Đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao
Thời gian qua, trên địa tỉnh xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao với số tiền hàng tỷ đồng. Vì vậy, bên cạnh công tác nghiệp vụ đấu tranh của lực lượng công an đối với loại tội phạm này, người dân cần nâng cao cảnh giác tránh “sa bẫy” của các đối tượng.
Lực lượng Công an tỉnh làm việc với đối tượng có hành vi “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng” trên không gian mạng. |
Chị Nguyễn Thị Th. H. (trú tại TP. Vũng Tàu) kể: tháng 8/2022, chị nhận được lời mời tham gia làm cộng tác viên bán hàng online nhóm thời trang “Yody” để hưởng hoa hồng. Sau khi tham gia nhóm trên ứng dụng Telegram với khoảng 120 thành viên, chị H. được các đối tượng hướng dẫn làm nhiệm vụ “Like, thả tim các hình ảnh”, mua sản phẩm giá trị thấp để được hoàn 100% số tiền mua hàng và 10% tiền hoa hồng trên sản phẩm mua. Để tạo lòng tin, lần đầu chị H. làm theo thì được hoàn 100% tiền mua hàng bỏ ra cùng 200 ngàn đồng tiền hoa hồng.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trên, chị H. được các đối tượng cho tham gia vào nhóm “OTTT79 Thành viên chính thức” trên ứng dụng Telegram. Nhóm này có 6 thành viên gồm 2 điều phối viên Nguyễn Anh Hoàng, Nguyễn Trường Tú và 4 người khác (tất cả đều không rõ nhân thân, lai lịch). Giống như ở nhóm trước, Hoàng và Tú đưa ra nhiệm vụ mua hàng, nhưng với số tiền lớn hơn và đề nghị chị H. thanh toán tiền đơn hàng để nhận hoàn lại 100% tiền mua hàng cùng 10% tiền hoa hồng.
Sau đó, chị H. mua hàng và chuyển khoản theo hướng dẫn. Tuy nhiên, các đối tượng báo cho chị H. biết, lần mua hàng này chị H. phải mua hàng 3 lần mới được hoàn tiền và nhận hoa hồng. Chị H. đã nhiều lần mua hàng và chuyển tiền hàng chục triệu đồng. Sau đó các đối tượng đưa ra nhiều lý do như: sai cú pháp, sai nội dung chuyển tiền, hết hạn mức phải nạp thêm tiền để tăng hạn mức, chưa hoàn thành nhiệm vụ… để từ chối hoàn tiền.
Nạn nhân của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng được nhắm đến là những người nhẹ dạ cả tin, ham lời, nhất là phụ nữ đang nuôi con nhỏ ở nhà không có việc làm, có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập.
|
Mỗi lần các đối tượng đưa ra một lý do kèm theo yêu cầu chị phải chuyển tiền thêm với số tiền càng lúc càng tăng. Nghi ngờ và biết mình bị lừa, chị H. không chuyển thêm tiền nữa mà trình báo cơ quan công an. Hiện vụ việc của chị H. đang được cơ quan công an điều tra làm rõ.
Theo Đại tá Bùi Văn Thảo, Giám đốc Công an tỉnh, năm 2022, lực lượng công an toàn tỉnh đã phát hiện 53 vụ, 145 đối tượng sử dụng công nghệ cao để phạm pháp (tăng 42 vụ, so với năm 2021).
Tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp, sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi như: tạo lập Wedsite giả mạo ngân hàng để chiếm đoạt thông tin tài khoản và mã OTP; giả danh nhân viên ngân hàng gọi để hỗ trợ xác thực thông tin, mở tài khoản…
Sau đó, đối tượng sẽ gửi tin nhắn hướng dẫn khách hàng cung cấp thông tin vào đường link (các đường link giả này thường chỉ khác 1 vài ký tự so với đường link thật) dẫn đến trang web giả mạng ngân hàng, yêu cầu nhập thông tin, mật khẩu, mã OTP… để chiếm đoạt tài sản; Cho vay qua việc cài ứng dụng bắt buộc cho phép truy cập danh bạ điện thoại để sử dụng danh bạ này gây sức ép đòi tiền; giả danh công an, viện kiểm sát, các cơ quan chức năng (thường sử dụng các đầu số nước ngoài, ẩn danh hoặc giả danh số điện thoại giống số điện thoại của cơ quan chức năng) để chiếm đoạt tài sản; giả hoạt động tuyển cộng tác viên bán hàng, đăng bài online, thanh toán đơn hàng ảo cho các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Amazon… để lừa đảo.
Tờ rơi tuyên truyền lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao-Công an tỉnh. |
Thời gian qua, Công an tỉnh và các địa phương đã tuyên truyền phổ biến cho người dân phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao. Trong đó, tập trung tuyên truyền trực tiếp tại công an các địa phương, cảnh báo qua mạng xã hội và các kênh truyền hình, báo chí.
“Thời gian tới, ngoài tiếp tục thực hiện các nội dung này, Công an tỉnh tiếp tục sử dụng trang fanpage “Tiêu điểm Bà Rịa-Vũng Tàu” và trang zalo official “Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao” Công an tỉnh để tuyên truyền các phương thức lừa đảo trên không gian mạng đến người dân”, Đại tá Bùi Văn Thảo nhấn mạnh.
Bài, ảnh: TRÍ NHÂN