Đủ chiêu trò "khủng bố" đòi nợ

Chủ Nhật, 19/02/2023, 18:31 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiều người dân dù không vay mượn, không bảo lãnh, thậm chí không hề quen biết người vay mượn tiền qua các ứng dụng (app) nhưng lại bị đối tượng “khủng bố” đòi nợ bằng điện thoại, tin nhắn hay bị bêu xấu trên các trang mạng xã hội.

Mặc dù không vay tiền, nhưng chị T. vẫn bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin “khủng bố” đòi nợ.
Mặc dù không vay tiền, nhưng chị T. vẫn bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin “khủng bố” đòi nợ.

Không vay vẫn bị... đòi nợ

Là kế toán phụ trách lương và các chính sách xã hội của một DN trên địa bàn TP.Vũng Tàu nên chị N.T.T. công khai số điện thoại để sẵn sàng giải đáp thắc mắc cho người lao động. Thời gian gần đây, chị liên tục nhận những tin nhắn, cuộc gọi của một nhóm người xưng là nhân viên một công ty tài chính, yêu cầu chị phải bảo người này, người kia trả nợ khoản vay quá hạn.

Chị T. giải thích là không liên quan tới các khoản nợ và yêu cầu liên hệ trực tiếp với người vay để được trả nợ. Tuy nhiên, những ngày sau đó, tần suất gọi điện, nhắn tin của nhóm người này ngày càng nhiều. Đồng thời, xuất hiện những cuộc gọi, tin nhắn có nội dung chửi bới, lăng mạ, đe dọa, khủng bố tinh thần chị. “Do liên tục bị gọi điện, nhắn tin quấy rối nên tôi đã chặn rất nhiều số, nhưng chặn số này thì họ lấy số khác gọi. Đồng thời, tôi nói với các đối tượng là đã chụp màn hình tin nhắn và ghi âm các cuộc gọi để trình báo cơ quan công an xử lý thì các cuộc gọi và tin nhắn thưa dần”, chị T. nói.

Tương tự, anh N.X.L. (phường 11, TP.Vũng Tàu), làm công nhân cơ khí của một công ty trong KCN Đông Xuyên, gần đây liên tục nhận những cuộc gọi của nhiều đối tượng thông báo: Một người bạn của anh đã vay tiền quá hạn và yêu cầu anh phải trả nợ. Anh L. nói không liên quan tới các khoản nợ của bạn, nhưng các đối tượng không ngừng nhắn tin chửi bới, đe doạ. Chỉ đến khi anh L. nói đã ghi âm và phản ánh vụ việc đến cơ quan công an thì sự việc mới ngừng lại. 

Chị N.T.T. dù không vay mượn tiền nhưng liên tục bị các đối tượng  gọi điện, nhắn tin đòi nợ với lời lẽ xúc phạm, thậm chí đe dọa tính mạng.
Chị N.T.T. dù không vay mượn tiền nhưng liên tục bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin đòi nợ với lời lẽ xúc phạm, thậm chí đe dọa tính mạng.

Có thể bị phạt 20 năm tù

Trước tình hình trên, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao-Công an tỉnh khuyến cáo người dân, trước hết cần phải bình tĩnh xử lý, giải thích ngắn gọn về việc không quen biết người vay hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ mà các đối tượng đề cập. Đồng thời, hỏi rõ thông tin đơn vị đòi nợ, nhắc nợ và yêu cầu cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình (nên ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm bằng chứng).

Kế tiếp, người dân nên sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền của các đối tượng đòi nợ. Đối với các trang Facebook cá nhân có thể khóa các bình luận của người lạ. Trong trường hợp nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, thậm chí đến mức bị “khủng bố” điện thoại, người dân có thể trình báo đến cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời. Tuyệt đối không cung cấp các thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ như giấy tờ tùy thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống.

Trong trường hợp có các hành vi tương tự như trên nhưng chưa đến mức xử lý trách nhiệm hình sự thì người có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử: Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng (đối với tổ chức) với hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. (Đối với hành vi vi phạm của cá nhân bằng 1/2 của tổ chức). Ngoài ra, còn áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung cho hành vi này là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Luật sư Nguyễn Văn Cảnh, Giám đốc Công ty Luật Nguyễn Cảnh cho biết, hành vi “khủng bố” đòi nợ có thể bị xử lý hình sự về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Cụ thể, căn cứ Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: hành vi gọi điện, nhắn tin nhằm ép buộc cá nhân hoặc tổ chức trả một khoản nợ khống là có dấu hiệu cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Mức phạt cao nhất cho tội này có thể lên đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản.

Trường hợp người gọi điện, nhắn tin không nhằm mục đích cưỡng đoạt tài sản mà xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì hành vi này cấu thành tội “Làm nhục người khác” với mức hình phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm (tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả gây ra). Trường hợp gọi điện nhằm vu khống cá nhân, tổ chức có hành vi chiếm đoạt tài sản thì cấu thành tội “Vu khống” với mức hình phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm (tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra).

Bài, ảnh: PHƯỚC AN

 
;
.