Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, một số quy định tại Pháp lệnh này vẫn còn chồng chéo với các quy định pháp luật hiện hành và chưa phù hợp với thực tế.
Hành vi cản trở hoạt động tố tụng sẽ có hiệu lực từ 1/9/2022. Trong ảnh: Một phiên tòa xét xử hình sự tại TAND tỉnh. |
Pháp lệnh Xử phạt VPHC đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng (có hiệu lực từ 1/9/2022) gồm 4 chương, 48 điều quy định về hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý VPHC; thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng...
Trong đó, Điều 23 của Pháp lệnh Xử phạt VPHC đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng quy định, đối với hành vi “ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của HĐXX mà không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự sẽ bị xử phạt VPHC, phạt tiền từ 7- 15 triệu đồng”.
Về hành vi nhà báo đưa tin sai sự thật, khoản 7 Điều 22 Pháp lệnh trên cũng nêu rõ: nhà báo đăng, phát nội dung thông tin sai sự thật trên báo chí nhằm cản trở hoạt động tố tụng của tòa án thì áp dụng theo pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí.
Ngoài ra, Điều 23, của Pháp lệnh còn quy định, nhà báo không thực hiện yêu cầu của tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo khi tham dự phiên tòa để hoạt động nghiệp vụ báo chí sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Theo luật sư Thịnh Đình Quang (Hội Luật gia tỉnh), việc đưa các quy định xử phạt VPHC các hành vi gây cản trở hoạt động tố tụng được đánh giá là phù hợp, thể hiện tính nghiêm minh và thực thi pháp luật trong hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, một số quy định tại Pháp lệnh Xử phạt VPHC đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng có hiệu lực từ ngày 1/9 tới đây, vẫn còn một số điểm chồng chéo so với quy định pháp luật hiện hành và chưa phù hợp với thực tế.
Cụ thể, việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa còn là quyền của nhà báo trong hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai. Điều này được quy định rõ tại Điều 9, Điều 25 Luật Báo chí. Mà Luật Báo chí có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động báo chí. Trong khi đó, việc báo chí tham gia tác nghiệp tại các phiên tòa, còn góp phần tuyên truyền pháp luật, giáo dục, răn đe, ngăn ngừa tội phạm.
Đồng thời, báo chí góp phần giám sát xã hội, để nhân rộng cái tốt và hạn chế điều chưa tốt hoạt động xét xử của tòa án. Nếu buộc nhà báo phải có sự đồng ý của những người tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng trước khi thực hiện việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa dân sự, hành chính (nhất là các phiên tòa đông người) thì không khả thi, vì thực tế không ai muốn mình bị ghi hình tại phiên tòa.
“Theo quy định trên thì việc ghi âm, quay hình của nhà báo sẽ bị cấm và tùy vào thái độ xử sự của thẩm phán, chủ tọa phiên tòa, đương sự, người tham gia tố tụng ở từng phiên tòa, nên sẽ rất bất cập. Quy định này ảnh hưởng đến hoạt động báo chí theo luật Báo chí, hạn chế quyền tác nghiệp của báo chí, hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân”, luật sư Quang phân tích.
Ngoài ra, việc ghi âm, ghi hình của nhà báo tại phiên tòa còn là hoạt động nghiệp vụ để bảo đảm đưa thông tin đúng sự thật. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để nhà báo lưu giữ chứng cứ về diễn biến thực tế, để bảo vệ mình khi cần thiết. “Do đó, Pháp lệnh Xử phạt VPHC đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng chỉ nên quy định xử lý việc nhà báo ghi âm, ghi hình mà đăng phát không xin phép và sử dụng việc ghi âm, ghi hình vào mục đích cá nhân; xâm phạm tới quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức sẽ hợp lý hơn”, luật sư Quang nói.
Bài, ảnh: THANH HẢI