.

Ngăn chặn khai thác, vận chuyển cát trái phép

Cập nhật: 18:26, 08/06/2023 (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay, hoạt động vận chuyển cát nhiễm mặn trái phép trên vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu và vùng giáp ranh với các tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, lực lượng Cảnh sát biển (CSB), Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tăng cường kiểm tra, kiểm soát địa bàn nhằm phát hiện, xử lý tình trạng này.

Lực lượng chức năng Vùng CSB 3 và BĐBP tỉnh bắt quả tang sà lan BV 1979 vận chuyển khoảng 90m3 cát trái phép trên vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu hồi tháng 3/2023.
Lực lượng chức năng Vùng CSB 3 và BĐBP tỉnh bắt quả tang sà lan BV 1979 vận chuyển khoảng 90m3 cát trái phép trên vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu hồi tháng 3/2023.

Xử lý nhiều vụ vi phạm

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tục phát hiện, xử lý nhiều vụ mua bán, vận chuyển cát trái phép. Điển hình, ngày 23/5 vừa qua, tại vùng biển Đông Nam, lực lượng Vùng cảnh sát biển (CSB) 3 phát hiện phương tiện số hiệu HD 2476 do ông Vũ Văn Bảy (trú tại huyện Kim Môn, tỉnh Hải Dương) làm thuyền trưởng có dấu hiệu nghi vấn nên tiến hành kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, phương tiện này đang vận chuyển khoảng 200m3 cát. Thuyền trưởng Vũ Văn Bảy không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của số cát trên.

Qua đấu tranh khai thác, các thuyền viên khai nhận số cát bị bắt giữ được bơm hút trái phép trên biển và đang trong quá trình đưa đi tiêu thụ thì bị phát hiện. Lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm hành chính đối với thuyền trưởng; đồng thời dẫn giải phương tiện về TP. Vũng Tàu để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Lực lượng chức năng Vùng CSB 3 bắt quả tang phương tiện HD 2476 vận chuyển khoảng 200m3 cát trái phép trên vùng biển phía Nam hồi tháng 5/2023.
Lực lượng chức năng Vùng CSB 3 bắt quả tang phương tiện HD 2476 vận chuyển khoảng 200m3 cát trái phép trên vùng biển phía Nam hồi tháng 5/2023.

Trước đó, tối 17/3, tại vùng biển cách mũi Vũng Tàu khoảng 3 hải lý về phía Tây Tây Nam, Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Vùng CSB 3 phát hiện sà lan BV 1979 do ông Vũ Văn Nhất (trú tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) làm thuyền trưởng có dấu hiệu nghi vấn nên tiến hành kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, sà lan BV 1979 đang vận chuyển khoảng 90m3 cát, thuyền trưởng Nhất không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của số cát trên. 

Tiếp tục tuần tra, xử lý

Thời điểm hiện nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang triển khai nhiều dự án lớn như: cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường ven biển ĐT994, tuyến kết nối cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đoạn từ QL56 đến vòng xoay đường 3/2 và 2/9, dự án Trung tâm logistics Cái Mép hạ... khiến nhu cầu về vật liệu xây dựng, đặc biệt là nguồn cát để san lấp mặt bằng tăng cao. Nắm bắt được nhu cầu trên cùng với lợi nhuận cao từ việc bán cát, nhiều nhóm “cát tặc” đang ngấm ngầm hoạt động trở lại và có nhiều thủ đoạn tinh vi hơn.

Theo điều tra của Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam (Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP), mỗi tàu chỉ cần bơm hút khoảng 2 giờ là đầy khoang tàu (khoảng 1.000m3). Trên mỗi tàu đều trang bị 4 đến 6 máy bơm được độ chế từ các máy ô tô có công suất lớn để hút cát, mỗi máy bơm như vậy có khoảng 3 vòi chọc sâu xuống biển để hút cát. Cát sau khi hút sẽ được chở vào bờ để tiêu thụ tại các công trình xây dựng. Nếu là cát nước mặn (khai thác ở biển) thì “cát tặc” phải qua công đoạn rửa mặn rồi trộn lẫn với cát nước ngọt để tiêu thụ.

Tuy nhiên, việc đấu tranh với “cát tặc” trên biển vẫn gặp nhiều khó khăn do các đối tượng thường mua chuộc ngư dân theo dõi lực lượng chức năng từ xa bằng ống nhòm, nếu bị phát hiện, họ dùng điện thoại báo cho chủ phương tiện vi phạm xả cát xuống nước và chạy trốn hoặc tự đánh chìm phương tiện để phi tang chứng cứ.

Tinh vi hơn, các “đầu nậu” thường thuê phương tiện từ Hải Dương, Nam Định, Quảng Ninh... vào khai thác, vận chuyển và dùng hóa đơn, chứng từ ở các tỉnh, thành phố được cấp phép cho khai thác cát để hợp thức hóa.

Ngoài ra, khi thực hiện việc hút cát trên cửa sông, cửa biển, các đối tượng sử dụng tàu có trọng tải nhỏ, che số hiệu hoặc dùng số hiệu giả để đối phó với cơ quan quản lý. Sau khi hút cát đầy liền chạy vào bờ để sang mạn lại cho những tàu có trọng tải lớn để né tránh việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Theo Thượng tá Bùi Xuân Tùng, Trưởng Phòng Trinh sát Bộ Tư lệnh Vùng CSB 3, để ngăn chặn, tiến tới chấm dứt nạn “cát tặc” trên biển, Vùng sẽ tăng cường tuần tra, chủ động phối hợp với lực lượng BĐBP thông tin tình hình khai thác các mỏ cát hợp pháp làm cơ sở cho đấu tranh, xử lý vi phạm khai thác, vận chuyển, mua bán cát lậu.

“Về phía BĐBP tỉnh, ngoài sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, điều tra cơ bản, xây dựng phương án, kế hoạch nghiệp vụ để phòng ngừa, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn, các đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền và vận động người dân tích cực phát hiện, cung cấp thông tin có giá trị giúp lực lượng chức năng nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn chặn  khai thác, vận chuyển cát trái phép trên biển”, Đại tá Mai Anh Tuấn, Trưởng Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP tỉnh cho biết.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

.
.
.