Đấu tranh với tội phạm mua bán người

Thứ Tư, 26/07/2023, 20:31 [GMT+7]
In bài này
.

Tội phạm mua bán người trên cả nước có chiều hướng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Do đó, bên cạnh việc cơ quan chức năng điều tra, truy bắt đối tượng gây án thì bản thân mỗi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân. 

Công an tỉnh tuyên truyền phòng, chống mua bán người, ma túy cho cán bộ, đoàn viên  thanh niên TP.Vũng Tàu.
Công an tỉnh tuyên truyền phòng, chống mua bán người, ma túy cho cán bộ, đoàn viên thanh niên TP.Vũng Tàu.

Nguy cơ tiềm ẩn

Theo Công an tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh nổi lên hiện tượng mua bán người trong khu vực nội địa nhằm vào số lao động đi đánh bắt hải sản trên biển với phương thức thủ đoạn như: xuất phát từ nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc trên các tàu, ghe đánh bắt hải sản trên biển, số đối tượng hoạt động mua bán người đã cấu kết với số đối tượng chạy xe ôm tại các khu vực thuộc TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương để tìm kiếm người lao động. Sau khi tiếp cận, giới thiệu và được nạn nhân đồng ý, các đối tượng xe ôm sẽ chở nạn nhân xuống bàn giao cho các đối tượng tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. 

Nạn nhân sẽ được bố trí ăn ở tại một khu vực, đợi khi các tàu, ghe đánh bắt hải sản cần lao động đi làm sẽ được các đối tượng đưa đi bàn giao cho chủ tàu. Các đối tượng mua bán người sẽ nhận tiền trực tiếp từ chủ tàu, ghe (khoảng từ 20-30 triệu đồng/1 người). Khi lên tàu, ghe làm việc các nạn nhân mới biết đã bị số đối tượng mua bán người lấy hết tiền công. Nạn nhân liên lạc với số đối tượng này thì được trả lời là đã trừ hết vào tiền sinh hoạt, tiền xe ôm... Theo đó, lực lượng chức năng đã phát hiện 1 vụ mua bán người để lao động trên tàu cá do Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phát hiện, khởi tố và chuyển đến Công an TP.Vũng Tàu để thụ lý điều tra theo quy định. Hiện Công an TP.Vũng Tàu đang tiếp tục điều tra làm rõ. Đã tiếp nhận, hỗ trợ 2 nạn nhân theo quy định.

Trước thực trạng trên, Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh  (gọi tắt là Ban chỉ đạo 138 tỉnh) xác định tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm. Do đó, thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông tại cơ quan, cộng đồng dân cư, đặc biệt là hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người-30/7" và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người-30/7". Lồng ghép vào đó là những văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định của Chính phủ quy định về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài...

Công tác truyền thông còn hướng đến đối tượng là nạn nhân của các vụ mua bán người. Thông qua Hội Phụ nữ cơ sở, Đoàn Thanh niên cơ sở và chính quyền cơ sở đã thực hiện nhiều chương trình tuyên truyền, hỗ trợ nhằm giúp nạn nhân mạnh dạn tố giác tội phạm, tiếp tục lao động và xây dựng cuộc sống tốt đẹp.

Từ năm 2022 đến nay, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 1.214 buổi tuyên truyền, sinh hoạt tại khu phố, khu dân cư với khoảng 47 ngàn lượt người tham gia. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền lưu động, treo băng rôn,  áp phích,  panô, phát tờ rơi với nội dung về phòng, chống mua bán người…

 

Kịp thời phát hiện, ngăn chặn 

Dự báo tình hình, diễn biến tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới có thể diễn biến phức tạp, mới đây, ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 138 tỉnh đã có  văn bản chỉ đạo UBMTTQVN tỉnh, ban, ngành, đoàn thể tăng cường đấu tranh phòng, chống mua bán người và triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người-30/7”.

Cụ thể, tập trung triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”, “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người-30/7”; Triển khai đợt cao điểm tuyên truyền, truyền thông phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh (từ ngày 1/7, đến hết 30/9/2023); Xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và phòng ngừa tội phạm mua bán người.

Phát huy vai trò của lực lượng công an xã, thị trấn chính quy trong công tác phòng, chống mua bán người, đặc biệt là trong công tác nắm tình hình, quản lý cư trú, quản lý đối tượng... tại địa bàn cơ sở. Đồng thời, triển khai ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu CCCD, kết quả triển khai Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Bên cạnh đó làm tốt công tác quản lý xuất, nhập cảnh, quản lý người nước ngoài và rà soát, kiểm tra hành chính đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao trách nhiệm cho lực lượng công an, trong đó chủ công là cảnh sát hình sự phối hợp với Bộ đội Biên phòng làm tốt công tác nắm tình hình, phòng ngừa nghiệp vụ, nhất là trên những tuyến địa bàn trọng điểm và không gian mạng; tổ chức tiếp nhận, xử lý kịp thời tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến mua bán người; xác lập, điều tra, triệt phá các vụ án, đường dây tội phạm mua bán người…

"Khi có yêu cầu từ Bộ Công an, sở, ban, ngành, địa phương thực hiện tốt việc trao đổi thông tin, phối hợp xác minh, thu thập chứng cứ, tiến hành các hoạt động điều tra khám phá các vụ án, truy bắt tội phạm mua bán, bắt cóc trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em, mua bán người… với cảnh sát các nước và các tổ chức cảnh sát quốc tế", ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 138 tỉnh nhấn mạnh.

Bài, ảnh: PHƯỚC AN

 
;
.