VI PHẠM HÀNH LANG AN TOÀN LƯỚI ĐIỆN

Thiệt hại khó lường

Thứ Ba, 18/04/2023, 20:28 [GMT+7]
In bài này
.

Ngành điện thường xuyên cảnh báo về nguy cơ mất an toàn khi vi phạm hành lang lưới điện, nhưng tình trạng này vẫn xảy ra phổ biến, gây nên những hậu quả khó lường cho cả người dân và ngành điện.

Nhân viên điện lực tuyên truyền về tuân thủ hành lang an toàn lưới điện cao áp cho người dân TX.Phú Mỹ.
Nhân viên điện lực tuyên truyền về tuân thủ hành lang an toàn lưới điện cao áp cho người dân TX.Phú Mỹ.

Tình trạng vi phạm còn phổ biến

Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ tai nạn điện xuất phát từ nguyên nhân vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, trong đó một số vụ đã để lại hậu quả nghiêm trọng.

Điển hình như năm 2022, ông V.T.H. (TP.Vũng Tàu) làm nghề thợ hàn. Trong quá trình thi công hàn khung biển quảng cáo, nguồn điện trong nhà rò ra khung sắt biển quảng cáo đã khiến ông V.T.H. bị điện giật tử vong. Tương tự, ông N.C.H. (TX. Phú Mỹ), trong khi lắp đặt giàn giáo để vệ sinh bảng tên cho công ty, đã không tuân thủ khoảng cách an toàn với đường dây trung thế 22kV tại khoảng trụ 475TV/67, tuyến 475TV nên bị phóng điện khiến ông H. tử vong.

Gần đây nhất, hồi tháng 2/2023, một tài xế xe ben chở đất của đơn vị thi công công trình đường tránh Quốc lộ 55, sau khi đổ đất đã không hạ thùng, khiến thùng xe vướng vào đường dây. Hậu quả, phương tiện này bị điện phóng, gây nổ hư hỏng vỏ xe.

Ông Nguyễn Hồng Thúy, Phó Giám đốc Điện lực Phú Mỹ cho biết, hệ thống đường dây lưới điện cao áp dọc Quốc lộ 51 thuộc địa bàn quản lý của đơn vị đã được cải tạo, nâng cấp đoạn từ khu vực giáp ranh tỉnh Đồng Nai về khu vực Vạn Hạnh. Còn từ đoạn Vạn Hạnh tới gần ngã ba Cái Mép, lưới điện vẫn còn thấp. Mặc dù các công trình nhà dân xây dựng dưới khu vực lưới điện này vẫn nằm trong khoảng cách an toàn, nhưng về lâu dài nếu không được nâng cấp và sửa chữa sẽ ảnh hưởng tới sự an toàn của người dân, nhất là khi người dân leo lên sửa chữa nhà, nâng nhà lên cao hoặc trồng cây xanh hay lắp đặt biển quảng cáo.

Theo Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu, toàn tỉnh có khoảng 360km đường dây điện cao áp. Thời gian qua, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp còn phổ biến như: xây dựng nhà ở, công trình dưới hành lang an toàn điện cao áp; vận hành các phương tiện cơ giới máy xúc, cần cẩu… thi công công trình gần lưới điện cao áp; thả diều, vật bay hoặc ném, bắn đồ vật vào lưới điện cao áp; lắp đặt ăng ten, giàn giáo xây dựng, biển quảng cáo. Điều này đã gây nguy cơ mất an toàn cho người và thiết bị công trình. Đồng thời ảnh hưởng đến việc cung cấp điện liên tục và ổn định của khu vực.

Chung tay vì an toàn lưới điện

Ông Vũ Văn Thiên, Đội trưởng Đội quản lý vận hành lưới điện cao thế Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, nguyên nhân của các vi phạm trên chủ yếu do các đơn vị thi công không tuân thủ quy định về hành lang an toàn lưới điện cao áp. Bên cạnh đó, một số người dân tự ý xây dựng, trồng cây tại khu vực nương rẫy nơi có đường dây điện cao áp chạy qua.

Trước thực trạng đó, Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu và nâng cao ý thức bảo vệ hành lang an toàn lưới điện. Bên cạnh đó, ngành điện cũng đã tập trung nhân lực tổng kiểm tra hệ thống lưới điện, rà soát, cảnh báo những khu vực có nguy cơ xảy ra mất an toàn để có biện pháp khắc phục.

“Đối với các công trình đang và sắp thi công xây dựng nếu nằm bên dưới hoặc liên quan tới hành lang an toàn lưới điện cao áp, chúng tôi khuyến cáo trước khi xây dựng, các tổ chức, cá nhân nên đến làm việc với công ty điện lực để thỏa thuận các biện pháp an toàn theo đúng quy định. Điều này không những để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân mà còn không xảy ra tai nạn về điện cũng như không vi phạm hành lang an toàn lưới điện”, ông Thiên khuyến cáo.

Nghị định 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Nhà ở, công trình xây dựng được tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp đến 220 kV nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau: Mái lợp và tường bao phải làm bằng vật liệu không cháy; không gây cản trở đường ra vào để kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế các bộ phận công trình lưới điện cao áp; khoảng cách từ bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình đến dây dẫn điện gần nhất khi dây ở trạng thái võng cực đại không nhỏ hơn quy định. Cụ thể: Điện áp đến 35kV (khoảng cách 3m), điện áp 110kV (khoảng cách 4m), điện áp 220kV (khoảng cách 6m). Cường độ điện trường nhỏ hơn 5kV/m tại điểm bất kỳ ở ngoài nhà cách mặt đất một (01) mét và nhỏ hơn hoặc bằng 1kV/m tại điểm bất kỳ ở bên trong nhà cách mặt đất một (01) mét.
Đối với nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp 220 kV, ngoài đáp ứng các điều kiện trên, các kết cấu kim loại của nhà ở, công trình còn phải được nối đất theo quy định về kỹ thuật nối đất.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

;
.