Vi phạm tải trọng xe ô tô tái diễn ở nhiều địa phương

Thứ Ba, 19/07/2022, 18:55 [GMT+7]
In bài này
.

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia tình hình vi phạm tải trọng xe ô tô trên đường bộ sau một thời gian tạm lắng nay lại tái diễn ở nhiều địa phương, nhất là nơi có mỏ vật liệu, khoáng sản, công trình xây dựng, nhà máy xi măng và bến cảng.

CSGT Công an tỉnh cân trọng tải 1 xe ben chở đất trên QL56.
CSGT Công an tỉnh cân trọng tải 1 xe ben chở đất trên QL56.

Nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng

Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, 6 tháng đầu năm nay, toàn quốc xảy ra hơn 5.700 vụ TNGT, làm chết hơn 3.300 người, bị thương gần 3.700 người. So với 6 tháng đầu năm 2021, tăng 79 người chết.  Có  26 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 12 địa phương có số người chết tăng trên 10% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, có 13 vụ TNGT nghiêm trọng trên đường bộ, làm chết 37 người, bị thương 29 người xảy ra tại các tỉnh như: Gia Lai, Thanh Hóa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định, Bắc Giang,... Đặc biệt, vụ TNGT nghiêm trọng trên đường thủy tại Quảng Nam làm 17 người chết. Đây là vụ TNGT gây thiệt hại về người nhiều nhất trong vài năm gần đây.

Ngoài ra, vụ TNGT tại Bắc Giang đêm 2/6 làm 3 người chết, nguyên nhân do cán bộ công tác trong ngành GT-VT điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu, bia và vụ TNGT tại tỉnh Hòa Bình ngày 4/6 làm 3 người chết và 1 người bị thương nguyên nhân do xe tải chở quá trọng tải lật đè lên xe ô tô con, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Theo điều tra sơ bộ, nguyên nhân ban đầu hầu hết các vụ TNGT nghiêm trọng là: đi không đúng làn đường, phần đường quy định. Vi phạm về nồng độ cồn, chở quá số người, chạy quá tốc độ quy định, lái xe trong tình trạng mệt mỏi, ngủ gật,…

6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 229 vụ tai nạn và va chạm giao thông, hậu quả làm 134 người chết và 147 người bị thương. So sánh với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2021, tổng số vụ tai nạn và va chạm giao thông giảm 12 vụ, số người bị thương giảm 19 người nhưng số người chết tăng 8 người.
Lực lượng CSGT tỉnh và địa phương đã lập biên bản hơn 12.900 trường hợp vi phạm. Tạm giữ hơn 2.470 phương tiện các loại, ra quyết định xử phạt hơn 12.600 trường hợp với số tiền nộp phạt hơn 18 tỷ đồng. Lực lượng TTGT đã tuần tra kiểm soát và lập biên bản vi phạm hành chính 416 trường hợp, với tổng số tiền phạt trên 1,3 tỷ đồng.

Vi phạm về tải trọng tái diễn

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, vi phạm tải trọng xe ô tô trên đường bộ sau một thời gian tạm lắng thì nay lại tái diễn tại nhiều địa phương, nhất là nơi có mỏ vật liệu, khoáng sản, công trình xây dựng, nhà máy xi măng, cảng và tái diễn xe quá tải đường dài như: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Nghệ An, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu,… Tình trạng cơi nới thành, thùng xe để chở hàng quá tải dẫn đến đường bộ ở nhiều nơi bị xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, các tuyến đường cấp huyện, tỉnh, có địa phương mặt đường trên những tuyến đê xung yếu cũng bị hư hỏng do xe quá tải hoạt động.

Ngoài ra, tình trạng ô tô tải không thực hiện nghiêm quy định về xếp hàng hóa lên phương tiện khiến hàng hóa bị rơi xuống đường, gây mất an toàn giao thông có xu hướng tăng. Điển hình, một số vụ xe container rơi cuộn thép ở TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương.

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, để khắc phục tình trạng trên cần triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát tải trọng xe theo Chỉ thị số 32 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông. Phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát để kiểm soát tải trọng xe vận chuyển vật liệu ra vào công trường thi công. Bộ Công an tăng cường xử lý vi phạm theo chuyên đề về chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ. Đặc biệt, hai bộ đã xây dựng kế hoạch và văn bản chỉ đạo yêu cầu các đơn vị trong ngành triển khai kế hoạch cao điểm kiểm soát tải trọng xe trên phạm vi toàn quốc.

Trong 6 tháng đầu năm, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động và cố định, TTGT các sở GT-VT và công chức thanh tra các Cục QLĐB sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra gần 52.000 xe, trong đó có trên 9.000 xe vi phạm. Tước hơn 1400 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc Nhà nước hơn 49 tỷ đồng. Lực lượng CSGT phát hiện, xử lý gần 21.700 trường hợp chở hàng quá tải, chiếm 1,61%.

Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể cho rằng, Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GT-VT và Bộ Công an cần phối hợp xem xét và điều chỉnh lại quy định xử phạt, xem xe quá tải đến một mức độ nào đó thì sẽ tịch thu. Không cho vượt tải nhiều, vượt tải trên 20% là tịch thu xe, vượt tải 5-10% là xử phạt. Tránh tạo nên tình trạng những luồng xe vượt tải, gây nguy hiểm và phá đường. “Xe mà quá tải tới 50-70% thì không những gây nguy hiểm mà còn làm đường sá hư hỏng. Việc cắt thành, thùng chỉ là phương án xử lý tạm thời. Căn cơ là phải xử lý tịch thu mới giải quyết được tình trạng xe quá tải”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Theo Phó Thủ tướng Thuờng trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia,  từ nay đến cuối năm người dân đi du lịch nhiều vào dịp lễ, Tết sẽ tăng cao, do đó cần sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của các bộ, ngành và địa phương. Mục tiêu là kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Ủy ban ATGT Quốc gia cần tiếp tục đôn đốc  bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Năm ATGT 2022, duy trì thường xuyên những đợt cao điểm, chuyên đề về tuần tra kiểm soát về nồng độ cồn, ma túy, chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

 
;
.