Bài cuối: Để không còn những sự việc thương tâm
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Phổ biến kỹ năng bơi lội cho trẻ là một trong những giải pháp ưu tiên để phòng tránh tai nạn đuối nước. Tuy nhiên, đi liền với đó là nỗ lực từ nhiều phía để xây dựng môi trường thực sự an toàn với trẻ. Và trước mắt là ngăn chặn trẻ em xuống tắm ở những khu vực không bảo đảm an toàn.
Học sinh trường THCS Phước Bửu, TT. Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc được học bơi miễn phí. |
Đưa bơi lội làm môn học bắt buộc
Từ khóa học 2020 - 2021 đến nay, trường THCS Phước Bưởu (TT.Phước Bưởu, huyện Xuyên Mộc) đã chú trọng, tập trung phổ biến kỹ năng bơi lội đến các em học sinh (HS). Dù số lượng đông nhưng nhà trường vận động nguồn kinh phí xã hội hóa để HS được học bơi miễn phí.
Trao đổi với ông Lê Văn Chinh, Hiệu trưởng Trường THCS Phước Bửu cho biết, trường nằm tại khu vực đô thị nên ít điểm ao hồ nguy hiểm, thế nhưng công tác phổ biến môn bơi lội luôn được Ban giám hiệu nhà trường quan tâm. Từ nguồn kinh phí xã hội hóa, trường đưa môn bơi lội trở thành môn học bắt buộc từ năm 2020 đến nay.
Thời gian đầu, trường có kế hoạch phổ biến môn bơi lội cho 400 HS khối 7. Đến năm 2023, khi thực hiện 2 khóa dạy bơi, nhà trường tiếp tục dạy bơi cho cả HS khối 6 và 7, hướng tới trường có 100% HS hoàn thành lớp học bơi. Đến nay trường đã phổ cập học bơi miễn phí cho khoảng 1.600 HS.
Ông Chinh chia sẻ: “Năm nay có tổng cộng 780 HS học bơi. Trường liên kết với cơ sở bên ngoài để các em có môi trường rèn luyện kỹ năng bơi, tất cả đều miễn phí và là môn giáo dục thể chất bắt buộc. Quá trình học các thầy cũng cảnh báo về những hệ lụy của tai nạn đuối nước cùng với đó là dạy kỹ năng bơi thực tế nên các em tiếp thu rất nhanh”.
Theo ông Chinh, trong quá trình học bơi, nhiều em tự biết xử lý tình huống khi gặp sự cố dưới nước. Phụ huynh đồng tình khi nhà trường đưa môn bơi lội là môn học bắt buộc vì tính thiết thực. Để nâng cao chất lượng dạy học, trường cũng đề xuất giáo viên (GV) thể dục đi học kỹ năng bơi và phân công 3 GV trực tiếp giám sát, hướng dẫn trong quá trình các em học bơi.
Trao đổi với PV, ông Thái Khắc Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Pha (TX.Phú Mỹ) cho rằng, công tác cảnh báo tai nạn đuối nước trong và ngoài trường học cần làm thường xuyên. Vài năm trước đây, địa phương xảy ra các vụ đuối nước thương tâm, sau đó chính quyền đặt bảng cảnh báo, kiểm tra nhắc nhở tại các ao, hồ mỏ đá. Tại trường học, UBND xã vận động nguồn kinh phí xã hội để phổ cập bơi lội cho một số em HS. Tuy chưa phổ biến toàn bộ nhưng mỗi năm UBND xã vẫn phối hợp với các trường trên địa bàn có suất học bơi miễn phí cho HS có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Đạt, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Xuyên Mộc cho biết, từ tháng 3/2022 Phòng đã triển khai Chương trình “Bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2022-2030”. Theo đó, các trường tiểu học và THCS xây dựng đưa môn bơi lội vào chương trình giáo dục thể chất kết hợp công tác truyền thông. Mục tiêu phấn đấu 100% trường triển khai chương trình. Hướng tới giảm 30% trẻ tử vong do đuối nước vào năm 2025 và giảm 50% vào năm 2030; phấn đấu đến năm 2030 có 60% trẻ từ 6-16 tuổi biết bơi.
Sở LĐTB-XH đang tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phối hợp liên ngành phòng chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 như sau: giảm 50% số trẻ em bị tử vong do đuối nước; 90% trẻ em, cha, mẹ và người chăm sóc trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em; 70% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết và vận dụng được kiến thức, kỹ năng phònag, tránh đuối nước và kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn và 90% ngôi nhà thuộc các hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí “Ngôi nhà an toàn”. |
Đề xuất các giải pháp mạnh
Theo Trung tâm quản lý khai thác công trình thủy lợi, trước tình trạng đuối nước ở trẻ, ngày 13/2 vừa qua, đơn vị đã có văn bản gửi các Trạm Quản lý, khai thác công trình thủy lợi các huyện, thị xã, thành phố và đầu mối Sông Ray việc thường xuyên phối hợp cùng địa phương thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý công trình để kịp thời phát hiện, nghiêm cấm những trường hợp người dân vào khu vực các công trình thuỷ lợi, lòng hồ chứa nước.
Đề xuất bổ sung biển cảnh báo đối với những điểm có nguy cơ đuối nước cao. Hiện UBND tỉnh đã có chủ trương việc lắp đặt hệ thống giám sát tại các vị trí như: Nhà quản lý, đập, tràn và cống thuộc công trình hồ chứa nước Sông Ray, Đá Đen, Sông Hỏa.
Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm quản lý khai thác công trình thủy lợi thông tin thêm: “Sắp tới, Trung tâm sẽ xin chủ trương của Sở NN-PTNT để đào hào sâu, đắp đất thành ụ và cắm bảng tại những đường mòn, lối mở để ngăn xe và người dân xuống hồ vui chơi. Mặc dù chỉ là biện pháp tạm thời nhưng cũng hạn chế được phần nào trẻ em, người dân xuống hồ vui chơi, tắm rồi xảy ra tai nạn”.
Ngoài giải pháp nêu trên, hiện Sở LĐTB-XH, Sở GD-ĐT cùng các địa phương đều đồng thuận với phương án sớm mở rộng, phổ biến các lớp học bơi để trang bị kỹ năng ứng phó với tai nạn đuối nước.
Theo ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, tới đây địa phương sẽ cân đối kinh phí để trang bị hồ bơi di động cho các trường. Đồng thời dành hồ bơi của Trung tâm VHTT để dạy bơi cho thiếu niên.
Đồng tình về việc phải dạy bơi cho trẻ nhỏ, ông Trần Văn Hiếu cũng cho rằng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có biển, sông, suối hồ ao rất nhiều, nhất là vùng nông thôn, nhưng các gia đình lại ít khi cho con em mình đi học bơi. “Do vậy, các em cần phải học bơi từ lúc còn nhỏ để phòng tránh tai nạn đuối nước”, ông Trần Văn Hiếu nói.
Bài, ảnh: TRẦN TIẾN - MẠNH QUÂN