Trợ giúp pháp lý, bảo đảm quyền lợi người yếu thế
Các hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý (TGPL) góp phần nâng cao trình độ hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đồng thời bảo đảm quyền lợi của những người yếu thế trong xã hội.
Trợ giúp viên pháp lý (phải) giải đáp thông tin về pháp luật cho người dân. |
Truyền thông qua những câu chuyện thực tiễn
Sáng 14/6, rất đông người dân xã Xuân Sơn (huyện Châu Đức) tập trung về hội trường UBND xã để dự buổi truyền thông về TGPL do Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh tổ chức.
Tại buổi tư vấn, bà Lê Thị Thúy, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh chia sẻ với người dân những điểm chính của Bộ Luật Dân sự năm 2015 về quyền đối với bất động sản liền kề; quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Pháp lệnh người có công với cách mạng, về thương binh, người hưởng chính sách; chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo…
Không chỉ nói “suông” về điều, khoản pháp luật “khô khan”, bà Thúy còn lồng ghép, dẫn chứng nhiều câu chuyện mà bà đã tiếp xúc thực tế trong quá trình công tác để truyền đạt thông tin về pháp luật cho người dân.
“Quá trình truyền thông về TGPL cho các trường hợp được TGPL và người dân tại các địa phương, hay TGPL cho bị cáo, bị hại ở phiên tòa, tôi chia sẻ những câu chuyện, tình huống pháp luật rất cụ thể và thực tiễn trong đời sống để người dân dễ nắm bắt”, bà Thúy nói.
Tại buổi tư vấn, các trợ giúp viên pháp lý của trung tâm còn phát miễn phí nhiều tờ gấp pháp luật, hỗ trợ, giải đáp thắc mắc của người dân về các vụ việc liên quan đến pháp luật.
Chân tập tễnh do bị đau, tay run run cầm tập hồ sơ, bà V.T.P. (SN 1960, ngụ xã Xuân Sơn) được người thân dìu đến dự buổi truyền thông về TGPL. Bà P. trình bày, năm 2020, bà mua thửa đất và xây nhà để ở. Sau đó, bà nhờ người thân tên L. hỗ trợ làm Giấy CNQSDĐ. Tuy nhiên, L. không thực hiện mà làm thủ tục sang tên thửa đất này cho mình để chiếm đoạt. Hiện Giấy CNQSDĐ đã bị L. mang đi cầm cố và người này còn bán luôn căn nhà bà P. đang ở. Quá bức xúc, bà làm đơn khởi kiện lên tòa án.
Trợ giúp viên pháp lý sau khi nghe bà trình bày đã liên hệ với cán bộ UBND xã Xuân Sơn xác minh, đồng thời được biết bà P. thuộc trường hợp người cao tuổi đang nuôi cháu nhỏ bị tàn tật bẩm sinh, hưởng trợ cấp xã hội.
“Bà P. thuộc trường hợp được TGPL miễn phí theo quy định. Do bà đã gửi đơn khởi kiện L. lên TAND huyện Châu Đức nên chúng tôi hướng dẫn giải thích những nội dung bà thắc mắc. Khi nào tòa án có thông báo thụ lý vụ án thì bà P. có thể liên lạc với Trung tâm TGPL để được hỗ trợ”, bà Hồ Thị Hoa, Trưởng Phòng Hành chính - Tổng hợp Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh hướng dẫn.
Nâng cao kiến thức pháp luật
Tới dự buổi truyền thông tư vấn pháp luật của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, ông Trần Đăng Khoa (80 tuổi, ngụ xã Xuân Sơn) cho biết, mặc dù đã nghỉ không còn làm công tác mặt trận và trưởng ấp nhưng những buổi tư vấn và nói chuyện về pháp luật ông đều tranh thủ tới dự. “Có một số quy định pháp luật thay đổi nên tôi đến nghe để nâng cao kiến thức. Mình có hiểu biết về pháp luật thì trong đời sống mới thực hiện đúng và nói cho người khác nghe, hiểu”, ông Khoa bày tỏ.
Còn bà Nguyễn Thị Nhì (75 tuổi, thôn Xuân Tân, xã Xuân Sơn) cho biết, hằng năm, bà đều tới dự buổi tư vấn pháp luật do Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh tổ chức. Theo bà Nhì, việc đến nghe những kiến thức pháp luật, đựợc trợ giúp viên pháp lý nói về câu chuyện, tình huống thực tế trong đời sống giúp bà hiểu biết hơn. “Xã hội hiện đại đi cùng với nhiều mặt trái mà lớp trẻ rất dễ sa ngã vào con đường phạm pháp. Tôi đi nghe những buổi tư vấn pháp luật để học hỏi, vừa có hiểu biết nhằm răn dạy con cháu, bảo vệ cho gia đình và người thân”, bà Nhì chia sẻ.
Theo bà Lê Thị Thúy, công tác truyền thông TGPL được trung tâm triển khai bằng nhiều hình thức như mỗi năm đều tổ chức hàng chục đợt TGPL cho các đối tượng được TGPL và nhân dân tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Biên soạn, in ấn hàng chục ngàn tờ gấp pháp luật miễn phí cho nhân dân. Lắp đặt bảng thông tin, hộp tin TGPL tại các cơ quan tiến hành tố tụng, UBND các cấp…
“Các hoạt động truyền thông về TGPL góp phần nâng cao trình độ hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân; giúp phổ biến pháp luật sâu rộng trong nhân dân, đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đi vào cuộc sống, bảo đảm quyền lợi của các đối tượng yếu thế trong xã hội”, bà Lê Thị Thúy nói.
Bài, ảnh: MẠNH QUÂN