra tòa xin ly hôn”, thẩm phán Nguyễn Thị Ngọc Anh phân tích. 

Nhìn nhận như một vấn đề xã hội, thẩm phán Nguyễn Văn Hiến, Phó Chánh án TAND TP.Vũng Tàu cho rằng, giới trẻ có lối sống hiện đại. Khi yêu, họ được chiều chuộng và giấu đi tật xấu. Khi về sống chung, vợ chồng xảy ra va chạm là đổ vỡ chóng vánh và ít quan tâm đến hệ quả.

Hệ lụy lớn

Theo cơ quan chức năng, tình trạng ly hôn trong người trẻ tăng cao cho thấy tính bền vững của hôn nhân ngày càng giảm. Vợ chồng ly hôn không những tác động đến xã hội mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của những đứa trẻ là con chung. Cha mẹ ly hôn sẽ tác động tiêu cực đến sự hình thành nhân cách, hành vi, lối sống của trẻ do phải sống trong cảnh thiếu vắng tình thương, sự chăm sóc của cha mẹ. Một số trẻ phải lang thang để kiếm sống, lao động sớm hoặc rơi vào tình trạng nghiện hút, bị lạm dụng tình dục, bạo hành, thậm chí là sớm có hành vi vi phạm pháp luật.

Xu hướng ly hôn ngày càng trẻ hóa
Thẩm phán Lê Thị Hồng Nguyệt, Chánh án TAND TP.Bà Rịa cho biết, mỗi năm trung bình địa phương này thụ lý, giải quyết từ 400 - 500 đơn về hôn nhân, gia đình. Các cặp vợ chồng ly hôn đa số ở độ tuổi từ 25 - 35 và có 1 - 2 con. Điều này cho thấy, xu hướng ly hôn ngày càng trẻ hóa và các cặp vợ chồng khi ly hôn phần lớn đều có con là người chưa thành niên.  

Những năm gần đây, tình trạng thanh thiếu niên phạm tội ngày càng gia tăng. Trong đó, nhiều vụ án trẻ phạm tội xuất phát từ nguyên nhân cha mẹ ly hôn. Gần đây nhất, TAND TP.Vũng Tàu và TAND huyện Long Điền đưa ra xét xử một số vụ án “gây rối trật tự công cộng”, trong đó mỗi vụ có tới 30 - 50 bị cáo từ 14 - 20 tuổi. 

Thẩm phán Nguyễn Thị Ngọc Anh chia sẻ, qua xét xử nhiều vụ án, khi xem xét nhân thân các bị cáo trẻ tuổi, đa số rơi vào trường hợp cha mẹ ly hôn, không có sự quan tâm, giáo dục từ đấng sinh thành. Các em không học hành tới nơi tới chốn, dễ bị lôi kéo, kích động tham gia băng nhóm gây rối trật tự công cộng.

“Những bị cáo lứa tuổi thanh thiếu niên có hoàn cảnh rất đáng thương. Đa số tham gia vụ việc với vai trò thấp, do bị rủ rê đi theo rồi trở thành đồng phạm. Khi vô tù, không may gặp đối tượng xấu, ra tù lại chơi với nhau, các em dễ sa ngã vào tệ nạn xã hội”, thẩm phán Nguyễn Thị Ngọc Anh bày tỏ.

Thẩm phán Nguyễn Văn Hiến cho rằng, tác động lớn nhất của các vụ ly hôn là con cái thiếu tình thương cha mẹ, mặc cảm với bạn bè, lại bị buông lỏng quản lý dễ dẫn đến vi phạm pháp luật. Thậm chí, khi ly hôn, cha mẹ còn “nói xấu” nhau hoặc ngăn cản không cho tới thăm con, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. “Bản thân những người ly hôn cũng bị ảnh hưởng tâm lý tiêu cực, ảnh hưởng tới mối quan hệ xã hội và công việc”, thẩm phán Nguyễn Văn Hiến phân tích.

Theo VKSND TP.Vũng Tàu, để giảm thiểu tình trạng ly hôn nhằm phòng ngừa, ngăn chặn hệ luỵ do việc ly hôn gây ra, cơ quan, ban, ngành liên quan cần phối hợp thực hiện tốt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Hôn nhân gia đình; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; tuyên truyền về giữ gìn hạnh phúc gia đình; đa dạng các hình thức giáo dục để người dân, nhất là giới trẻ nhận thức đúng đắn, đầy đủ về đời sống hôn nhân trước và sau khi kết hôn.

MẠNH QUÂN

;
.