.

Nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm hành chính

Cập nhật: 20:07, 26/12/2022 (GMT+7)

Thực tiễn thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (VPHC) hiện nay còn nhiều chồng chéo, vướng mắc. Do vậy, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong xử lý VPHC chưa cao,  gặp nhiều khó khăn.

Một thửa đất ruộng tại xã Bình Trung (huyện Châu Đức) bị san lấp cách đây 8 tháng chưa thể khôi phục  hiện trạng ban đầu.
Một thửa đất ruộng tại xã Bình Trung (huyện Châu Đức) bị san lấp cách đây 8 tháng chưa thể khôi phục hiện trạng ban đầu.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo đánh giá của UBND tỉnh, năm 2022 trên địa bàn tỉnh không xảy ra các trường hợp VPHC có tính  chất nghiêm trọng, phức tạp, có tổ chức gây ảnh hưởng lớn đến an ninh-chính trị, trật tự-an toàn xã hội. 

Hành vi VPHC thường xảy ra ở những lĩnh vực như: y tế, đất đai, môi trường, xây dựng cơ bản, giao thông đường bộ, an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, tệ nạn xã hội. Nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao, chưa nhận thức rõ  nguy cơ, tác hại do hành vi vi phạm của mình gây ra cho xã hội. Một số hộ gia đình, tổ chức chưa có ý thức tuân thủ pháp luật về kinh doanh, sử dụng đất đai,...

Quá trình thi hành pháp luật về xử lý VPHC tại địa phương cũng tồn tại nhiều bất cập. Một số quy định pháp luật về xử lý VPHC còn chung chung, mâu thuẫn và chồng chéo. Chẳng hạn, tại Khoản 3, Điều 17 Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 (quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản) chỉ quy định xử phạt về hành vi “nuôi trồng thủy sản trên biển không được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định”, không quy định xử phạt đối với các trường hợp nuôi trồng thủy sản trên sông. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý đối với các địa phương có hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Tương tự, Điều 8, Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2022 (quy định xử phạt VPHC trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng), quy định: “Buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng”. Các loại hàng cấm hay không và các loại hàng cấm khác cụ thể ở đây được dẫn chiếu từ văn bản pháp luật nào? Không có một danh mục hàng cấm cụ thể trong phạm vi xử phạt VPHC về loại hàng hóa khác mà nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng. 

“Việc quy định không rõ ràng như vậy sẽ gây khó khăn rất lớn cho lực lượng chức năng khi tiến hành hoạt động kiểm tra và xử phạt VPHC về buôn bán hàng cấm vì không biết dẫn chứng và căn cứ pháp lý nào để xác định các loại “hàng hóa khác”, báo cáo của UBND tỉnh gửi Bộ Tư pháp ngày 20/12 nêu.

Khó khăn, vướng mắc còn xuất phát từ quy định của Luật Xử lý VPHC có nhiều bất cập, khó  thực hiện trong thực tế; trong các quy định của các văn bản quy định chi tiết Luật Xử lý VPHC; việc tổ chức thực hiện Luật xử lý VPHC và các văn bản quy định chi tiết thi hành.

Trao đổi với PV Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Phạm Xuân Núi, Chủ tịch UBND xã Bình Trung (huyện Châu Đức) cho hay, những thửa ruộng bị san lấp ồ ạt cách đây khoảng 8 tháng trên địa bàn xã đều đã bị lập biên bản, xử phạt. Tuy nhiên, việc khôi phục trả lại hiện trạng ban đầu còn dang dở, thậm chí nhiều khu đất đã trồng cây ăn trái. “Thời điểm “sốt đất” họ làm ồ ạt, bán sang tay bao nhiêu người. Giờ “đất đứng im” họ bỏ chạy hết nên không biết tìm chủ đất ở đâu để xử lý”, ông Phạm Xuân Núi nói.

Theo UBND tỉnh, việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “trả lại hiện trạng ban đầu của đất” trong lĩnh vực đất đai chưa thể thực hiện được. Bởi Nghị định Chính phủ giao UBND tỉnh ban hành quy định chi tiết về mức độ khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Tuy nhiên, Bộ chuyên ngành chưa hướng dẫn cụ thể các tiêu chí nên khó thực hiện.

Năm 2022, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có hơn 4.240 đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, giảm 10.128 đối tượng so với cùng kỳ năm 2021. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã xử phạt VPHC 4.488 vụ và gần 5.000 đối tượng. Hơn 4.720 quyết định VPHC được ban hành với số tiền phạt thu gần 24 tỷ đồng.

 

Kiến nghị tăng thẩm quyền và mức phạt

Từ những vướng mắc nêu trên, tại báo cáo số 727/BC-UBND ngày 20/12 gửi Bộ Tư pháp về công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC năm 2022, UBND tỉnh kiến nghị Bộ cần thường xuyên tổ chức  tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về kỹ năng nghiệp xử lý VPHC, vấn đề áp dụng pháp luật về xử lý VPHC cho các địa phương nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về xử lý VPHC.

Nghiên cứu bổ sung quy định theo hướng tăng thẩm quyền xử lý vi phạm, tăng mức tiền xử phạt VPHC, nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng, thuế, hải quan. Quy định chi tiết, cụ thể việc tịch thu tang  vật, phương tiện vi phạm để bảo đảm tính kịp thời trong xử phạt VPHC. Kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan  sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới các quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và địa phương, cơ sở dễ thực hiện.

UBND tỉnh cho rằng, Bộ Tư pháp khi tham mưu Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp  luật về xử lý vi phạm hành chính cần có những quy định phù hợp về thẩm quyền  lập biên bản VPHC phù hợp với công tác tổ chức cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được luật giao xử phạt VPHC, nhằm bảo đảm những quy định của pháp luật được thực thi có hiệu quả trong thực tiễn.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

 
.
.
.