Buôn lậu xăng dầu trên biển vẫn diễn biến phức tạp

Thứ Hai, 22/08/2022, 17:43 [GMT+7]
In bài này
.

Mặc dù giá xăng dầu trong nước đã giảm, song hoạt động buôn lậu xăng dầu trên biển vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là việc biến tàu cá thành tàu chứa xăng dầu để trục lợi. Trước tình trạng này, lực lượng chức năng đang ráo riết thực hiện nhiều biện pháp siết chặt, quản lý nhằm ngăn chặn.

Lực lượng chức năng Hải đoàn Biên phòng 18 kiểm tra phương tiện và hàng hóa trên tàu TG 90187 TS.
Lực lượng chức năng Hải đoàn Biên phòng 18 kiểm tra phương tiện và hàng hóa trên tàu TG 90187 TS.

Ngư dân “biến” thành con buôn

Bà Rịa-Vũng Tàu có lưu lượng tàu, thuyền qua lại rất lớn. Nắm bắt nhu cầu sử dụng xăng dầu để vận chuyển hàng hóa, khai thác hải sản, nhiều chủ tàu cá lớn đã hoán đổi phương tiện thành tàu chở xăng dầu rồi móc nối với các đối tượng nước ngoài mua xăng dầu giá rẻ để bán lại thu lợi nhuận chênh lệch.

Trước tình hình đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Cảnh sát biển (CSB) tuần tra, chốt chặn, mật phục và phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, mua bán xăng dầu trái phép.

Điển hình, ngày 31/7, trong quá trình tuần tra tại vùng biển cách Côn Đảo 10 hải lý về phía Nam, Hải đoàn Biên phòng 18 (phường 12, TP. Vũng Tàu) phát hiện tàu cá TG 90187 TS do ông Nguyễn Văn Ngọc Ánh (SN 1974, trú tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) làm thuyền trưởng sử dụng hầm tàu để vận chuyển 30.000 lít dầu D.O trái phép. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời đưa tàu về TP.Vũng Tàu điều tra xử lý.

Trước đó, ngày 19/7, tại vùng biển cách Côn Đảo khoảng 50 hải lý về phía Đông Đông Nam, lực lượng chức năng của Vùng CSB 3 phát hiện tàu vỏ gỗ số hiệu BT 99889 TS do ông Nguyễn Văn Trí (SN 1984, trú tại phường An Hòa, TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng có dấu hiệu nghi vấn đã lên kế hoạch theo dõi. Quá trình theo dõi, cán bộ, chiến sĩ càng khẳng định phương tiện trên  vận chuyển trái phép xăng dầu. Sau khi tiếp cận và yêu cầu kiểm tra, lực lượng Vùng CSB 3 phát hiện tàu BT 99889 TS tuy vẫn là tàu cá, nhưng hầm tàu đã được hoán cải để chở 50.000 lít dầu D.O.

Tương tự,  ngày 17/7, lực lượng chức năng Vùng CSB 3 cũng đã phát hiện tàu TG 93798 TS do ông Trần Công Quang (SN 1973, trú tại phường Tân Long, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) làm thuyền trưởng vận chuyển 90.000 lít dầu D.O không rõ nguồn gốc.

Thủ đoạn mới tinh vi

Thượng tá Trần Văn Khoái, Trưởng Phòng Pháp luật Vùng CSB 3 cho biết, nhằm đánh lạc hướng điều tra của lực lượng chức năng, nhiều đối tượng hoán cải tàu cá thành tàu chở xăng dầu, ngụy trang dụng cụ trên tàu là khai thác thủy sản để che đậy việc mua bán xăng dầu trái phép. Thậm chí còn dùng thủ đoạn như thay đổi tên và số hiệu phương tiện, tuyến hành trình, tắt thiết bị định vị hòng qua mặt lực lượng chức năng.

Ngoài ra, các tàu vi phạm thường neo đậu ở vùng biển giáp ranh Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Malaysia rồi lợi dụng đêm tối, thời tiết xấu hoặc vào thời điểm lực lượng chức năng bàn giao ca để bơm xăng dầu sang tàu nhỏ.

Theo Thiếu tá Trương Việt Tuyến, Đội trưởng Đội phòng chống ma túy và tội phạm Hải đoàn Biên phòng 18, việc giao nhận xăng dầu trên biển diễn ra khá tinh vi. Đối tượng cầm đầu thường không trực tiếp “xuất đầu lộ diện” mà chỉ đạo gián tiếp thông qua thuyền trưởng và thuyền viên trên tàu. Các chủ đầu nậu cũng sử dụng sim “rác” để giao dịch nên khi cơ quan chức năng bắt giữ thì việc xác định chủ hàng, chứng minh yếu tố vi phạm pháp luật, xử lý gặp rất nhiều khó khăn.

"Theo nhận định của BĐBP tỉnh, từ nay đến Tết Nguyên đán 2023, hoạt động buôn lậu xăng dầu trên biển vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, BĐBP tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, CSB, Hải quan nắm tình hình, trao đổi thông tin, xây dựng kế hoạch phối hợp đấu tranh với các đối tượng, đường dây buôn lậu xăng dầu phức tạp”, Thượng tá Mai Anh Tuấn, Trưởng Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP tỉnh nói.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

Giá nhiên liệu mua bán bất hợp pháp trên biển thấp hơn nhiên liệu hợp pháp ở trong bờ từ 3.000-4.500 đồng/lít dầu D.O và 5.000-6.500 đồng/lít xăng khiến nhiều ngư dân chấp nhận mua dầu lậu ngoài biển để tiết kiệm chi phí và thời gian vào bờ mua xăng, dầu. Điều này vô tình tạo điều kiện cho việc mua bán xăng dầu trái phép trên biển. Do đó, ngoài đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát ở các vùng biển trọng điểm; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến đầu cơ, nhập lậu xăng dầu, Vùng CSB 3 sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động quần chúng ven biển không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu xăng, dầu”, Thượng tá Trần Văn Khoái, Trưởng Phòng Pháp luật Vùng CSB 3 nói.

 

;
.