Ngày 29/12, sau 2 tuần xét xử và nghị án kéo dài, TAND TP.Hồ Chí Minh đã tuyên án sơ thẩm vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “rửa tiền” xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba (gọi tắt Công ty Alibaba) và tuyên phạt Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc điều hành) tù chung thân.
Chiếm đoạt hơn 2.400 tỷ đồng
Theo cáo trạng, Nguyễn Thái Luyện thành lập 22 công ty trực thuộc Công ty Alibaba. Luyện giao cho người thân tín, nhân viên đứng tên, mua hàng triệu m2 đất nông nghiệp tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu rồi "vẽ" ra 58 dự án “ma” để bán, lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.400 tỷ đồng của hơn 4.550 khách hàng.
Theo HĐXX, bị cáo Luyện biết rõ dự án đầu tư để bán, cho thuê dưới hình thức phân lô, bán nền phải bảo đảm đất có giấy chứng nhận, được UBND cấp tỉnh chấp thuận đầu tư, đã chuyển mục đích sang đất ở, hoàn thành xây dựng hạ tầng, kỹ thuật, dịch vụ thiết yếu; hoàn thành nghĩa vụ tài chính…
Toàn cảnh phiên xét xử vụ án tại Công ty Alibaba. |
HĐXX đối chiếu tài liệu, lời khai của bị cáo Luyện tại tòa, xác định bị cáo không có văn bản nào xin phép chủ trương đầu tư 58 dự án. Tại thời điểm ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các dự án hầu hết là đất nông nghiệp, chưa có hạ tầng; chỉ chặt cây, san lấp, lắp biển quảng cáo để phân lô, có bản vẽ chi tiết để chào bán…
HĐXX xét thấy, đất nền bị cáo bán không đủ điều kiện chuyển nhượng, hầu hết là đất rừng, nông nghiệp, không được quy hoạch.
Bị cáo Luyện còn đặt tên dự án do mình lập ra bằng các mỹ từ như: Alibaba Thắng Hải “đảo quốc sư tử, nghỉ dưỡng tại Bình Thuận"; tổ chức nhiều sự kiện, mời ca sĩ, hứa hẹn, đưa ra phương thức thanh toán như trả góp… khiến bị hại tin tưởng, tin vào tương lai được sống trong dự án đáng sống.
Các bị cáo tại phiên xét xử. |
Theo HĐXX, bị cáo Luyện là chủ mưu, cầm đầu, xuyên suốt, từ định hướng vị trí đất, chọn người đứng tên nhận chuyển nhượng, phân lô, quyết định giá đất… Hơn 3 năm đến khi khởi tố vụ án, Công ty Alibaba đã bán cho 4.548 bị hại, chiếm đoạt 2.446 tỷ đồng.
Án chung thân cho kẻ cầm đầu
Từ những nhận định trên, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Thái Luyện tù chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ bị cáo Luyện) bị phạt 20 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 12 năm tù về tội “rửa tiền”, tổng hợp hình phạt chung là 30 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Thái Lực (em Luyện) bị phạt 17 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 10 năm tù về tội “rửa tiền”, tổng hợp hình phạt là 27 năm tù. Bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh (em Luyện) 17 năm tù; bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp với hình phạt 4 năm 6 tháng tù của bản án do TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tuyên trước đó là 16 năm 6 tháng tù.
Các bị cáo khác nhận mức án từ 10-19 năm tù. Riêng bị cáo Huỳnh Kim Thắng (đang được tại ngoại để chữa bệnh ung thư) bị tuyên phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện (bên phải) bị tuyên án chung thân. |
Đối với 20 thỏi kim loại màu vàng đã được cơ quan giám định xác định không phải là vàng kèm 2 túi đựng các giấy tờ cá nhân của bị cáo Luyện, HĐXX cho rằng đây là vật dụng và giấy tờ cá nhân của bị cáo nên đã trả lại. Đối với các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tiền mặt và tài sản khác, tiếp tục kê biên để bảo đảm việc thi hành án.
Vụ án này được xem là vụ án kỷ lục với 23 bị cáo, hơn 1 triệu bút lục. Tính riêng cáo trạng vụ án và phụ lục được diễn giải 500 trang. Cơ quan tố tụng phải sử dụng 2 xe tải để chở hồ sơ. Có gần 5.000 người tham gia tố tụng với 4.550 bị hại, 100 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và 42 luật sư. |
HĐXX cũng kiến nghị cơ quan điều tra các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu làm rõ vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tách thửa, nếu có sai phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật. Kiến nghị Công an TP. Hồ Chí Minh tiếp tục làm rõ và thu hồi 9 tỷ đồng mà bị cáo Mai đã chuyển cho 2 cá nhân vì đây là tiền phạm tội.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc bị cáo Luyện và Mai liên đới bồi thường toàn bộ số tiền hơn 2.400 tỷ đồng chiếm đoạt của các bị hại.
Bài, ảnh: MẠNH QUÂN