Nghị định 99 "gỡ" khó cho các tổ chức tín dụng

Thứ Tư, 22/02/2023, 20:27 [GMT+7]
In bài này
.

Nghị định số 99/2022 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm ra đời nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất của khuôn khổ pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và pháp luật khác liên quan. Nghị định này cũng có nhiều điểm mới tác động tích cực đến hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD). Góp phần giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các TCTD trong quá trình đăng ký biện pháp bảo đảm.

Nghị định 99 với nhiều điểm mới góp phần giải quyết, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các tổ chức tín dụng. Trong ảnh: Người dân giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng Agribank TP.Bà Rịa
Nghị định 99 với nhiều điểm mới góp phần giải quyết, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các tổ chức tín dụng. Trong ảnh: Người dân giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng Agribank TP.Bà Rịa

Tháo gỡ nhiều bất cập

Nghị định 99 với 5 chương, 58 điều có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1, thay thế Nghị định số 102/2017/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm. Nghị định này quy định rõ nguyên tắc đăng ký, cung cấp thông tin; hiệu lực của đăng ký; cơ quan đăng ký, cơ quan cung cấp thông tin; trình tự, thủ tục chung về đăng ký biện pháp bảo đảm và trình tự, thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm đối với từng loại tài sản; công tác quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm. Nghị định áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Theo ông Nguyễn Văn Thơm, Phó Giám đốc Ngân hàng Agribank-Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu, Nghị định 99/2022 giúp ngân hàng giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc đăng ký giao dịch bảo đảm như sau:  Nghị định quy định rõ Nguyên tắc đăng ký, cung cấp thông tin. Theo đó, Cơ quan đăng ký phải thực hiện đúng thẩm quyền, nhiệm vụ, căn cứ, thủ tục và thời hạn; không làm phát sinh thủ tục khác với quy định của Nghị định này; không yêu cầu nộp thêm bất cứ giấy tờ nào hoặc không yêu cầu kê khai thêm bất cứ thông tin nào mà Nghị định này không quy định trong hồ sơ đăng ký; không yêu cầu sửa lại tên hợp đồng bảo đảm, nội dung thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm. Cơ quan đăng ký phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp vi phạm nguyên tắc này. (Khoản 1, 2 Điều 5)

Nghị định bổ sung nguyên tắc đăng ký áp dụng đối với tài sản hình thành trong tương lai; tài sản gắn liền với đất mà pháp luật không quy định phải đăng ký quyền sở hữu và cũng chưa được đăng ký quyền sở hữu theo yêu cầu; tài sản là cây hàng năm, công trình tạm; động sản không phải là tàu bay, tàu biển, chứng khoán đã đăng ký tập trung hoặc trường hợp đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm. Theo đó, việc đăng ký được thực hiện trên cơ sở thông tin được kê khai trên Phiếu yêu cầu đăng ký (Khoản 5 Điều 5)

“Đặc biệt, Nghị định này quy định rõ các trường hợp không chấm dứt hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp bảo đảm đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền đăng ký ban đầu (Khoản 2 Điều 6). Đồng thời, hoàn thiện hơn quy định về chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất sang thế chấp nhà ở, tài sản gắn liền với đất, bao gồm căn cứ thực hiện chuyển tiếp, hồ sơ chuyển tiếp đăng ký thế chấp, thủ tục chuyển tiếp đăng ký, bao gồm cả trường hợp nộp đồng thời hồ sơ chuyển tiếp đăng ký và hồ sơ đăng ký biến động đối với tài sản gắn liền với đất; cũng như xác định cụ thể trong các quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng đã đăng ký thế chấp, chỉ quyền mua nhà ở, tài sản gắn liền với đất phát sinh từ hợp đồng mới được chuyển tiếp sang đăng ký thế chấp nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất”, ông Nguyễn Văn Thơm nói. 

Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) nhận định, nghị định 99 đã quy định rõ ràng và cụ thể hơn một số phạm trù, khái niệm về hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm, cho thấy sự quan tâm lắng nghe, tiếp thu ghi nhận của Chính phủ, Ban soạn thảo Nghị định đối với ý kiến đóng góp của các TCTD nói riêng, các cá nhân tổ chức có liên quan đến hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm nói chung. Trong đó, có 9 nhóm nội dung sửa đổi bổ sung về: đăng ký biện pháp bảo đảm đối với các giao dịch bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên thứ ba; Sửa đổi tiêu đề của hợp đồng bảo đảm trong quá trình đăng ký biện pháp bảo đảm; Ghi nhận tư cách của Chi nhánh, Phòng giao dịch của TCTD trong hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm; Đăng ký biện pháp bảo đảm đối với các giao dịch bảo đảm bằng tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân; Áp dụng hồ sơ điện tử trong hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm; Thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký; Xóa đăng ký biện pháp bảo đảm khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai; Đăng ký đối với bất động sản thuộc quyền sử dụng, sở hữu chung của vợ chồng và Hủy đăng ký biện pháp bảo đảm.

 

Thống nhất về đăng ký biện pháp bảo đảm

Theo Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Nghị định 99 góp phần đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các quy định mới của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Bảo đảm hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và tiêu dung. Tạo điều kiện thuận lợi, khai thác tối đa giá trị kinh tế của tài sản trong nền kinh tế. Giảm thiểu rủi ro pháp lý, chi phí cho người dân, doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập. Đồng thời, thực hiện hiệu quả chiến lược cải cách thủ tục hành chính, chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoạt động của cơ quan đăng ký, hệ thống đăng ký. Khắc phục những vướng mắc, bất cập, bao quát được những vấn đề mới, yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động đăng ký.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai Nghị định 99 mới đây, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị các bộ, ngành chức năng và địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan nhanh chóng nắm bắt các nội dung, phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị định số 99. Nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về vai trò của hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm, đảm bảo thực hiện đúng quy định của nghị định, qua đó bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia đăng ký biện pháp bảo đảm.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

 
;
.