Ngăn chặn buôn bán xăng dầu lậu trên biển

Thứ Sáu, 21/10/2022, 19:34 [GMT+7]
In bài này
.

Lợi dụng thời điểm giá xăng, dầu tăng cao, các vụ buôn lậu xăng dầu từ nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp. Trước tình trạng này, lực lượng chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn ngừa.

Lực lượng chức năng BĐBP tỉnh phát hiện tàu TG 90505 TS (tỉnh Tiền Giang) đang vận chuyển 35.000 lít dầu D.O trái phép.
Lực lượng chức năng BĐBP tỉnh phát hiện tàu TG 90505 TS (tỉnh Tiền Giang) đang vận chuyển 35.000 lít dầu D.O trái phép.

Trang bị rada, thiết bị hiện đại để lẩn tránh

Ngày 9/10, trong quá trình tuần tra trên vùng biển cách Côn Đảo khoảng 100 hải lý về phía Đông Nam, lực lượng chức năng Vùng Cảnh sát biển (CSB) 3 phát hiện tàu BT 99887 TS (tỉnh Bình Thuận) không đánh bắt hải sản mà chạy lòng vòng.

Qua phân tích đặc điểm tình hình, các cán bộ, chiến sĩ nhận định phương tiện trên đang vận chuyển trái phép xăng dầu để bán cho tàu cá trên biển nên tiến hành kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng Vùng CSB 3 xác định tàu BT 99887 TS đã hoán cải hầm tàu để vận chuyển khoảng 46.000 lít dầu D.O. Thuyền trưởng tàu khai nhận mua dầu D.O từ những tàu trôi nổi trên biển để bán lại kiếm lời. Khi đang trên đường đi tiêu thụ thì bị phát hiện.

Trước đó, ngày 6/9, quá trình tuần tra tại vùng biển cách mũi Vũng Tàu khoảng 70 hải lý về phía Đông Nam, Tổ công tác của Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP tỉnh, Hải đội Biên phòng 2 và Đồn Biên phòng Côn Đảo phát hiện tàu TG 90505 TS (tỉnh Tiền Giang) đang vận chuyển 35.000 lít dầu D.O. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hải không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số dầu trên.

Bà Rịa-Vũng Tàu là cửa ngõ đường thủy của vùng Đông Nam Bộ, lượng tàu, thuyền qua lại rất lớn, nhu cầu xăng dầu phục vụ cho các tàu cá khai thác thủy sản cao. Nắm bắt được thực tế đó, một số đối tượng buôn lậu đã tranh thủ chênh lệch giữa giá xăng dầu trong nước và các nước lân cận để tìm cách mua bán, vận chuyển trái phép mặt hàng này từ nước ngoài về vùng biển Việt Nam tiêu thụ.

Thượng tá Trần Văn Khoái, Trưởng Phòng Pháp luật Vùng CSB 3 cho biết, qua đấu tranh, triệt phá, lực lượng Vùng Cảnh sát biển 3 nhận thấy phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu xăng dầu trên biển rất tinh vi. Cụ thể, các đối tượng giao dịch với đầu nậu ở Thái Lan, Cam-puchia để thỏa thuận về giá, địa điểm, thời gian, phương thức giao nhận và thanh toán. Sau đó, các đối tượng sử dụng tàu cá núp bóng ngư dân đi đánh cá đến nhận dầu tại những tọa độ hẹn trước, rồi mang về bán lại cho tàu cá Việt Nam.

Đối tượng tham gia hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng, dầu đa dạng, gồm: chủ tàu cá mua xăng dầu từ tàu nước ngoài với giá rẻ, rồi bán ngay cho tàu cá khác; chủ tàu, DN tư nhân mua xăng dầu từ các tàu vận tải, rồi bán cho những tàu cá hoặc đại lý xăng dầu trên bờ; tàu được phép bán lẻ xăng dầu thay vì mua từ đất liền thì mua ngay của các tàu chở xăng dầu trên biển để bán lại.

Thiếu tá Trương Việt Tuyến, Đội trưởng Đội phòng chống ma túy và tội phạm Hải đoàn Biên phòng 18 cho biết: Đối tượng cầm đầu thường không trực tiếp “xuất đầu lộ diện” mà chỉ đạo gián tiếp thông qua thuyền trưởng và thuyền viên. Các chủ đầu nậu thường sử dụng sim “rác” để giao dịch nên khi cơ quan chức năng bắt giữ thì việc xác định chủ hàng, chứng minh yếu tố vi phạm pháp luật, xử lý vụ án gặp nhiều khó khăn. Thậm chí nhiều đối tượng còn đầu tư trang bị radar, định vị hiện đại để phát hiện lực lượng chức năng từ xa hòng nhanh chóng tẩu thoát.

Đẩy mạnh triệt phá

Trong cơ cấu giá, mỗi lít xăng, dầu bán ra, thông thường chịu 4 loại thuế: giá trị gia tăng (VAT 8%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường. Tổng 4 loại thuế trên đối với xăng RON95 chiếm khoảng 38% giá bán ra của một lít xăng RON95. Chỉ cần vận chuyển trót lọt một tàu dầu trị giá 100 tỷ đồng, những kẻ buôn lậu có thể đút túi hàng chục tỷ đồng.

Vì lợi nhuận cao nên hoạt động buôn lậu xăng dầu trên biển vẫn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, giá nhiên liệu mua bán bất hợp pháp trên biển thấp hơn nhiên liệu hợp pháp ở trong bờ từ 3.000 - 4.500 đồng/lít dầu D.O và 5.000 - 6.500 đồng/lít xăng nên ngư dân chấp nhận mạo hiểm mua xăng dầu lậu ngoài biển để tiết kiệm chi phí.

Theo Thiếu tá Trương Việt Tuyến, từ nay đến Tết Nguyên đán 2023, hoạt động buôn lậu trên biển, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu vẫn có diễn biến phức tạp. Do đó, ngoài phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, CSB, Hải quan nắm tình hình, trao đổi thông tin, xây dựng kế hoạch phối hợp đấu tranh với các đối tượng, đường dây phức tạp, liên quan tới nhiều địa bàn.

“Vùng CSB 3 sẽ đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát ở các vùng biển trọng điểm để kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi đầu cơ, nhập lậu xăng dầu. Đồng thời chú trọng tuyên truyền cho ngư dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại đối tượng, tác hại của  hành vi vi phạm gây ra đến nền kinh tế, đời sống người dân, từ đó chung tay đấu tranh ngăn chặn tình trạng này”, Thượng tá Trần Văn Khoái, Trưởng Phòng Pháp luật Vùng CSB 3 nói.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

 
;
.