.

Phức tạp tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Cập nhật: 19:29, 12/04/2023 (GMT+7)

Thời gian qua, lực lượng công an trên địa bàn tỉnh đã đấu tranh, triệt phá nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với hình thức tinh vi, số tiền thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.

Nhiều nạn nhân bị sập bẫy của đối tượng lừa đảo trên không gian mạng với số tiền từ vài triệu đồng đến vài tỷ đồng.
Nhiều nạn nhân bị sập bẫy của đối tượng lừa đảo trên không gian mạng với số tiền từ vài triệu đồng đến vài tỷ đồng.

Lập zalo giả để lừa đảo

Ngày 11/4, Cơ quan CSĐT Công an TX.Phú Mỹ đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra từ tháng 12/2021 đến tháng 3/2023 tại TX.Phú Mỹ. Qua điều tra, Lê Thị Lan Chi (SN 1985, quê Đồng Tháp) tạo tài khoản zalo ảo có tên “Vạn sự tùy duyên” và dùng tên Duyên tiếp cận bà N.T.H.C (SN 1981, ngụ tỉnh Cà Mau) để lừa đảo bằng hình thức mua khô hải sản. Địa điểm giao dịch diễn ra tại TX.Phú Mỹ.

Từ ngày 23/12/2021 đến ngày 10/1/2022, bà C. đã chuyển gần 5 tấn khô hải sản đến TX.Phú Mỹ cho Chi với tổng giá trị hơn 720 triệu đồng. Tuy nhiên, Chi chỉ chuyển khoản hơn 200 triệu đồng cho bà C. rồi cắt liên lạc, xóa tài khoản zalo với bà Cẩm. Từ đơn trình báo sự việc, Công an TX.Phú Mỹ tiến hành xác minh làm rõ.

Mở rộng điều tra, công an xác định Chi còn sử dụng tên giả khác để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tương tự. Ngày 5/4, Chi đã đến Công an TX.Phú Mỹ trình diện và thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Theo Công an TX.Phú Mỹ, lực lượng chức năng đang mở rộng điều tra vì có nhiều nạn nhân từ các tỉnh khác trình báo bị đối tượng này lừa đảo với hình thức tương tự.

Trước đó vào tháng 3, Công an TP.Vũng Tàu đã bắt khẩn cấp Phùng Đặng Kim Yến (SN 1991, trú tại TP.Vũng Tàu) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Theo kết quả điều tra, từ tháng 9/2022, thông qua mạng xã hội Facebook, Yến liên hệ và thuê người làm giả các giấy tờ như: Sổ hộ khẩu, CCCD, GPLX mang tên Lê Thị Lan Phương… với giá 3,4 triệu đồng. Sau đó, Yến mang số giấy tờ giả này gặp ông A. (ngụ TP.Bà Rịa) để vay 45,5 triệu đồng qua tài khoản ngân hàng rồi cắt liên lạc. Đầu tháng 3 vừa qua, Yến thừa nhận đã chiếm đoạt số tiền 40 triệu đồng của một nam thanh niên chưa rõ lai lịch với thủ đoạn tương tự.

Một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác cũng xảy ra tại TP.Vũng Tàu, đối tượng là Trần Thị Hoàng Anh (SN 1993, quê Nam Định). Theo điều tra, từ tháng 9/2021 bà Q. (SN 1975, ngụ TP.Vũng Tàu) chuyển số tiền 87 triệu đồng cho Hoàng Anh với thỏa thuận tìm cách đưa con trai của bà Q. từ Đức về Việt Nam. Sau khi nhận tiền, Hoàng Anh không thực hiện theo thỏa thuận và không trả lại tiền nên bà Q. đến công an tố giác.

Theo cảnh báo của cơ quan chức năng, các nhóm lừa đảo sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn trên không gian mạng. Chúng có thể thông qua hoạt động của các sàn đầu tư chứng khoán quốc tế, giao dịch ngoại hối, giao dịch tiền ảo và lôi kéo người chơi tham gia. Các đối tượng còn giả mạo trang thông tin điện tử cơ quan, doanh nghiệp như BHXH, ngân hàng để đánh cắp, chiếm đoạt thông tin dữ liệu cá nhân, chiếm quyền truy cập và chiếm đoạt tài sản. Một số đối tượng còn lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để rao bán hàng giả, chào bán thiết bị y tế, rao bán vé máy bay để chiếm đoạt tiền của nạn nhân. 

Diễn biến phức tạp

Những năm gần đây, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp cả về tính chất và quy mô. Trong năm 2022, toàn tỉnh phát hiện và tiếp nhận xử lý 55 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giảm 44 vụ; tài sản bị chiếm đoạt hơn 77 tỷ đồng. Trong đó nổi cộm vẫn là các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và lừa đảo theo phương thức truyền thống.

Theo UBND tỉnh, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh được kiềm chế, nhưng dự báo trong thời gian tới các loại tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng dù không mới nhưng diễn ra phổ biến hơn và đa dạng nạn nhân, số tiền thiệt hại lớn. Để phòng ngừa, UBND tỉnh đề nghị các đoàn thể, ban, ngành tăng cường giám sát, chủ động nắm bắt tình hình.

Bên cạnh tuần tra xử lý còn cần kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác trong nhân dân. Đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” theo hướng gắn kết chặt chẽ công tác đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm.

UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh cần thực hiện hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ, đấu tranh xử lý triệt để những đường dây tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tiếp tục triển khai các đợt cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm. Đồng thời, yêu cầu các ban, ngành liên quan cần có sự trao đổi thường xuyên, chủ động phối hợp để thực hiện tốt công tác  bảo đảm ANTT trên địa bàn trong thời gian tới.

Bài, ảnh: TRẦN TIẾN

.
.
.