Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông (TNGT) nhưng người gây tai nạn không cấp cứu nạn nhân mà bỏ trốn khỏi hiện trường. Hành vi này sẽ bị xử lý ra sao?
P.T.N.T. (SN 2007, trú tại TP. Vũng Tàu) điều khiển xe máy gây tai nạn rồi bỏ mặc nạn nhân rời khỏi hiện trường. (Ảnh cắt từ clip). |
Mới đây, Công an huyện Long Điền đã làm việc với P.T.N.T. (SN 2007, trú tại TP. Vũng Tàu), người sau khi gây ra TNGT đã bỏ mặc nạn nhân, rời khỏi hiện trường. Tại cơ quan công an, T. khai nhận: Khoảng 3 giờ 30 sáng 31/1, T. mượn xe mô tô 72L9-3900 của người quen, chở một người đi từ TP. Bà Rịa về KP. Long Hiệp, TT. Long Điền.
Do không biết đường nên T. vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại tìm đường đi. Khi đến đoạn đường quy hoạch số 14, KP. Long Hiệp, trong lúc T. đang nhìn điện thoại thì xảy ra va chạm với người đi bộ trên đường. Sau khi xảy ra tại nạn, T. điều khiển xe rời khỏi hiện trường. Vụ tai nạn khiến người đàn ông bị thương tích nặng.
Theo Luật sư Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hành vi bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm là hành vi bị nghiêm cấm. Cụ thể, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nêu rõ: Người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô gây TNGT mà không dừng lại, giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn và không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn thì bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng; tước quyền sử dụng GPLX từ 5-7 tháng.
Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm hành vi trên bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng; tước quyền sử dụng GPLX từ 3 - 5 tháng. Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng, bị phạt tiền từ 10-12 triệu đồng; tước quyền sử dụng GPLX (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 5-7 tháng. Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác, bị phạt tiền từ 400-600 ngàn đồng.
Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ, chủ xe gây TNGT rồi bỏ trốn khỏi hiện trường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, theo Khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, người gây tai nạn bỏ trốn sẽ là tình tiết tăng nặng định khung, hình phạt từ 3-10 năm tù.
Bên cạnh đó, người không trực tiếp gây TNGT nhưng gặp người trong tình trạng nguy kịch do TNGT mà không cứu giúp cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, theo Điều 132, Bộ luật Hình sự 2015. Đó là người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Do vậy, trong quá trình tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện cần tuân thủ đúng Luật Giao thông đường bộ, làm chủ tốc độ và tập trung quan sát, xử lý các tình huống bất ngờ, tránh xảy ra TNGT.
Trong trường hợp gây ra TNGT, người điều khiển xe và người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm: Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Đồng thời, ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi lực lượng chức năng đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu, phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an gần nhất; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.
Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm: Bảo vệ hiện trường, giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn, báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc UBND nơi gần nhất; bảo vệ tài sản của người bị nạn; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
PHÚC MINH