NÂNG CAO VIỆC CHẤP HÀNH LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH

Cần tính đến việc thuê luật sư công và phiên tòa trực tuyến

Thứ Tư, 12/10/2022, 19:06 [GMT+7]
In bài này
.

Phiên tòa trực tuyến với nhiều ưu điểm như tiết kiệm chi phí, thời gian, góp phần cải cách tư pháp và thúc đẩy chuyển đổi số. Đồng thời, được kỳ vọng giúp cho Chủ tịch UBND, UBND thực hiện tốt hơn các quy định trong Luật tố tụng Hành chính 2015.

Phiên tòa trực tuyến được kỳ vọng sẽ giúp cho Chủ tịch UBND chấp hành Luật tố tụng Hành chính tốt hơn.
Phiên tòa trực tuyến được kỳ vọng sẽ giúp cho Chủ tịch UBND chấp hành Luật tố tụng Hành chính tốt hơn.

Giải pháp từ phiên tòa trực tuyến

Trong chương trình giám sát tình hình triển khai thực hiện công tác thi hành án hành chính (THAHC) với UBND tỉnh và các địa phương của Đoàn giám sát của HĐND tỉnh mới đây nổi lên vấn đề khó khăn trong chấp hành pháp luật của chủ tịch UBND, UBND trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu kiện.

Theo UBND tỉnh, với quy định tại Khoản 3, Điều 60 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015,  trường hợp người bị kiện là UBND, Chủ tịch UBND nếu không tham gia tố tụng tại tòa án thì chỉ được ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND. Trên thực tế, lãnh đạo UBND phải thực hiện nhiều công việc, nên việc tham gia đầy đủ những vụ kiện, nhiều thủ tục tố tụng tại tòa án theo quy định này rất khó khăn.

Ông Võ Đức Tùng, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho hay, hiện nay hầu hết vụ án có liên quan đến các quyết định hành chính về lĩnh vực đất đai bị khởi kiện, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh phải cử cán bộ, công chức của Sở TN-MT hoặc một số sở, ngành có liên quan là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp để tham gia tố tụng.

Tượng tự, UBND TP.Vũng Tàu cho rằng, lãnh đạo thành phố phải thực hiện nhiều công việc quản lý Nhà nước nên việc có mặt theo giấy triệu tập của tòa án đột xuất dẫn đến bị động. Mỗi vụ việc tòa án triệu tập tham gia tố tụng từ 3-5 lần. Trường hợp phiên tòa cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh thường bị hoãn thì việc tham gia tố tụng khó khăn, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng tới hoạt động điều hành phát triển kinh tế-xã hội,  bảo đảm an ninh, quốc phòng tại địa phương.

Từ 1/10/2016 đến 30/6/2022, có 370 quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh bị khiếu kiện. Các quyết định hành chính bị khởi kiện chủ yếu liên quan đến đất đai, nhà cửa - chiếm khoảng 95%, còn 5% là liên quan đến quyết định xử phạt hành chính.

“Trong thực tiễn, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu rất nhiều công việc phải giải quyết nên sẽ khó có thời gian để nghiên cứu hồ sơ, tham gia đối thoại, cũng như tham dự phiên tòa. Trong khi đó, các quyết định hành chính của Chủ tịch UBND và UBND TP.Vũng Tàu hầu hết là do các cơ quan chuyên môn tham mưu nhưng không được ủy quyền tham gia tố tụng”, đại diện UBND TP.Vũng Tàu nói.

Trước những khó khăn trên, ông Võ Đức Tùng, đại diện UBND tỉnh nêu kiến nghị: “cần sửa đổi, bổ sung Khoản 3, 7 Điều 60 và Khoản 2, Điều 61 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 theo hướng quy định mở rộng hơn về người đại diện theo ủy quyền, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự để tham gia tố tụng khi Chủ tịch UBND, UBND là người bị kiện trong vụ án hành chính. Từ đó, các cơ quan chuyên môn tham mưu, giải quyết các vụ việc này chủ động thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ khi tham gia tố tụng tại tòa: đối thoại, tranh luận, đưa ra chứng cứ, quan điểm bảo vệ vụ việc,... đạt hiệu quả nhất”.

Về vấn đề này, thành viên của đoàn giám sát HĐND tỉnh cho rằng phiên tòa trực tuyến sẽ giúp “hóa giải”. “Nếu Chủ tịch UBND không thể trực tiếp có mặt tại tòa nhưng ở phiên tòa trực tuyến sẽ dễ dàng tham gia được. Chủ tịch UBND ở trụ sở, có đội ngũ giúp việc bên cạnh để hỗ trợ. Nếu phiên tòa trực tuyến hiệu quả thì nên xem xét chỉ đạo thực hiện”, một thành viên đoàn giám sát gợi ý.

Trao đổi với phóng viên, bà Lý Thị Lệ Thuỷ, Chánh văn phòng TAND tỉnh đánh giá phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp, phù hợp với thực tiễn. Tòa trực tuyến giúp cho buổi xét xử bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng. Bảo đảm việc lưu trữ, bảo quản hồ sơ vụ án khi không phải di chuyển nhiều và giảm thiểu các chi phí, thời gian đi lại. Là một giải pháp quan trọng góp phần thực hiện cải cách tư pháp, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành tòa án.

“Phiên tòa trực tuyến tạo điều kiện cho người bị kiện, thủ trưởng hay cấp phó được ủy quyền không phải đến tòa mà vẫn có thể tham gia phiên tòa, giúp tuân thủ Điều 60, Luật Tố tụng Hành chính. Chủ tịch UBND và Phó Chủ tịch UBND có thể ngồi tại cơ quan, bên cạnh là các phòng ban, có hồ sơ đầy đủ và nhanh chóng giúp bảo vệ vững chắc những quyết định hành chính của mình”, bà Lý Thị Lệ Thủy nêu quan điểm.

Khoản 3, Điều 60 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015 quy định ủy quyền tham gia tòa hành chính như sau: “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của luật này”.

 

Cân nhắc kỹ việc thuê luật sư công

Cũng trong chương trình giám sát, việc thuê luật sư công để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho Chủ tịch UBND, UBND trong các vụ kiện quyết định hành chính cũng được đưa ra bàn bạc.

Bà Trần Thị Bạch Huệ, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho hay: “UBND TP.Vũng Tàu rất “tha thiết” về việc thuê luật sư công trợ giúp lãnh đạo UBND trong các vụ kiện hành chính. Người dân khi tham gia vụ kiện có luật sư bảo vệ quyền lợi cho họ, trong khi chính quyền chỉ có các cán bộ công chức. Vấn đề này trước đây cũng từng được UBND tỉnh đưa ra bàn bạc nhiều lần”.

Trả lời vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Công Vinh cho rằng, khi thuê luật sư công còn phải tính toán vấn đề chi phí. Ngoài ra, bộ máy chính quyền có đầy đủ các cơ quan ban ngành chuyên môn sâu về các lĩnh vực. “Quan điểm của tôi là không đồng ý thuê luật sư công. Mà cán bộ ban, ngành chuyên môn phải không ngừng nâng cao vai trò trách nhiệm để có đầy đủ năng lực bảo vệ được quyết định đúng pháp luật của chính quyền”, ông Nguyễn Công Vinh nói.

Về kiến nghị này, bà Lý Thị Lệ Thủy, Chánh văn phòng TAND tỉnh nhìn nhận việc thuê luật sư công là nhu cầu phù hợp để bảo vệ cho quyền lợi hợp pháp của chính quyền. “Cán bộ của các ban, ngành tuy nắm vững, mạnh về chuyên môn nhưng khi tham gia phiên tòa lại thiếu đi kiến thức, kỹ năng tranh tụng. Khi có luật sư công tham gia phiên tòa sẽ bài bản hơn như: biết ở phiên đối thoại cần làm gì, phiên hòa giải cần làm gì, các bước tiến hành sẽ tốt hơn là cán bộ chuyên môn”, bà Lý Thị Lệ Thủy lý giải.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

 
;
Đơn vị cung cấp Luật Bắc Dương: Kiến Tạo Niềm Tin uy tínĐơn vị cung cấp Luật Bắc Dương: Kiến Tạo Niềm Tin uy tíndịch vụ luật sư toàn quốc luật sư tranh chấp đất đai uy tín luật sư tranh chấp đất đai uy tínchia thừa kế chia thừa kế theo di chúctư vấn ly hôn ly hôn nhanh
.